Còn nhớ quý IV/2012, dự án Lê Thành Twin Towers tọa lạc tại đường Mã Lò và Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân đã xuất hiện căn hộ 240 triệu đồng khiến thị trường xôn xao.
Các căn hộ siêu rẻ vào thời điểm này rộng 35m2, được thiết kế phù hợp với người độc thân hoặc các gia đình trẻ, bàn giao hoàn thiện 100% bao gồm một phòng ngủ chính, phòng khách, khu bếp và nhà vệ sinh. Chủ đầu tư cung cấp trọn bộ nội thất nếu khách hàng có nhu cầu.
Công ty Lê Thành làm chủ đầu tư dự án này cho hay, sản phẩm bán theo hai hình thức: Căn hộ bán và cho thuê để khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Giá thuê dài hạn trong 15 năm là 240 triệu đồng một căn hộ, đóng thành 5 đợt trong vòng 12 tháng. Trong khi giá bán đắt hơn thế 5 lần, trung bình 11-12 triệu đồng mỗi m2 tùy diện tích và vị trí tầng.
Chung cư có 2 block, cao 19 tầng, khối đế gồm 4 tầng với các tiện ích: trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí, khu thể dục thể thao, hồ bơi, nhà hàng...
Ở thời điểm này, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành là doanh nghiệp tư nhân điển hình đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ bằng “tiền túi” trên quỹ đất do mình nhận chuyển nhượng. Thế nhưng, thật oái oăm, sau gần 10 năm triển khai Công ty Lê Thành đang phải chịu nhiều cay đắng và "sợ" xây nhà giá rẻ trong bối cảnh thị trường vẫn thiếu nghiêm trọng phân khúc này.
Lý giải nguyên nhân "sợ" làm nhà giá rẻ tại tọa đàm "Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân" do Đài VTC phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức sáng ngày 19/2, Giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa cho biết trong khi thị trường BĐS khan hiếm căn hộ giá rẻ thì nhiều dự án của Lê Thành mất 4-5 năm vẫn chưa xong thủ tục, vướng mắc ở nhiều khâu.
Ông Nghĩa cũng chỉ ra hàng loạt vướng mắc công ty đang "còng lưng" gánh đỡ. Cụ thể, tại Dự án Nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc tại quận Bình Tân, TP.HCM dù được chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2014 và được cấp phép, khởi công xây dựng từ năm 2017, nhưng tới giờ, 19 căn nhà phố của Dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chưa được tính tiền sử dụng đất.
Còn tại Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên tại Bình Chánh, TPHCM dù Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ từ tháng 3/2019, nhưng tới nay vẫn chưa có quyết định chủ trương đầu tư Dự án - là bước đầu tiên trong 4 bước hoàn thiện quy trình thủ tục.
Ông Nghĩa cho biết, nếu thủ tục tiếp tục gặp khó khăn do những bất nhất trong quy định xây dựng Nhà ở xã hội, bất đắc dĩ Công ty sẽ phải xin chuyển sang đầu tư nhà ở thương mại để nhanh chóng đưa dự án đi vào sử dụng thay vì nhìn cả dự án cỏ mọc suốt nhiều năm.
Có thể nói, với các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản thì câu chuyện thời gian thực hiện thủ tục pháp lý luôn là nỗi sợ, thậm chí cả dự án nhà ở xã hội.
Mới đây, việc quá chậm chạp trong giải quyết các thủ tục hành chính , nhất là thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà, thủ tục cấp phép xây dựng, cấp chủ trương đầu tư… đã làm cho các dự án đứng hình hàng chục năm đã khiến 57 doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đồng loạt kêu cứu.