Đoan Trường: Được nhiều khán giả bo cả chỉ vàng, tiền đi hát 1 năm đủ xây nhà, mua xe

Cao Thanh Hương |

Đoan Trường kể, hát ở Hải Phòng, tiền bo của khán giả còn nhiều hơn cả cát xê nhận được.

Nếu Hiền Mai là người tiên phong trong phong trào Người đẹp hát thập niên 90 thì Đoan Trường là ca sĩ Bắc tiến đầu tiên và gặt hái thành công tới mức chỉ hát một năm đã đủ tiền xây nhà, mua xe...

Khán giả bo mỗi lần 500.000 đồng, tương đương 1 chỉ vàng

Theo chia sẻ của Đoan Trường, vào thập niên 90, âm nhạc hai miền Nam Bắc có nhiều sự khác biệt rõ rệt. Khán giả ngoài Bắc chuộng dòng nhạc thính phòng, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến cách mạng. Thậm chí, hát phòng trà hay bar cũng... đều là dòng nhạc này. Và ca sĩ miền Bắc hầu hết đều là những người được đào tạo chuyên nghiệp từ các trường nhạc.

Trong khi đó, ca sĩ miền Nam được xếp vào loại hát theo bản năng, cảm xúc, kinh nghiệm nhiều hơn là học thuật. Chính vì vậy, ca sĩ miền Bắc không dám Nam tiến. Ngược lại, ca sĩ phía Nam cũng không ai dám ra Bắc đi hát vì sợ "dị loại", "không có khán giả".

Bản thân ca sĩ Đoan Trường lúc đó cũng lo ngại điều này nên anh chưa bao giờ nghĩ, có một ngày mình lại Bắc tiến chứ đừng nói tới... Bắc tiến thành công.

Đoan Trường: Được nhiều khán giả bo cả chỉ vàng, tiền đi hát 1 năm đủ xây nhà, mua xe - Ảnh 1.

ca sĩ Đoan Trường. (ảnh trong bài được chụp lại từ tư liệu mà nhân vật lưu giữ)

Nhạc sĩ Tuấn Khanh (người sáng lập và quản lý nhóm nhạc MTV) lúc đó chơi khá thân với Đoan Trường. Chính nhạc sĩ Tuấn Khanh là người xúi Đoan Trường ra Bắc hát "thử" xem khán giả thế nào. Bởi nhạc sĩ Tuấn Khanh tin rằng, trong khi ai cũng hát nhạc thính phòng, hát nhạc đỏ mà có một ca sĩ hát những bài lạ hoắc thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng và thành công.

Đoan Trường nghe lời. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng là người book những show đầu tiên ở Hà Nội để đưa Đoan Trường ra hát.

Đêm nhạc đầu tiên, Đoan Trường hát cùng nhóm 5 Dòng kẻ ở một quán bar tại Hà Nội. Và để bày tỏ sự trân trọng với anh, bầu show làm riêng một poster với dòng chữ: Giọng ca đến từ TPHCM: Ca sĩ Đoan Trường.

Dự kiến, Đoan Trường sẽ hát 5 bài nhưng cuối cùng phải hát tới 10 bài do khán giả yêu cầu. Sau đêm đó, tuần nào, Đoan Trường cũng đi hát 3,4 show ở khắp các tụ điểm ca nhạc, bar, phòng trà tại Hà Nội. 

Bầu show các tỉnh khác nghe tên cũng mời anh về Hải Phòng, Uông Bí, Hạ Long, Bãi Cháy hát. Show nào, anh cũng hát từ 10 tới 15 bài.

Thời gian đó, Đoan Trường gần như ở hẳn tại Hà Nội để chạy show. Sau 3 tháng, Đoan Trường đồng ý để nhạc sĩ Tuấn Khanh làm riêng cho anh một liveshow ở Hà Nội. Thời điểm đó, Đoan Trường đã ra CD đầu tiên mang tên "Cám ơn tình yêu" nên anh có bài hát riêng của mình.

Liveshow thành công rực rỡ vì khán giả quá thích thú với dòng nhạc thị trường là lạ mà Đoan Trường mang từ Sài Gòn ra.

Đoan Trường: Được nhiều khán giả bo cả chỉ vàng, tiền đi hát 1 năm đủ xây nhà, mua xe - Ảnh 3.

Đoan Trường không ngờ khi mình ra miền Bắc hát lại nhận được sự yêu thương của khán giả nhiều đến thế.

Đoan Trường: Được nhiều khán giả bo cả chỉ vàng, tiền đi hát 1 năm đủ xây nhà, mua xe - Ảnh 4.

Lần đầu tiên nghe và nhìn một ca sĩ miền Nam hát, nhiều khán giả nữ đã bị hớp hồn bởi phong cách thời trang và trình diễn của anh. Họ xin Đoan Trường nào quần áo, nào đôi giày và hỏi... mẫu bạn gái, người yêu lý tưởng của anh là gì bằng những mẩu thư giao lưu như thế này.

Nam ca sĩ nhớ lại: "Đó là khoảng năm 1997, 1998. Đêm nào tôi cũng hát 10 tới 15 bài và đều là hát live. Nếu không có nội lực thật sự không làm được vậy vì khán giả miền Bắc cực kỳ ghét hát nhép. Hát nhép là khán giả lên giật micro đánh. Từng có nhiều ca sĩ bị đánh vì hát nhép khi hát ở Hải Phòng. Còn tôi, sẵn sàng đưa micro mời khán giả hát giao lưu với mình".

Đoan Trường cũng kể, thời điểm anh hát ở Hải Phòng, tiền bo của khán giả còn nhiều hơn cả cát xê nhận được. Anh hát một show là 7 triệu đồng. Vậy mà khán giả bo mỗi lần 500.000 đồng, tương đương 1 chỉ vàng. Và rất nhiều người bo.

Anh nói: "Dân Hải Phòng chịu chơi lắm. Nhưng phải nói là tôi hát ở các bar chứ không phải phòng trà. Mà bar là nơi dành cho các đại gia, thiếu gia, công tử nhà giàu tới chơi. Một bàn đặt ở bar lúc đó cũng khoảng 3,4 triệu đồng".

Khoảng cuối thập niên 90, đầu những năm 2000, Đoan Trường là gương mặt quen thuộc ở các bar Hoàng Giang, Biển gọi, Đông Dương, Hồ Gươm Xanh, New Centery... trong tất cả các đêm nhạc quan trọng vào dịp lễ, Tết.

"Hát 1 năm ở miền Bắc, tôi đủ tiền xây nhà cho ba mẹ rồi mua xe cho mình. Bởi vậy sau này có tiền xây nhà to hơn tôi cũng không đập nhà cũ mà giữ làm kỷ niệm, giống như đó là món quà, món lộc đầu tiên mà Tổ nghiệp cho khi tôi mới về nước", Đoan Trường tự hào khi nói mình đã xây nhà mua xe từ tiếng hát của mình.

Đoan Trường: Được nhiều khán giả bo cả chỉ vàng, tiền đi hát 1 năm đủ xây nhà, mua xe - Ảnh 6.

Đoan Trường khẳng: tôi chính là ca sĩ miền Nam đầu tiên ra ra Bắc hát, mở đầu phong trào này vào cuối thập niên 90.

Mở đầu phong trào ca sĩ miền Nam ra Bắc hát

Sau khi thành danh ở ngoài Bắc, Đoan Trương quay ngược lại Sài Gòn "đánh" ra sân khấu lớn. Vào đúng ngày Giáng sinh 24/12/1998, công ty giải trí Phước Sang đã giới thiệu đêm nhạc của 4 ca sĩ trẻ gồm: Lam Trường, Đoan Trường, Đan Trường, Vân Trường tại sân khấu lớn và chuyên nghiệp bậc nhất lúc bấy giờ ở Sài Gòn là Nhà hát Hòa Bình.

Đây cũng là lần đầu tiên, các ca sĩ tên Trường cùng đứng chung trên một sân khấu với các ca khúc được "đo ni đóng giày" cho từng người. Và báo chí ưu ái gọi họ là "tứ đại thiên vương" của làng giải trí lúc đó.

Nhiều năm sau đó, Đoan Trường vẫn liên tục bay ra bay vào giữa Hà Nội – Sài Gòn để đi hát. Anh luôn được mời show vào những ngày lễ quan trọng như Noel, Giao thừa và cả những đêm nhạc cuối tuần đông khán giả nhất.

Từ thành công này của Đoan Trường, nhạc sĩ Tuấn Khanh đưa nhóm nhạc MTV "đánh" ra Bắc. Nhưng quan trọng nhất, Đoan Trường đã mở ra phong trào ca sĩ miền Nam "bắc tiến". Một loạt những ca sĩ sau đó cũng ra Bắc hát như Ngọc Sơn, Ưng Hoàng Phúc, Thanh Thảo, Hồng Ngọc... và đều thành công vang dội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại