Đoàn Thị Hương được bảo hộ công dân như thế nào?

Đông Hải |

Cũng giống như Mỹ, Úc và các quốc gia khác, Việt Nam có các quy định pháp luật về bảo hộ công dân Việt Nam vi phạm pháp luật nước ngoài trong pháp luật, thực tiễn quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam.

Từ trường hợp cụ thể Đoàn Thị Hương đang bị xét xử tại Malaysia, theo đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị, công tác bảo hộ công dân của các nước trên thế giới về nguyên tắc, phải dựa trên Công ước Vienna 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Vienna 1963 về quan hệ lãnh sự; Các điều ước quốc tế quốc gia tham gia hoặc ký kết; Các hiệp định song phương về lãnh sự, lao động... và luật pháp sở tại.

Trên cơ sở đó, các quốc gia sẽ nội luật hoá, có những quy định cụ thể về công tác bảo hộ công dân.

Cũng theo đại sứ Lương Thanh Nghị, giống như Mỹ, Úc và các quốc gia khác, Việt Nam có các quy định pháp luật về bảo hộ công dân Việt Nam vi phạm pháp luật nước ngoài trong pháp luật, thực tiễn quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể như sau:

1. Pháp luật và thực tiễn quốc tế:

- Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961 (Điều 3) và Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự năm 1963 (Điều 5) đều quy định “cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự có chức năng bảo vệ quyền lợi của công dân của nước mình trong phạm vi cho phép của luật pháp quốc tế”.

2. Pháp luật Việt Nam:

- Hiến pháp 2013 (Khoản 3 Điều 17) quy định: Công dân Việt Nam ở nước ngoài được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ.

- Luật quốc tịch 2008 (Điều 6) quy định: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó.

- Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Điều 8, các khoản 1, 2 và 3) quy định:

+ Bảo hộ lãnh sự đối với lợi ích hợp pháp của công dân trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc gia tiếp nhận (nước sở tại) và điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế;

+ Thực hiện việc thăm lãnh sự và liên hệ, tiếp xúc với công dân Việt Nam trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam, xét xử hoặc đang chấp hành hình phạt tù tại quốc gia tiếp nhận.

+ Trong trường hợp công dân Việt Nam không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo pháp luật và thực tiễn của quốc gia tiếp nhận, cơ quan đại diện có thể tạm thời đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho họ tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận cho đến khi có người khác làm đại diện cho họ hoặc họ tự bảo vệ được quyền và lợi ích của mình.

Thực hiện thăm lãnh sự và liên hệ, tiếp xúc với công dân trong trường hợp họ bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, xét xử hoặc đang chấp hành hình phạt tù; Trong trường hợp công dân, pháp nhân không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cơ quan đại diện tạm thời đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho công dân và pháp nhân tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền nước tiếp nhận.

Nguyên tắc chung

Những giúp đỡ mà Cơ Quan Đại Diện có thể làm:

• Cấp hộ chiếu để tiếp tục hành trình hoặc cấp Giấy thông hành để về nước;

• Tiến hành thăm lãnh sự nếu công dân có yêu cầu trong trường hợp bị bắt, bị giam giữ hoặc bị tù;

• Thăm công dân ốm đau đột xuất phải cấp cứu tại bệnh viện; giúp thông báo cho gia đình, thân nhân biết;

• Giúp cung cấp danh sách, địa chỉ bệnh viện, luật sư;

• Giúp liên hệ với gia đình, người thân, bạn bè trong nước nếu bị bắt giữ; giúp thuê luật sư (với điều kiện bản thân hoặc gia đình chịu chi phí);

• Giúp can thiệp khi công dân Việt Nam bị giam giữ trong điều kiện phi nhân đạo (Bị tra tấn, đánh đập, ốm đau không được khám, chữa bệnh);

• Giúp tìm kiếm thông tin nếu công dân bị mất tích;

• Giúp thông báo cho gia đình, người thân bạn bè trong trường hợp công dân bị chết;

• Giúp hồi hương công dân bị ốm đau, bị tai nạn hoặc đưa thi hài người chết về nước với chi phí của gia đình, người thân, bạn bè người đó.

Những việc mà Cơ Quan Đại Diện không thể làm:

• Cấp đổi giấy phép lái xe;

• Trả tiền khách sạn, tiền phạt hoặc viện phí;

• Trả tiền cho công dân mất tiền bạc tiếp tục hành trình;

• Ứng tiền đặt cọc hoặc lệ phí thuê luật sư;

• Cử viên chức lãnh sự ra sân bay cấp hộ chiếu;

• Tiến hành điều tra tội phạm;

• Can thiệp vào tiến trình tư pháp hoặc yêu cầu nhà chức trách sở tại thả công dân bị bắt;

• Hành động thay thế luật sư;

• Hành động thay thế các đại lý du lịch , bảo hiểm y tế hoặc ngân hàng;

• Trả chi phí cho các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tiến hành bởi cơ quan dịch vụ nước sở tại;

• Trả chi phí cho việc hồi hương thi hài, di hài người chết.

Một số vụ bảo hộ công dân Việt Nam vi phạm pháp luật nước ngoài mà cơ quan sứ quán Việt Nam đã thực hiện:

1/ Vụ Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết tại Malaysia

- Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết, sinh năm 1988 (công dân Tp. Hồ Chí Minh) bị cơ quan có thẩm quyền Malaysia bắt giữ ngày 26/6/2011 do vận chuyển 2,7 kg ma túy từ Châu Phi vào Malaysia.

- Ngày 18/07/2012, Tòa án sơ thẩm Penang đã xét xử và tuyên án tử hình đối với chị Tuyết.

- Từ 2012 đến 29/3/2016, tại các phiên xử Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết sử dụng luật sư do Tòa án chỉ định.

- Ngày 29/03/2016, Tòa án Liên bang Malaysia đã tuyên án 20 năm tù giam đối với chị Tuyết vì tội vận chuyển ma túy (tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đây, Tòa án Malaysia đều tuyên án tử hình với tội danh mua bán, tàng trữ ma túy).

2/ Vụ Klong K Djoanh tại Malaysia

- Ngày 21/5/2012, Klong K Djoanh (công dân tỉnh Lâm Đồng) bị kết án tử hình do vận chuyển ma túy.

- Trong suốt thời gian từ 2012 đến các lần xử ở cấp phúc thẩm, đương sự sử dụng luật sư do Tòa chỉ định.

- Từ phiên tòa phúc thẩm đến 2016 (thời điểm tòa án tối cao Malaysia tuyên y án sơ thẩm 18 năm tù giam) gia đình đương sự sử dụng luật sư Sruimurugan do gia đình nhờ Tổ chức Liên đoàn lao động Malaysia giới thiệu.

3/ Vụ Vũ Hoàng Giang (công dân Hà Nội) bị bắt, xét xử tại Hà Lan sau đó bị dẫn độ sang Mỹ.

- Sáng 29/8/2012 (5g30) Cảnh sát Hà Lan bắt Vũ Hoàng Giang do tham gia vào vụ lấy cắp 1,5 tỉ địa chỉ email, lấy thông tin thẻ tín dụng, chiếm đoạt hàng triệu USD; tạm giữ 60 ngày để điều tra; dự kiến sẽ dẫn độ sang Mỹ theo đề nghị của Bộ Tư pháp Mỹ.- Chiều 29/8/2012, Vũ Hoàng Giang đề nghị có luật sư và cảnh sát đã giới thiệu ông Jan Willem Bosman làm luật sư cho mình.

- Từ 29/8 đến 23/9, trong quá trình tố tụng tại Hà Lan, luật sư Jan Willem Bosman thực hiện vai trò là luật sư cho Vũ Hoàng Giang.

- Cho tới tháng 14/3/2014 (trước khi bị dẫn độ sang Mỹ) gia đình Giang chịu trách nhiệm thuê luật sư Bart Stapert để bào chữa cho Giang tại Hà Lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại