Đoàn công tác của Quốc hội đưa ra những kiến nghị gì khi khảo sát dự án đường sắt tốc độ cao 67,3 tỷ USD?

Thái Hà |

Đoàn công tác Quốc hội mới đây đã có chuyến khảo sát thực tế dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua các tỉnh từ Hà Nội đến Nam Định.

Nhiều nội dung cần làm rõ hơn nữa

Ngày 27/10, ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã dẫn đầu đoàn công tác tiến hành khảo sát thực tế dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, qua các tỉnh từ Hà Nội đến Nam Định. Đây là bước chuẩn bị quan trọng trước khi dự án được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Tại đây, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, yêu cầu làm rõ hàng loạt nội dung trước khi trình Quốc hội. Những vấn đề cần được xem xét bao gồm: hướng tuyến và mô hình phát triển đô thị quanh nhà ga (TOD), vị trí đặt nhà ga sao cho hiệu quả về khai thác vận tải, kết nối với hạ tầng giao thông hiện có và các phương thức vận tải khác. 

Hình ảnh từ buổi khảo sát. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

Ông cũng lưu ý cần phải cân nhắc tiến độ dự án trong bối cảnh phân bổ vốn cho các dự án khác, đề ra thứ tự ưu tiên hợp lý, và nhanh chóng triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư.

"Bộ GTVT cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, ngoài ra còn các vấn đề như: đi cầu cạn qua địa phương, điều chỉnh quy hoạch để phát triển TOD, phương án duy tu, bảo trì… sao cho đảm bảo hiệu quả về đầu tư, chi phí", báo Giao thông dẫn lời ông Vũ Hồng Thanh nói..

Các đại biểu tham gia buổi làm việc đều bày tỏ sự đồng thuận cao với việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tất cả đều kỳ vọng dự án sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho kết nối vùng, phát triển các cực tăng trưởng kinh tế, tái cấu trúc đô thị, điều chỉnh phân bổ dân cư, và thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Đồng thời, dự án cũng hứa hẹn giảm thiểu chi phí logistics, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn kiến nghị về một số cơ chế và chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy tiến độ dự án, bao gồm các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu xây dựng.

Đoàn công tác đại biểu Quốc hội khảo sát hiện trường tại khu vực dự kiến đặt ga Nam Định đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Báo Giao thông

Trả lời ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, đây là một dự án mới, có tính đặc thù và chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Do đó, quá trình nghiên cứu cần được tiến hành một cách cẩn trọng, tham khảo ý kiến từ nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, cũng như tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm từ nước ngoài.

Để làm rõ phương án tuyến, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tính toán chi tiết về chi phí đầu tư, khai thác và vận hành, đảm bảo dự án có tuyến đường "thẳng nhất có thể". Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ các đại biểu và trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như các bước tiếp theo, sẽ tiếp tục bổ sung và chi tiết hóa các vấn đề được góp ý.

Ý kiến của các ĐBQH về siêu dự án

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Nếu hồ sơ dự án được Quốc hội thông qua, được kỳ vọng tạo nên bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chia sẻ bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình, ủng hộ cao, nhưng lưu ý cần ưu tiên cao nhất nguồn lực tài chính, tập trung trí tuệ, nhân lực và sự chỉ đạo điều hành sát sao đối với dự án này.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ cao với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều nước phát triển trên thế giới đã xây dựng đường sắt tốc độ cao. Đây cũng là sự mong đợi của người dân, “sáng ăn sáng ở TP. Hồ Chí Minh, trưa làm việc tại Hà Nội”. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cho biết, thời gian trước đây, chúng ta chưa có điều kiện xây dựng, nhưng hiện nay đã có đủ tiềm lực, có dư địa về ngân sách, dư địa nợ công và có nền tảng cơ bản để triển khai dự án này. Chúng ta cũng đã có đủ nền tảng khoa học công nghệ học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong việc triển khai dự án và có sự mong đợi của Nhân dân, nên chúng ta phải tập trung làm và làm cho được.

Khẳng định sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây cũng là xu hướng của nhiều quốc gia phát triển đã xây dựng đường sắt tốc độ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương rất lớn của người dân và doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ việc triển khai đầu tư các dự án lớn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh đây là dự án có quy mô rất lớn, cần chú ý đến khâu tổ chức thực hiện, lựa chọn nhà thầu, giám sát của các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai dự án.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Quochoi.vn

Còn đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định tin tưởng, nếu chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được thông qua sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra. 

Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta cần ưu tiên cao nhất nguồn lực tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam; song song với đó huy động nhân lực, vật tư, máy móc và thể hiện tinh thần quyết tâm từ lãnh đạo cao nhất đến những công nhân trực tiếp thi công trên công trường. Nếu làm được điều này, đại biểu tin tưởng dự án sẽ về đích sớm hơn so với dự kiến năm 2035 như kế hoạch đề ra.

“Tôi cũng thấy rất tự hào khi chúng ta có một công trình giao thông vĩ đại như vậy, chúng ta cũng có thể ngẩng cao đầu sánh vai cùng với các cường quốc xung quanh về giao thông”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng chia sẻ.

Chỉ đạo quan trọng của Đoàn công tác Quốc hội khi khảo sát thực tế dự án đường sắt tốc độ cao 67,3 tỷ USD - Ảnh 1.

Thông tin về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: VTV

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại