Kinh doanh và nghệ thuật
Có trong tay 2 tấm bằng thạc sĩ tu nghiệp tại Úc về kinh tế, đang là chuyên viên cao cấp của một ngân hàng đầu tư Singapore tại Việt Nam, Đỗ Ngọc Minh cho biết quyết định đầu tư kinh doanh hàng hiệu quốc tế là bởi không muốn "chảy máu" ngoại tệ.
Năm 2009, anh Minh mở DX Group là một trong những nhà phân phối thời trang cao cấp hàng đầu Việt Nam với các thương hiệu Canali, Escada, Etro, van Laack và Hiltl. Cửa hàng nổi tiếng nhất là Luala Fashion đặt tại trung tâm Hà Nội (gần Nhà hát Lớn và khách sạn Metropole) và TPHCM (trên đường Đồng Khởi, đoạn gần Nhà hát Thành phố).
Luala là đứa con tinh thần được Đỗ Ngọc Minh chăm chút tỉ mỉ. Chia sẻ về tên thương hiệu, anh cho biết ý nghĩa của nó thật ra rất thuần Việt: Lụa Là. "Mình muốn chọn một nhãn hiệu mang đậm phong cách Việt mà người nước ngoài vẫn dễ đọc", anh nói.
Bắt đầu phân phối hàng Escada của Đức từ năm 2006 và sau đó lập Luala, mở rộng sang phân phối khoảng 30 thương hiệu khác vào năm 2011, tốc độ tăng trưởng của Luala luôn giữ ở mức trên 18%.
Tuy nhiên, kể từ năm 2012 trở đi, tình hình kinh doanh không còn tốt như trước, đồng thời sự cạnh tranh đến từ nhiều thương hiệu ngoại bắt đầu xuất hiện. Lúc này, Đỗ Ngọc Minh quyết định chuyển sang chiến lược mới là tổ chức "bữa tiệc" văn hóa mang tên Luala Concert.
Diễn ra từ năm 2013-2018, Luala Concert đã trở thành một sự kiện văn hoá - nghệ thuật có thương hiệu và được mong đợi hàng năm.
Tại góc phố Lý Thái Tổ (Hà Nội), Đỗ Ngọc Minh mời các nghệ sĩ tham dự và tổ chức những buổi hòa nhạc, triển lãm ngoài trời miễn phí, mang dòng nhạc nhạc giao hưởng, nghệ thuật sắp đặt vốn được xem là "bác học", hàn lâm, đến gần hơn với người Việt Nam.
Không chỉ các tín đồ thời trang hàng hiệu xa xỉ mà cả các doanh nhân trong ngành đều chung một cảm nhận: Cách làm thương hiệu của Đỗ Ngọc Minh luôn là sự hòa quyện, giao thoa giữa nghệ thuật - thời trang.
"Làm thương hiệu đúng là có nhiều cách, tôi chọn cách có lợi cho nhiều người, nhiều bên. Chọn nghệ thuật vì Luala là một thương hiệu phân phối thời trang cao cấp, với các thương hiệu quốc tế có phong cách sang trọng nhưng kín đáo, có cá tính và không chạy theo trào lưu mù quáng; do vậy làm thương hiệu cho Luala không gì hợp hơn là chọn một loại hình nghệ thuật có ít nhiều điểm giống với những gì Luala theo đuổi: sang trọng và cũng cần một phẩm chất để thưởng thức", Đỗ Ngọc Minh từng chia sẻ.
Ngoài Luala, Đỗ Ngọc Minh còn được biết đến là người sáng lập dự án Soi. Cuối năm 2009, anh định mở một gallery và được hỗ trợ bởi những người bạn làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Công việc chuẩn bị cho dự án từ phòng tranh Soi, nhân sự, giấy phép… đã hoàn thành thì dự án phải dừng lại do thay đổi về mặt bằng.
Soi chuyển sang dự án nghệ thuật trực tuyến. Ý tưởng ban đầu là trang web mỹ thuật để kinh doanh thương mại, tranh tượng nhưng sau đó chuyển thành diễn đàn mỹ thuật với nội dung thông tin phong phú. Hiện Soi.com.vn vẫn còn duy trì dù Luala Concert đã dừng lại từ lâu.
Tham gia show truyền hình thực tế
Năm 2015, Đỗ Ngọc Minh bất ngờ tham gia chương trình truyền hình thực tế "Bố ơi! mình đi đâu thế". Anh cũng là doanh nhân duy nhất tham gia chương trình cùng với các "ông bố showbiz".
Anh sẵn sàng cùng con trai đối mặt với điều kiện thiếu thốn, khó khăn. Thoát khỏi hình ảnh một doanh nhân lịch lãm, anh đã có lúc trở thành người nông dân chân lấm tay bùn, cầm nơm lội ao bắt cá hay tự đi chợ để nấu cho con trai những bữa cơm hàng ngày.
Anh cho biết mình muốn làm một ông bố chuyên nghiệp. Theo Đỗ Ngọc Minh, đến một lúc nào đấy tự nhiên mình thấy là mỗi người đàn ông thì đi qua cuộc đời đều muốn có di sản để lại, khác nhau là có người chọn cách này có người chọn cách kia. Và với anh, chọn di sản của mình là những đứa con thành công (thậm chí là hơn mình).
Đỗ Ngọc Minh và con trai trong chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?”.
Thành công theo định nghĩa của Đỗ Ngọc Minh cũng khác biệt.
Theo anh có nhiều ông bố không hiểu một điều rằng con mình nó khác mình và không nhất thiết nó phải giống mình thì mới thành công.
Và kể cả ép nó giống mình và thành công nhưng không phải theo cách nó muốn hoặc hạnh phúc thì không thực sự tốt.
"Tạo ra những đứa con khoẻ mạnh, tử tế, không cần thành công hoành tráng, nhưng làm được những điều tốt trong khả năng và năng khiếu của nó thì còn tốt hơn là tạo ra những đứa trẻ rất thành công nhưng lại mang trong mình nhiều ẩn ức về tâm lý, tính cách.
Có những người trông rất thành công nhưng phải trả giá bằng đủ thứ thủ đoạn, chiêu trò, mánh lới, trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn hại cho xã hội hay thậm chí là cho chính gia đình của người ấy thì những thành công theo nghĩa đó có gì là đáng ngưỡng mộ đâu", anh chia sẻ.