Cuộc hôn nhân tan vỡ theo căn hộ ngừng thi công
Đối với Tang Chao, căn hộ ở vùng đất phía đông bắc Trung Quốc sẽ là nơi mà vợ chồng anh bắt đầu một cuộc sống mới. Cả hai đã đổ hàng chục ngàn USD cho tổ ấm của mình, nhưng cho đến tận vài tháng trước ngày chuyển vào, tất cả những gì họ nhận được là những bức tường bê tông thô ráp, đường dây điện rối tung và đống đất cát trơ trọi trên sàn. Chẳng mấy chốc, ngay cả cuộc hôn nhân của họ cũng tan vỡ theo căn hộ đó.
Hình ảnh của một căn chung cư sau khi được hoàn thành
Và tình trạng hiện tại dù đã qua thời hạn giao nhà
Ở những thành phố khác của Trung Quốc, người người nhà nhà đang đổ dồn tiền vào việc mua nhà mà không biết rằng sự bùng nổ bất động sản kéo dài hàng thập kỷ qua sẽ đột ngột dừng lại. Nền kinh tế chậm dần khiến những nhà thầu xây dựng cũng ngừng thi công.
Trên khắp đất nước, những công trình vốn dĩ sẽ trở thành tòa chung cư khang trang nay lại bị "đắp chiếu", cỏ hoang mọc um tùm. Điều này đã làm dấy lên sự tức giận của không ít người mua nhà, khiến họ tổ chức biểu tình và từ chối chi trả các khoản vay đối với những căn hộ chưa được hoàn thành.
Nhà không còn nhưng cũng chẳng dám nói với gia đình
Daisy Xu, một kỹ thuật viên phòng y tế 28 tuổi, nhớ lại quá trình mua căn hộ của mình như thể nó mới chỉ diễn ra ngày hôm qua. Xu lúc đó, cùng với hàng trăm người mua khác đã đứng đợi mòn mỏi để được mua một trong những căn hộ tại khu đô thị Royals Garden. Cuối cùng, khi đến lượt mình, cô chỉ có chưa đầy 1 phút để chọn nhà.
Xu nhìn lướt qua bức tường ghim những mảnh giấy ghi số căn hộ chưa bán và nhanh chóng chọn một vị trí trên tầng 8. Nhân viên bán hàng xé mảnh giấy ghi số phòng đưa cho cô trong khi người dẫn chương trình nói to: "Chúc mừng vị chủ nhà mới".
Một chương trình bán bất động sản ở Trung Quốc
Xu vô cùng hạnh phúc vì quyết định của mình. Mọi căn hộ đã được bán sạch trong hôm đó, và không ít người phải thất vọng ra về. "Tôi vô cùng xúc động, vậy nên tôi đã ngay lập tức chụp ảnh lại và gửi cho gia đình ở quê nhà", Xu chia sẻ.
Căn hộ Xu đã mua có giá khoảng 495.000 USD (khoảng 11,6 tỷ đồng) - một khoản tiền lớn nhưng lại phải chăng hơn nhiều so với những ngôi nhà cũ ở mảnh đất Thượng Hải hoa lệ. Cô gái trẻ đã vẽ ra viễn cảnh cho tương lai: một ngôi nhà với hai phòng tắm để bố mẹ hoặc chồng có thể sử dụng thoải mái, căn phòng ngủ sẽ có hướng nhìn ra sông và vị trí "đắc địa" chỉ cách khu buôn bán vài bước chân.
Một căn hộ với tầm nhìn hướng ra sông là tất cả những gì mà Xu mong đợi
Đáng nhẽ Xu sẽ nhận được chìa khoá từ hồi tháng 9 và chuyển đến vào đầu năm nay, nhưng đến tận hiện tại, khu chung cư vẫn chỉ là một tòa nhà 16 tầng đang xây dở, xung quanh phủ lưới xanh và bên trong toàn là cỏ dại cùng những mảnh vụn.
Ở Trung Quốc, 90% nhà mới sẽ được bán trước khi tiến hành xây dựng. Mô hình này giúp cho những nhà thầu có thể huy động nguồn vốn nhanh chóng, nhưng đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ là đối tượng chịu phần lớn rủi ro.
Theo quy định, toàn bộ khoản tiền đặt cọc sẽ được sử dụng để xây dựng dự án đó. Nhưng trên thực tế, sự giám sát vẫn còn lỏng lẻo khiến các nhà thầu có thể "lách luật" để sử dụng khoản tiền đó cho bất cứ việc gì mà họ muốn, bao gồm cả việc bắt đầu một dự án mới.
Nhiều dự án nhà ở Trung Quốc dừng thi công vì thiếu kinh phí
Vì vậy, khi giá nhà tăng vọt và chính phủ thắt chặt quản lý tài chính, nhiều công ty xây dựng bắt đầu oằn mình dưới sức nặng của khoản nợ khổng lồ và buộc phải ngừng hoạt động.
Bất chấp sự chậm trễ đó, Xu vẫn chi ra hơn 1.300 USD (khoảng 30,5 triệu đồng) mỗi tháng để thanh toán khoản vay thế chấp. Cô không dám nói sự thật này với bố mẹ, vì căn nhà là bằng chứng duy nhất cho thấy cô gái đến từ vùng quê đã thành công khi lập nghiệp tại thành phố.
Không dám sinh thêm con vì không có nhà
Ở phía đông nam của thành phố Nam Xương, một khu đô thị với hơn 4.000 căn hộ đang được chia làm hai phần. Một bên là các tòa chung cư có người ở được bao phủ bởi cây cối xanh mát, bên còn lại là nhiều công trình đang xây dở, không sơn, không cửa sổ, và cũng không có dấu hiệu tiến triển.
Andie Cao, đại diện kinh doanh của một công ty, đã mua căn hộ 3 phòng ngủ ở đây với giá 203.000 USD (gần 4,8 tỷ đồng). Tuy giá có phần hơi "chát", nhưng cô và chồng đang có ý định sinh thêm một em bé thứ hai, vậy nên một căn phòng gần trường mầm non và trường tiểu học đã trở thành lựa chọn tốt nhất của hai người.
Những toà công trình dang dở mọc đầy cỏ hoang
Căn hộ của Cao được dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2021, nhưng khi mới đến tháng 8, Tập đoàn Sinic Holdings đã tuyên bố gặp khó khăn về tài chính, việc thi công cũng vì vậy mà lỡ dở.
Cao đã trả hơn 80.000 USD (1,8 tỷ đồng) cho căn hộ, số tiền mà cô dành dụm được sau nhiều năm vất vả ở Thượng Hải. Đến tháng 7 năm ngoái, cô cùng nhiều người mua nhà khác trên khắp đất nước tham gia vào cuộc đình công thanh toán khoản vay thế chấp.
Khoản thế chấp trở thành gánh nặng của nhiều người trẻ
"Tôi sẽ không trả tiền cho đến khi căn hộ hoàn thành. Tôi sẵn sàng trả tiền phạt sau đó, nhưng tôi sẽ không để bản thân bị bắt nạt".
Nhưng cũng chỉ có thể, cô cùng chồng vẫn tiếp tục làm việc và ở ngôi nhà thuê tại Thượng Hải. Cao không nghĩ rằng căn hộ sẽ được hoàn thành, nhưng cô cũng không thể tưởng tượng đến việc mua một ngôi nhà khác. Ngay cả mục tiêu sinh con thứ hai cũng không còn nữa.
Không nhà, không vợ
Hoàn cảnh tương tự cũng xảy ra với Tang Chao và vợ sắp cưới của anh. Vào năm 2019, họ bị thu hút hoàn toàn bởi Haiyi Changzhou, một trong những dự án hot nhất phía đông bắc thành phố Đại Liên lúc bấy giờ. Nhà thầu xây dựng đã không ngừng hứa hẹn với người mua về một khu phức hợp cao tầng với cảnh quan thanh bình, riêng tư.
Cặp đôi đã mua một căn hộ hai phòng ngủ nhỏ xinh với giá 177.000 USD (khoảng 4,1 tỷ đồng). Để trang trải khoản tiền đặt cọc hơn một phần ba giá trị căn nhà, họ đã sử dụng hết số tiền tiết kiệm và nhờ cha mẹ hỗ trợ thêm.
Người dân Trung Quốc trả tiền để mua những căn nhà không biết khi nào mới được ở
Họ đã ký hợp đồng mua căn hộ vào năm 2019, sau đó đăng ký kết hôn. Kế hoạch của cả hai là sau khi căn hộ hoàn thành, họ sẽ chính thức tổ chức đám cưới và dọn về ở chung.
"Vào thời điểm đó, chúng tôi rất tự hào khoe với bạn bè rằng mình đã mua được một căn nhà ở thành phố. Đối với một người xuất thân từ nông thôn, như thế đã là quá tốt", Chao chia sẻ.
Và theo như kế hoạch, căn hộ phải được hoàn thành vào tháng 8 năm ngoái nếu nhà phát triển dự án không gặp khó khăn về tài chính. Một tháng sau đó, chủ sở hữu của hơn 2.600 căn hộ chưa hoàn thành trong dự án Haiyi Changzhou đã biểu tình và đe doạ ngừng thanh toán các khoản thế chấp.
Với anh Chao, điều đó chẳng khác gì như rơi từ thiên đường xuống địa ngục: "Tôi chẳng còn mong đợi gì nữa, không nhà, không vợ".
Cắt giảm chi tiêu vì trả thế chấp cho căn nhà chưa hoàn thành
2019 là một năm tốt lành đối với Xu Feng. Cửa hàng tạp hoá ở thành phố Nam Xương mà anh và vợ cùng điều hành đang phát triển rất tốt, điều đó đã thúc đẩy anh suy nghĩ đến việc sở hữu một cửa hàng của chính mình.
Hai vợ chồng đã tìm thấy một vị trí hoàn hảo: không gian rộng 92 mét vuông trị giá 163.000 USD (3,8 tỷ đồng) tại tầng một của một tòa chung cư. Đó là một phần của Xinli City, khu phức hợp sang trọng gồm hàng nghìn căn hộ.
Học phí của con trai là khoản chi tiêu duy nhất mà gia đình anh Xu không thể cắt giảm
Để có thể trả trước khoản tiền cọc 81.000 USD (hơn 1,8 tỷ đồng), Xu đã chấp nhận bán lỗ một số hàng hoá và thế chấp 10 năm.
Nhưng tới ba năm sau đó, dự án vẫn chưa hoàn thành, còn gia đình anh Xu thì đang đối mặt với áp lực tài chính vô cùng lớn: vừa phải thuê không gian để kinh doanh, vừa phải trả tiền thế chấp. Anh không còn đi ăn uống với bạn bè nữa, mọi chi tiêu trong gia đình cũng được cắt giảm trừ học phí của con trai.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra với mình. Tôi sợ có thêm một người con nữa vì thu nhập hiện tại của tôi thậm chí còn không đủ để thanh toán các khoản chi phí", anh Xu cho hay.
Quá thất vọng vì sự chậm trễ trong khâu xây dựng, Xu cùng hàng trăm người mua nhà khác đã nhiều lần lên tiếng. Họ tụ tập bên ngoài các cơ quan chính quyền địa phương, các quảng trường công cộng và thậm chí là treo biểu ngữ trên nóc nhà, nhưng kết quả cho đến nay vẫn chỉ là con số không.
Nguồn: New York Times