Thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên sông Đăk Lô tại xã Đăk Tăng và Ngok Tem của huyện Kon Plông. Dự án có đường hầm dẫn nước dài nhất Việt Nam hiện nay và có đập đất cao nhất Việt Nam với chiều cao là 80m, cột nước cao nhất Việt Nam với chiều cao là 944m tạo ra công suất phát điện lớn.
Khi Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước tạo ra một mặt hồ rộng 7km2, trải dài hơn 15km trên dòng chính và nhiều nhánh nhỏ. Hồ có thể chứa gần 150 triệu mét khối nước.
Tháng 10/2019 đã tổ chức Lễ thông hầm kỹ thuật tuyến năng lượng của dự án. Tuyến năng lượng của dự án có độ dài gần 17 km, trong đó 5 km là hình móng ngựa (5 x 6m), còn lại 12 km là hình tròn đường kính 4,5m nằm sâu trong lòng núi.
Hình ảnh hầm dẫn nước Thuỷ điện Thượng Kon Tum (Ảnh: EVN Genco3)
Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư với tổng công suất 220MW, gồm 02 tổ máy (2x110MW), sản lượng thiết kế là 1.094 triệu kWh/năm và tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 9/2009 và đã được hòa lưới điện Quốc gia thành công vào năm 2021.
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, năm 2022, Nhà máy Thượng Kon Tum ghi nhận sản lượng điện sản xuất là 1.590,68 triệu kWh, đạt 144,85% kế hoạch, doanh thu mang về hơn 2.194 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng.
Chủ đầu tư dự án - Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã CK: VSH), tiền thân là nhà máy thuỷ điện Vĩnh Sơn do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và vận hành từ năm 1994 và được cổ phần hoá năm 2005.
Đến nay, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh sở hữu 3 nhà máy thủy điện hoạt động ổn định với tổng công suất là 356 MW, cung cấp sản lượng điện khoảng 2 tỷ kWh/năm vào lưới điện Quốc gia bao gồm: Thuỷ điện Thượng Kom Tum (220MW), Thủy điện Vĩnh Sơn (66MW), Thủy điện Sông Hinh (70MW).
Vào tháng 10/2022, Công ty TNHH Năng lượng REE - công ty con của CTCP Cơ Điện Lạnh (mã REE) đã hoàn tất mua thêm 4 triệu cổ phiếu VSH qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 52% và chính thức trở thành công ty mẹ nắm quyền chi phối công ty. Hiện nay, cổ đông lớn của VSH gồm TNHH Năng lượng REE nắm 52,58%, EVN Genco3 nắm 30,55% và quỹ đầu tư Samarang UCITS - Samarang Asian Prosperity nắm 9,88%.
Năm 2022 là năm đầu tiên VSH đạt kỷ lục về sản lượng và giờ vận hành (công suất 03 nhà máy 356 MW với hơn 7.300 giờ vận hành và sản lượng điện đạt 2.616,14 triệu kWh). Kết thúc năm , VSH ghi nhận sản lượng điện thương phẩm đạt 2.587 triệu kWh; doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều vượt kế hoạch và lần lượt đạt 3.095 tỷ đồng và 1.265 tỷ đồng, tăng 90,79% và 226,6% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào Thủy văn thuận lợi, lượng nước mưa lớn đổ về hồ chứa; Nền kinh tế trong nước được phục hồi sau 02 năm đại dịch giúp lượng tiêu thụ điện tăng lên; và Giá thị trường điện bình quân của các nhà máy thủy điện trong năm 2022 tăng lên.
Bên cạnh đó, Dự án Thượng Kon Tum đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả cao cho toàn công ty. Năm 2022, riêng Công ty Thuỷ điện Thượng Kon Tum đã đóng góp vào VSH về sản lượng chiếm tỷ trọng 61%; doanh thu 71% và LNST đóng góp đến 72%. Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận công ty cũng đạt tăng trưởng cao.
Hiện nay, VSH đang tập trung cao độ vào đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh truyền thống là đầu tư và khai thác các dự án Thủy điện, với các dự án: Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn mở rộng với công suất lắp máy 40MW, điện lượng tăng thêm 25,94 triệu kWh/năm và tổng mức đầu tư sơ bộ 791 tỷ đồng; Dự án Thủy điện Sông Hinh mở rộng với công suất lắp máy 70MW, điện lượng tăng thêm 71,21 triệu kWh/năm và tổng mức đầu tư sơ bộ 1.313 tỷ đồng; và Dự án nâng Mực nước dâng bình thường hồ B lên 2,5m có tổng mức đầu tư sơ bộ 44,5 tỷ đồng.
Năm 2023, VSH đặt kế hoạch doanh thu 2.457 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 856 tỷ đồng, lần lượt giảm 21% và 32% so với thực hiện năm 2022.