DN đằng sau đường ống dẫn nước dài hơn 2.000m như "đường lên trời" ở đèo Ngoạn Mục: Lãi cả nghìn tỷ mỗi năm

Huyền Trang |

Đây là một trong những nhà máy thủy điện có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, nằm ở nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện của hệ thống sông Đồng Nai.

DN đằng sau đường ống dẫn nước dài hơn 2.000m như đường lên trời ở đèo Ngoạn Mục: Lãi cả nghìn tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Hình ảnh đường ống dẫn nước cho Thuỷ điện Đa Nhim bị hiểu nhầm là đường đèo Ngoạn Mục (ảnh sưu tầm)

Đối với những ai yêu thích khám phá và chinh phục, đèo Ngoạn Mục luôn là điểm đến đầy thu hút. Ngọn đèo này nằm trên Quốc lộ 27 giữa ranh giới huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận và huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Độ dài đèo là 18,5 km, ở điểm thấp nhất của cung đường đèo này vào khoảng 200 mét, lên tới đỉnh là khoảng 980 mét so với mực nước biển, độ dốc trung bình hơn 9 độ, đây cũng là con đèo có độ dốc cao nhất ở khu vực phía Nam.

Thế nhưng cung đường này lại hay bị nhầm lẫn với đường ống dẫn nước của nhà máy thủy điện Đa Nhim.

Đứng trên đèo Ngoạn Mục, du khách sẽ thấy được toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Đây là một trong những nhà máy thủy điện có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, được khởi công từ ngày 1/4/1961 và hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 1964. Nhà máy nằm ở nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện của hệ thống sông Đồng Nai.

Thuỷ điện Đa Nhim có hồ chứa với lưu vực rộng 775 km 2 nhận nguồn nước từ sông Đa Nhim và sông Kronglet trên thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai, cửa nhận nước, đường hầm áp lực thuộc tỉnh Lâm Đồng; đường ống áp lực, trạm phân phối và tòa nhà năng lượng thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Tuyến đường ống thủy áp Nhà máy thủy điện Đa Nhim được xây dựng từ năm 1963, bao gồm hai đường ống lắp song song nhau, mỗi đường ống có chiều dài 2,257m, đường kính giảm dần từ 2m xuống 1,05m khi đến nhà máy. Hai đường ống được lắp đặt trên núi với độ nghiêng từ 20 độ đến 45 độ.

DN đằng sau đường ống dẫn nước dài hơn 2.000m như đường lên trời ở đèo Ngoạn Mục: Lãi cả nghìn tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Cận cảnh đường ống dẫn nước Thuỷ điện Đa Nhim

Công trình sử dụng nguồn vốn 39 triệu USD được cung cấp từ quỹ bồi thường chiến tranh của Chính phủ Nhật Bản và một phần từ nguồn vốn vay khoảng 9 triệu USD, bao gồm cả chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị cho Nhà máy Đa Nhim, đường dây truyền tải 230 kV và trạm Sài Gòn.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim có công suất lắp đặt ban đầu là 160MW, gồm 04 tổ máy trục ngang. Với độ cao cột áp 800m, Nhà máy thủy điện Đa Nhim có suất tiêu hao nước rất thấp khoảng 0,55m 3 /kWh.

Đến năm 2015, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã khởi công Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim có quy mô 01 tổ máy lắp mới với công suất thiết kế 80MW, sau khi hoàn thành đã nâng tổng công suất của Nhà máy Đa Nhim từ 160 MW lên 240 MW. 

Tổng mức đầu tư của dự án trên 1.952 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn vay chiếm 85% (từ Quỹ Hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản-JICA) và 15% là vốn đối ứng của chủ đầu tư.

Hàng năm, thủy điện Đa Nhim cung cấp cho lưới điện Quốc gia khoảng 1 tỷ kWh. Bên cạnh nhiệm vụ phát điện, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ thâm canh nông nghiệp cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 16.000 ha.

DN đằng sau đường ống dẫn nước dài hơn 2.000m như đường lên trời ở đèo Ngoạn Mục: Lãi cả nghìn tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Quang cảnh khu vực Nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim mở rộng

Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tiền thân chính là Nhà máy thủy điện Đa Nhim. 

Ngày 21/5/2001, Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho Nhà máy thủy điện Đa Nhim tiếp quản vận hành hệ thống công trình Hàm Thuận - Đa Mi (công suất 475MW) theo mô hình cụm đầu tiên trong khối thủy điện và đổi tên thành Nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, là đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc, trực thuộc EVN.

Ngày 30/03/2005, Nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi chuyển thành Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và tiến hành cổ phần hoá theo Quyết định ngày 03/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2011, Công ty đã chính thức chuyển thành Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi.

Công ty đã chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán UpCom vào ngày 19/6/2017 với mã DNH. Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) là công ty mẹ đang nắm 99,93% cổ phần của Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi.

DN đằng sau đường ống dẫn nước dài hơn 2.000m như đường lên trời ở đèo Ngoạn Mục: Lãi cả nghìn tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Năm 2022 vừa qua, công ty đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế kỷ lục từ khi lên sàn với doanh thu thuần tăng 11% lên 2.753 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 10% lên 1.505 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đạt 8.611 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 6.493 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại