Theo Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, riêng ngày 3/2, có 901 chuyến bay, trong đó có 456 chuyến bay đi và 445 chuyến bay đến. Trong số này phần lớn là chuyến bay quốc nội với 616 chuyến. Chỉ trong ba ngày đầu tháng 2 có 1.100 chuyến bay nhưng có gần 60% chuyến bay delay và 40 chuyến bị hủy tại cảng hàng không này.
Trong khi Tân Sơn Nhất "căng như dây đàn" thì thời tiết lại không ủng hộ với đợt sương mù ở Hà Nội. Chính vì vậy, nhiều chuyến bay không thể cất đáp Nội Bài vì sương mù. Điều này cũng đồng nghĩa với cả dây chuyền bị ảnh hưởng vì lịch bay thay đổi. Máy bay đáp sân bay khác tránh sương mù đương nhiên không thể quay đầu đúng giờ. Hành khách sốt ruột vì chờ đợi nhưng đó là yếu tố tác động khách quan, không ai mong muốn nhưng điều này vẫn xảy đến.
Hiện tượng sương mù dày đặc, trần mây thấp còn dự báo kéo dài đến 822, tức 29 Tết, đặc biệt các thời điểm từ đêm đến đầu giờ sáng, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Việc này có thể dẫn đến tầm nhìn hạn chế, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khai thác tàu bay, khiến hàng loạt chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh tại các sân bay dự bị hoặc bị hủy, hoãn, chậm giờ.
Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT ngày 25/8/2017 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
Theo đó, hãng hàng không sẽ được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại trong trường hợp hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài vì một trong các lý do sau đây:
a. Điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay.
b. Nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay.
c. Chuyến bay không thể thực hiện hoặc bị chậm kéo dài theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
d. Do những vấn đề về y tế của hành khách (bị ốm nặng hoặc chết sau khi đã lên tàu bay).
e. Tàu bay theo lịch dự kiến để khai thác chuyến bay bị phá hoại hoặc đội tàu bay bị phá hoại.
f. Do xung đột vũ trang, mất ổn định chính trị, đình công làm ảnh hưởng đến chuyến bay.
g. Trong trường hợp kết cấu hạ tầng hàng không, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay không đảm bảo cho việc thực hiện chuyến bay.
h. Sự cố kỹ thuật xảy ra trong quá trình khai thác tàu bay, tính từ thời điểm người chỉ huy tàu bay ký tiếp nhận tàu bay sẵn sàng thực hiện chuyến bay cho đến khi kết thúc chuyến bay.
i. Hành khách được bố trí hành trình tới điểm đến theo kế hoạch bằng chuyến bay khác với thời gian đến không quá 04 giờ so với thời gian đến dự kiến của chuyến bay đã được xác nhận chỗ.
j. Hành khách được bố trí tới điểm đến của hành trình với thời gian đến không quá 06 giờ so với thời gian đến dự kiến của chuyến bay nối chuyến trong trường hợp điểm đến theo kế hoạch của chuyến bay là điểm nối chuyến trong hành trình của hành khách.
k. Hành khách không có mặt làm thủ tục hàng không tại cảng hàng không hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận với hãng hàng không.
l. Hành khách tự nguyện từ bỏ xác nhận chỗ.
m. Hãng bay chứng minh được một trong các trường hợp sau:
- Đã thông báo bằng lời nói, tin nhắn, thư điện tử cho hành khách về việc hủy chuyến bay, chuyến bay bị chậm kéo dài ít nhất 24 giờ trước giờ khởi hành dự kiến theo địa chỉ khách hàng đã cung cấp cho hãng bay; trường hợp thực hiện cuộc gọi bằng điện thoại, phải thực hiện cuộc gọi trong vòng 07h đến 22h với tần suất là 02 cuộc, cách nhau 20 phút nếu cuộc gọi đầu tiên không liên hệ được;
- Hành khách không đăng ký thông tin liên lạc theo quy định;
- Không liên hệ được với hành khách theo thông tin liên lạc đã đăng ký.
n. Hành khách được vận chuyển miễn phí; hành khách được vận chuyển theo giá giảm áp dụng đối với nhân viên hãng hàng không, nhân viên đại lý của hãng hàng không, đối tác, bạn hàng sử dụng vé giảm miễn cước.
o. Các trường hợp bất khả kháng khác.
Chặng TP HCM - Hà Nội chi trả bồi thường tối đa 400.000 đồng
Ngoại trừ các trường hợp trên, hành khách có thể nhận được bồi thường bằng tiền mặt, chuyển khoản ngân hàng hoặc thông qua các dịch vụ trung gian thanh toán phù hợp khác trong trường hợp khách yêu cầu. Ngoài ra, hãng hàng không có thể bồi thường bằng vé miễn cước, chứng từ bồi hoàn để sử dụng tiếp dịch vụ của người vận chuyển hoặc các dịch vụ miễn phí khác trong trường hợp khách chấp thuận.
Địa điểm nhận bồi thường: Tại cảng hàng không nơi hủy chuyến bay hoặc nơi cất, hạ cánh; tại chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của người vận chuyển được người vận chuyển chỉ định hoặc vào tài khoản do hành khách cung cấp.
Thời hạn bồi thường sẽ không quá 14 ngày làm việc kể từ ngày chuyến bay bị hủy hoặc chậm kéo dài.
Mức bồi thường cụ thể dựa vào chặng bay quốc nội hay quốc tế từ Việt Nam và độ dài chặng bay. Theo đó, nhóm nội địa có độ dài chặng bay dưới 500km được bồi thường 200.000 đồng, từ 500km đến dưới 1.000km là 300.000 đồng, từ 1.000km trở lên là 400.000 đồng.
Như vậy, hành khách bay chặng TP HCM - Hà Nội nếu thỏa mãn điều kiện chi trả bồi thường sẽ nhận được tối đa 400.000 đồng.
Nhóm các chặng bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam, như sau: dưới 1.000kmnhận 25 USD, từ 1.000km đến dưới 2.500km là 50 USD, từ 2.500km đến dưới 5.000km nhận 80 USD. Và từ 5.000 km trở lên, hành khách nhận bồi thường ở mức 150 USD.