Đình chỉ giao dịch cổ phiếu TTB
Tuần này, có 27 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức . Trong đó, 17 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 6 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp phát hành thêm và 3 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp cả cổ phiếu và tiền mặt.
FPT sẽ chi 1.100 tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức và phát hành thêm 165 triệu cổ phiếu.
Cụ thể, Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood - mã chứng khoán: BLT) thông báo 4/7 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền năm 2022 và tạm ứng cổ tức bằng tiền từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/7. Công ty dự kiến chi trả với tổng tỷ lệ thực hiện là 40%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 4.000 đồng. Trong đó, 10% là cổ tức bằng tiền năm 2022 và 30% là tạm ứng cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (không bao gồm lợi nhuận chưa phân phối năm 2022). Hiện tại, BLT có 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Ước tính, Bidifood cần chi 16 tỷ đồng cho đợt chi trả này. Ngày thanh toán dự kiến là vào ngày 19/7.
Công ty CP Chứng khoán BIDV (mã chứng khoán: BSI) cho biết 6/7 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền và cổ phiếu năm 2022. Công ty dự kiến phát hành 9,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 5%, có nghĩa người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 5 cổ phiếu mới. Ngoài ra, BSI cũng trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5%. Ngày thanh toán là 4/7. Với hơn 187 triệu cổ phiếu đang lưu hành, BSI dự kiến chi 94 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.
Công ty CP FPT (mã chứng khoán: FPT) vừa thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 6/7 để trả cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022. Theo đó, FPT sẽ trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%, tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/7 và sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 20:3. Công ty hiện có hơn 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Với lượng cổ phiếu này, FPT sẽ chi 1.100 tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức và phát hành thêm 165 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ FPT dự kiến sẽ tăng thêm 1.656 tỷ đồng, lên 12.700 tỷ đồng.
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM sẽ đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu TTB của Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ.
Căn cứ công văn số 4053/UBCK-TT ngày 27/6/2023 của Ủy ban Chứng Khoán Nhà nước và Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) sẽ đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu TTB của Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ.
Trước đó, cổ phiếu TTB đã bị đưa vào diện cảnh báo từ 25/4/2023 và chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 15/5/2023. Đến 23/5/2023, cổ phiếu TTB bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định.
Sau đó, TTB đã đưa ra lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch. Tuy nhiên, việc khắc phục diễn ra chậm và ngày 26/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định xử phạt hành chính 92,5 triệu đồng đối với công ty do loạt vi phạm về công bố thông tin.
Liên quan đến vấn đề công bố thông tin, Tập đoàn Tiến Bộ đã có 4 cá nhân bị khởi tố vì cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán. Trước đó, vào năm 2022, TTB cũng từng vướng vào một vụ thao túng giá cổ phiếu.
Nam A Bank phát hành thêm 211 triệu cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - mã chứng khoán: NAB) thông báo, ngày 7/7 sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu phát hành để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, Nam A Bank dự kiến sẽ phát hành thêm hơn 211,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:25, có nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu.
Nguồn vốn phát hành là từ vốn chủ sở hữu, gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm ngày 31/12/2022 căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán độc lập của NAB, tương ứng lần lượt gần 544 tỷ đồng và 1.572 tỷ đồng.
Sau đợt phát hành, Nam A Bank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 8.464 tỷ đồng lên hơn 10.580 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2023, Nam A Bank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 763 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và đạt 29% kế hoạch năm 2023.
Nam A Bank sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 8.464 tỷ đồng lên hơn 10.580 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư Sản xuất và Thương mại HCD (mã chứng khoán: HCD) hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty CP Nhựa Trường An. Theo đó, từ ngày 28/6/2023, HCD không còn sở hữu vốn góp tại Nhựa Trường An.
Trước đó vào ngày 23/6, HCD đã thông báo Nghị quyết Hội đồng quản trị về thoái toàn bộ vốn góp tại Nhựa Trường An. Tổng số cổ phần là 2 triệu đơn vị, chiếm 20% vốn điều lệ của Nhựa Trường An. Giá trị chuyển nhượng là 14.500 đồng/cổ phần. Ước tính, HCD nhận về 29 tỷ đồng từ việc việc thoái vốn tại Nhựa Trường An.
Bà Đỗ Thị Kim Ngọc (em gái ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thép Pomina - mã chứng khoán: POM) đăng ký bán 5,5 triệu cổ phiếu POM. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 4/7 đến ngày 28/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, bà Ngọc sẽ giảm sở hữu tại Thép Pomina từ hơn 15,4 triệu cổ phiếu, xuống còn hơn 9,9 triệu cổ phiếu, tương đương 3,54% vốn điều lệ.
Quý I năm nay, Pomina đạt doanh thu 1.645 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm 187 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 70 tỷ đồng.