Đi làm gần 6 năm, với mức lương chưa bao giờ vượt quá mốc 16 triệu/tháng, thậm chí còn có những thời điểm thu nhập chỉ ở mức 7 chữ số, vậy mà Thu Thảo (sinh năm 1996) vẫn có thể nuôi em học hết 4 năm Đại học, đồng thời có 2 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.
Đi làm kiếm tiền và tiết kiệm từ khi còn là sinh viên năm nhất
Tốt nghiệp Đại học năm 2019 nhưng tính đến nay, Thảo đã có gần 6 năm kinh nghiệm đi làm. Xuất thân là dân ngoại ngữ, chuyên ngành tiếng Trung, Thảo cho biết cô đã đi làm kiếm tiền từ năm nhất Đại học. Hành trình tiết kiệm của Thảo cũng bắt đầu từ đó.
"Mình học chuyên tiếng Trung từ hồi cấp 3. Ban đầu mình cũng không định học tiếp tiếng Trung khi lên Đại học, nhưng vì hồi đó không đủ điểm đỗ nguyện vọng 1, nên đành phải tiếp tục học Ngôn ngữ Trung thêm 4 năm nữa. Lúc ấy cũng chán lắm, nhưng giờ nghĩ lại mới thấy việc này giúp mình kiếm được tiền từ sớm" - Thu Thảo chia sẻ.
Vì khả năng đọc hiểu khá tốt, từ giữa năm nhất Đại học, Thảo đã tìm được công việc biên dịch cho một công ty xuất khẩu lao động với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Tới năm 2, sau khi trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp, Thảo bắt đầu xin được công việc phiên dịch viên cho các tour thăm quan của các công ty du lịch ở Hà Nội.
"Từ năm 2 Đại học, trung bình 1 tháng mình đã kiếm được 6-7 triệu rồi. Hồi đó (những năm 2015-2016, tiếng Trung vẫn chưa hot như bây giờ nên chuyện tìm việc làm thêm cũng không quá khó khăn, chưa kể mình cũng may mắn, cứ làm cho người này một thời gian thì họ lại giới thiệu cho mình thêm các việc khác" .
Từ cuối năm nhất Đại học, Thu Thảo đã có thể tự lo được tiền sinh hoạt phí mà không cần phải xin bố mẹ. Dù ham kiếm tiền, thi thoảng cũng cúp học đi phiên dịch nhưng Thảo chưa từng phải học lại 1 môn nào, thậm chí có kỳ còn được học bổng nên vấn đề học phí cũng không phải áp lực tài chính quá lớn, bố mẹ vẫn lo được cho cô.
"Mình ở KTX suốt 4 năm Đại học, chi phí sinh hoạt, ăn uống, xăng xe chỉ hết khoảng 2,5-2,7 triệu đồng/tháng. Số tiền còn lại, mình cứ để trong tài khoản, bao giờ đủ 20 triệu thì mình ra ngân hàng làm sổ tiết kiệm 1 lần. Hồi đó còn chưa có tiết kiệm online như bây giờ. Đến lúc tốt nghiệp Đại học, mình có 8 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 20 triệu, tính cả tiền lãi thì được hơn 190 triệu 1 chút" - Thảo chia sẻ.
"Đóng học phí cho em là động lực, tiết kiệm là niềm vui"
Trong suốt 4 năm Đại học, Thảo gần như chỉ học, đi làm kiếm tiền và tiết kiệm, chứ chẳng mấy khi ăn chơi, đi du lịch hay nói chung là có các hoạt động tận hưởng cuộc sống.
"Gia đình mình có một biến cố nhỏ năm mình học lớp 9, không đến mức phá sản phải bán nhà bán xe đi hay bị siết nợ, nhưng cuộc sống của cả nhà sau đó cũng thay đổi rất nhiều so với trước. Kể từ lúc ấy mình đã biết nghĩ nếu sau này mình không có tiền thì sao nhỉ? Mình muốn nhanh được ra Hà Nội đi học để đi làm thêm, có tiền tiết kiệm chứ không phải để được tự do bay nhảy, vui chơi đâu" - Thảo chia sẻ về động lực tiết kiệm của bản thân.
Tốt nghiệp Đại học với gần 200 triệu tiết kiệm và cũng có công việc khá ổn định, Thảo tự đề nghị bố mẹ để mình nuôi em gái kém 2 tuổi học Đại học.
Hiện tại, em gái của Thảo đang là sinh viên chuyên ngành Ngoại ngữ. Cô em cũng giỏi và ham kiếm tiền giống cô chị, nên Thảo gần như cũng chỉ phải lo học phí và thi thoảng cho em tiền tiêu vặt.
Đóng học phí cho em không phải là áp lực hay gánh nặng tài chính quá lớn với Thảo, nhưng cũng không phải chuyện đơn giản. Để làm được và làm tốt, Thảo phaan bổ thu nhập rất rõ ràng và luôn tuân theo không sai 1 ly.
"Học phí của em mình thường rơi vào khoảng 38-39 triệu/năm, chia làm 2 lần đóng tương đương với 2 kỳ nên mình cũng có thời gian chuẩn bị. Lương của mình thì chưa bao giờ qua được mốc 16 triệu/tháng nhưng mình vẫn luôn làm nhiều việc một lúc, khi thì biên dịch, khi thì phiên dịch, may mắn thì còn tìm được cả việc dịch sách nên việc đóng học phí cho em cũng không phải là áp lực quá lớn với mình" - Thảo chia sẻ.
Cô cũng thừa nhận bản thân mình may mắn vì chưa bao giờ có đam mê với việc tiêu tiền nói chung hay mua sắm nói riêng, nên cũng chưa biết cảm giác "phải tự ngăn bản thân tiêu tiền là như thế nào".
"Mình tiết kiệm có mục đích và mình tiêu tiền cũng vậy. Hồi còn đi học, động lực tiết kiệm của mình là sau này ra trường phải có khả năng nuôi em. Bây giờ, khi đã làm được việc đó rồi, động lực tiết kiệm của mình là tự lo được tiền làm đám cưới mà không cần bố mẹ phải hỗ trợ quá nhiều. Ở mỗi giai đoạn, mình lại có một mục tiêu khác nhau nên chưa bao giờ thiếu động lực tiết kiệm cả" .