Điều tra nghi vấn Qatar đưa hối lộ trong Nghị viện châu Âu, 4 người bị bắt

TRẦN PHƯƠNG |

Trong cuộc điều tra nghi vấn "một quốc gia vùng Vịnh", được cho là Qatar, đưa hối lộ trong Nghị viện châu Âu (EP), chính quyền Bỉ cho biết đã bắt giữ 4 người, bao gồm 1 cựu thành viên của EP.

Nữ chính trị gia Hy Lạp Eva Kaili nghi bị bắt trong cuộc điều tra tham nhũng ở Nghị viện châu Âu - Ảnh: Le Soir

Nữ chính trị gia Hy Lạp Eva Kaili nghi bị bắt trong cuộc điều tra tham nhũng ở Nghị viện châu Âu - Ảnh: Le Soir

Theo tuyên bố ngày 9-12 của cơ quan điều tra Bỉ, các công tố đã lục soát 16 căn nhà ở Brussels trong quá trình điều tra nghi vấn tội phạm có tổ chức, tham nhũng và rửa tiền liên quan đến EP.

Một thành viên của EP đã bị thẩm vấn tối cùng ngày, giờ địa phương, Hãng tin Reuters cho biết. Tổng cộng có 4 người bị bắt giữ, bao gồm 1 cựu thành viên của EP.

Các nhân viên điều tra đã tịch thu tổng cộng 600.000 euro tiền mặt và một số thiết bị máy tính, điện thoại. "Những món đồ này sẽ được đem đi phân tích", tuyên bố của cơ quan điều tra cho biết.

Cơ quan điều tra cho biết trong vụ việc, "một quốc gia vùng Vịnh" đã tìm cách gây ảnh hưởng lên các quyết định về kinh tế, chính trị của EP. Nước này đã "trả các khoản tiền lớn hoặc tặng quà lớn cho các nhân vật có ảnh hưởng của EP. Người phát ngôn cơ quan điều tra từ chối tiết lộ thêm chi tiết vụ việc do quá trình điều tra vẫn đang tiếp diễn.

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin thân cận với vụ việc cho biết cuộc điều tra đang tập trung vào nghi ngờ của Qatar mua chuộc một quan chức người Ý từng là thành viên của EP từ năm 2004 đến 2019.

Cuộc điều tra trên đã kéo dài 4 tháng, khi các cơ quan điều tra nghi Qatar vượt ra khỏi phạm vi vận động hành lang tại EP.

Thông báo của cơ quan điều tra Bỉ không nói rõ những ai bị bắt. Tuy nhiên, theo trang Deutsche Welle, thành viên EP bị bắt là bà Eva Kaili, người Hy Lạp. Trong khi đó, các trang tin của Bỉ nói rằng cựu thành viên EP bị bắt là ông Pier Antonio Panzeri, người hiện đang làm lãnh đạo của một tổ chức về nhân quyền tại Brussels.

Vụ việc xảy ra trong lúc mà Qatar, nước chủ nhà World Cup năm nay, đang thúc đẩy cải thiện hình ảnh quốc gia sau khi chịu nhiều chỉ trích liên quan đến vấn đề nhân quyền và bảo vệ lao động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại