Điều 'ngược đời' trên Phố Wall: Banker mới vào nghề được đề xuất lương khởi điểm 120.000 USD nhưng không ai muốn làm

Vu Lam |

Jimmy Dunne - một banker lâu năm tại Piper Sandler Cos, nhận định rằng Phố Wall không còn là nơi hào nhoáng với các cử nhân như 25-30 năm trước.

Ban đầu, các giám đốc điều hành của Goldman Sachs khá bối rối khi các đối thủ của họ đều tăng lương cho những nhân viên mới vào làm. Trước đó, những banker này đã phàn nàn rằng họ phải làm việc đến hơn 100 giờ/tuần để có chỗ đứng trong công việc.

Tuy nhiên, khi xu hướng tăng lương lan rộng ra cả Phố Wall, các nhà quản lý của Goldman đã sốt sắng. Một giám đốc điều hành cho biết các đối thủ đang sử dụng "chiêu trò" quảng cáo để có được lợi thế trong việc tuyển dụng do thương hiệu ngân hàng đầu tư của họ thiếu uy tín trên Phố Wall.

Dù có phải là chiêu trò quảng cáo hay không, thì trong khoảng vài tháng, mức lương "trần" cho 1 sinh viên mới tốt nghiệp ngành ngân hàng cấp cao nhất đã nhanh chóng tăng vọt. Con số này đã vượt qua mốc 100.000 USD, đi kèm với đó là cam kết tăng lương và thưởng.

Cuối cùng, Goldman cũng không thể ở ngoài cuộc. Họ thừa nhận rằng chỉ riêng thương hiệu lớn là không đủ để đảm bảo các ứng viên sẽ lựa chọn làm việc tại đây.

Lương 6 con số có giúp các ngân hàng "thay đổi cuộc chơi"?

Thông thường, mức lương khởi điểm 6 con số thể hiện sự bất bình đẳng và tình trạng ngành tài chính chi phối nền kinh tế. Khoản tiền lương cho các banker mới vào nghề đã tăng gần gấp 5 lần so với con số trung bình mà các cử nhân đại học nhận được.

Hiện tại, các ngân hàng Phố Wall đưa ra mức lương cực kỳ hấp dẫn do thiếu nhân sự, công việc ngày càng nhiều, lợi nhuận gia tăng trong bối cảnh khách hàng đặt niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế.

Nguyên nhân của sự cạnh tranh bắt nguồn từ Goldman Sachs. Hồi tháng 3, một bản slide của nhóm 13 nhà phân tích mới làm việc tại ngân hàng đầu tư bị rò rỉ. Họ nói về sự khắc nghiệt của môi trường làm việc trên Phố Wall, rất nhiều tuần không được ngủ và phải thuyết trình không ngừng nghỉ. Sau đó, hầu hết mọi ngân hàng đều phải nhượng bộ.

Điều ngược đời trên Phố Wall: Banker mới vào nghề được đề xuất lương khởi điểm 120.000 USD nhưng không ai muốn làm - Ảnh 1.

Tuy nhiên, liệu mức lương cao có đánh dấu cho sự khởi đầu của một giai đoạn bớt áp lực hơn đối với các "tân binh"? Liệu các nhân sự ngành ngân hàng có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hay không? Trước đó, các nhà lãnh đạo đã hứa hẹn về điều này, hoặc ít nhất cho phép nhân viên nghỉ thứ Bảy, chỉ yêu cầu đi làm khi khối lượng công việc quá lớn.

Bản slide của các nhân viên Goldman Sachs bị tiết lộ đã khiến giới ngân hàng Phố Wall xôn xao. Nguyên nhân là bởi công việc ở những ngân hàng đầu tư khác cũng "chất đống" trong thời kỳ đại dịch, khi cuộc sống thường ngày là một "điều kỳ lạ" đối với các banker.

Ban đầu, các công ty lựa chọn im lặng. Nhưng ngay sau đó, họ nhanh chóng đưa ra những động thái thể hiện sự cảm thông, tặng máy tập Peloton cho nhân viên, thưởng thêm tiền và tăng lương.

Cuối cùng, khi quyết định tăng lương vào tháng 8, Goldman "chơi lớn" khi đưa ra mức 110.000 USD nhưng đây vẫn chưa phải con số cao nhất. Ở Goldman, mức lương được chi trả cho hiệu suất công việc và điểm mấu chốt là tiền thưởng.

Tuần trước, theo Evercore, đây là ngân hàng trả lương cao nhất nước Mỹ với mức 120.000 USD. Trong cuộc cạnh tranh này, ít nhất có 2 công ty - Guggenheim Partners và Bank of America, đã tăng lương 2 lần.

Áp lực nặng nề

Adam Cotterill - từng là banker "mới vào nghề" của Goldman Sachs, vừa nghỉ việc vào năm ngoái, cho biết anh không ngạc nhiên khi giải pháp mà các ngân hàng đưa ra không phải là cải thiện môi trường làm việc mà là trả nhiều tiền hơn. Anh nói: "Cố gắng thay đổi môi trường cho các banker mới là điều rất khó khăn."

Cotterill nhớ lại, để vượt qua những giờ làm việc điên cuồng, anh đã phải đeo tai nghe chống ồn, bật tiếng mưa và thậm chí phải ngủ những giấc ngắn ngủi trong phòng tắm. Anh đã phải nghỉ việc vì quá căng thẳng và hiện đang là một blogger.

Dường như, có một điều mà Phố Wall có thể mang lại cho các nhân tài là nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, uy tín và sự hấp dẫn của công việc lại là yếu tố dài hạn trên con đường sự nghiệp. Theo Bloomberg, giờ đây, các sinh viên tốt nghiệp với đầy tham vọng thường "đi thẳng" đến Thung lũng Silicon hoặc gây dựng startup, thay vì Phố Wall.

Jimmy Dunne - một banker lâu năm tại Piper Sandler Cos, cho biết, Phố Wall không còn là nơi hào nhoáng với các cử nhân như 25-30 năm trước. Ông nói: "Mọi người đều muốn trở thành một nhà phát minh, sáng tạo và ông chủ."

Lloyd Blankfein - cựu CEO trong 12 năm của Goldman Sachs, đã có lời cảnh báo rằng lớp banker mới không nên cho rằng họ sẽ luôn ở "cửa trên" trong cuộc tuyển dụng.

Ông nói: "Cũng như những nơi khác, thị trường cần đến nhân tài nhưng thị trường cũng có chu kỳ. Tôi không quan tâm về nghề nghiệp của những người trẻ tuổi, nhưng ở đâu cũng đòi hỏi sự chăm chỉ và khoảng thời gian mệt mỏi để học hỏi."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại