Điều kỳ diệu trong thảm họa
Tờ The Independent ngày 10/2 cho hay một bé trai 2 tuổi đã sống sót kỳ diệu sau khi được kéo ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy ở Thổ Nhĩ Kỳ, 78 giờ sau trận động đất tàn phá nhiều vùng rộng lớn của quốc gia này và cả nước láng giềng Syria.
Theo đó, đứa trẻ được kéo ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà chung cư 4 tầng ở quận Odabası, thành phố Antakya. Đội cứu hộ đến từ Rumani và Ba Lan đã nỗ lực tạo ra một khoảng trống nhỏ giữa đống bê tông vụn bị sập và khéo léo đưa cậu bé thoát khỏi đó một cách an toàn. Khi được giải cứu, cậu bé đang khóc nức nở vì quá sợ hãi. Điều khiến người ta kinh ngạc hơn cả là dù mắc kẹt suốt 78 tiếng đồng hồ, cậu bé vẫn còn sống.
Mehmet Tatar (2 tuổi) sống sót sau 78 tiếng bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Đứa trẻ được xác định là Mehmet Tatar (2 tuổi). Sau đó, em được giao cho nhân viên y tế và đưa lên xe cấp cứu để đến bệnh viện kiểm tra tình hình sức khỏe. Giây phút Mehmet bình an ra khỏi đống đổ nát, đội cứu hộ không kìm nén nổi những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc.
Một đoạn video do Tổ chức Cứu trợ Nhân đạo Thổ Nhĩ Kỳ (IHH) công bố ngày 9/2 cho thấy nhân viên cứu hộ nhìn vào một lỗ hẹp trong đống đổ nát của tòa chung cư 4 tầng và thấy Mehmet mắc kẹt bên trong.
Họ đã nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn cho đứa trẻ trong quá trình giải cứu. Tinh thần dũng cảm của Mehmet cũng thật đáng hoan nghênh giữa lúc tình hình đang ngày càng căng thẳng. Lực lượng cứu hộ đã giải cứu thêm được nhiều người sống sót thoát ra từ các tòa nhà bị sập ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9/2, nhưng cơ hội ngày càng ít đi, số người chết trong trận động đất đã vượt qua con số 21.000.
Cậu bé Rami (3 tuổi) và mẹ Aya được giải cứu sau 82 giờ mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Hãng tin IHA cho hay, cũng ở thành phố Antakya, lực lượng cứu hộ đã phải làm việc suốt đêm để cứu được cô gái trẻ Hazal Guner khỏi đống đổ nát của một tòa nhà. 2 tiếng sau đó, họ giải cứu được cả cha cô, ông Soner Guner.
Khi họ chuẩn bị đưa người đàn ông lên xe cứu thương, một giọng nói yếu ớt vang lên: “Tôi yêu tất cả các bạn”.
Ở thành phố Malatya (Thổ Nhĩ Kỳ), cách Odabasi khoảng 400km về phía Bắc, một phụ nữ đã được giải cứu khỏi đống đổ nát của một tòa nhà chung cư.
Bà Meral Nakir, 60 tuổi, được kéo từ tầng 1 của tòa nhà 6 tầng với sự giúp đỡ của chú chó cứu hộ Kopuk. Chính con chó đã phát hiện ra những âm thanh do bà Meraltạo ra để thu hút sự chú ý của đội cứu hộ.
Bà Meral Nakir, 60 tuổi, được kéo từ tầng 1 của tòa nhà đổ sập.
Sau đống đổ nát được dọn dẹp trong hơn 20 giờ - với sự góp sức của các binh lính, cảnh sát, đội y tế, cơ quan quản lý thiên tai Thổ Nhĩ Kỳ AFAD - một cái lỗ sau đó đã được khoan tới khu vực nơi bà Meral mắc kẹt. Sau khi được các tình nguyện viên đưa đến nơi an toàn, bà đã được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu để điều trị y tế.
Kopuk – người đã di chuyển 482km từ thành phố Van đến Malatya – đã giúp giải cứu 6 người cho đến nay, 4 người trong số họ ở cùng một tòa nhà.
Abdulalim Muaini, người bị mắc kẹt chân dưới bê tông, đã được giải cứu khỏi Hatay vào cuối ngày 7/2 sau nhiều giờ làm việc. Ông Muaini là người gốc Syria, đến từ Homs- khu vực cũng cảm nhận được sức tàn phá kinh khủng của trận động đất.
Một người phụ nữ ngồi cạnh thi thể của cháu trai mình ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ.
Reuters đưa tin rằng ông đã chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Syria và kết hôn với Esra, một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Vợ chồng ông sinh được 2 con gái, Mahsen và Besira. Khi ông được kéo ra khỏi đống đổ nát, có 3 thi thể nằm ở đó rồi. Esra, Mahsen và Besira, tất cả đều đã chết.
Tổng số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lên tới hơn 21.000 người. 72 giờ trôi qua, hy vọng đã mờ dần. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm cứu hộ vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Cô độc vì mất cả gia đình
Tại thị trấn Jandaris của Syria, anh Ibrahim Khalil Menkaween đi bộ trên những con đường rải rác đống đổ nát, ôm chặt một chiếc túi đựng xác màu trắng đã được gấp lại. Ibrahim nói rằng anh đã mất đi 7 thành viên trong gia đình, trong đó có vợ và 2 người anh trai ruột thịt.
“Tôi đang giữ chiếc túi này khi họ mang thi thể anh trai tôi, con trai nhỏ của anh ấy và vợ của cả 2 anh ấy ra. Chúng tôi đặt thi thể họ trong túi. Nó quá tàn khốc đối với tôi”, Ibrahim nói với Reuters.
Cơ sở hạ tầng của Syria đã bị phá hủy bởi cuộc nội chiến kéo dài, cản trở các nỗ lực cứu trợ sau thảm họa thiên nhiên này.
“Có rất nhiều người dưới đống đổ nát, không có thiết bị hạng nặng để kéo họ ra ngoài và các đội tình nguyện không thể làm việc với thiết bị nhẹ”, anh Tousef Nahas, cư dân thị trấn Salqeen ở vùng Tây Bắc Syria, nói với Reuters.
Những chiếc xe tải viện trợ đầu tiên của Liên Hợp Quốc tiến vào khu vực do quân nổi dậy kiểm soát đã đến từ Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng 9/2.
El-Mostafa Benlamlih, quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc tại Syria, cho biết 10,9 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa ở các tỉnh phía Tây Bắc gồm Hama, Latakia, Idlib, Aleppo và Tartus.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng ông sẽ "rất vui" nếu Liên Hợp Quốc có thể sử dụng nhiều hơn một cửa khẩu biên giới để chuyển hàng viện trợ vào Syria.