Tại Nhật Bản, cá mái chèo từ lâu được sử dụng làm hình ảnh minh họa trong văn hóa dân gian. Nó được coi là một thông điệp gửi đến từ "thần biển".
Theo niềm tin truyền thống của người Nhật Bản, nếu cá mái chèo xuất hiện nhiều thì rất có thể một trận động đất sắp xảy ra trong tương lai gần hoặc xa. Trong truyền thuyết Nhật cũng đặc biệt lưu truyền rằng, cá rồng biển namazu được gọi “sứ giả từ đáy biển, sẽ nổi lên trước khi động đất xảy ra”.
Cá mái chèo được mô tả lần đầu tiên vào năm 1772. Theo các nhà khoa học, chúng là loài sinh vật sống có xương dài nhất thế giới và có thể nặng tới 270kg.
Người dân Đà Nẵng câu được cá mái chèo vào năm 2014. Ảnh: Người dân cung cấp
Chúng được đặt tên là cá mái chèo vì có phần vây ngực dài như những chiếc mái chèo.
Theo thông tin trên website của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA), có người từng ăn thịt cá mái chèo và cho biết thịt của chúng rất nhão và dính.
Tại Việt Nam, cá mái chèo đã xuất hiện ít nhất 2 lần. Mới đây nhất là tháng 8.2016, một con khoảng 3m xuất hiện ở biển Cửa Sót (Hà Tĩnh).
Trước đó là vào tháng 6.2014, một người dân Đà Nẵng đã câu được con cá mái chèo dài 4,2 m, nặng 29,6 kg tại khu vực vịnh Chân Mây. Cho rằng đây là "linh vật của biển cả", người dân đã tiến hành mai táng và hương khói.