Một tháng ngoại giao căng thẳng cuối cùng đã mang lại kết quả. Hi vọng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn ba năm qua đang đến gần hơn bao giờ hết, với việc Mỹ công bố tín hiệu lạc quan ban đầu rằng Nga và Ukraine đã đồng ý ngừng bắn trên Biển Đen và cam kết chấm dứt các cuộc tấn công vào hạ tầng năng lượng của nhau. Thoạt nhìn, thỏa thuận này gợi nhớ đến lệnh ngừng bắn "trên không, trên biển và đối với hạ tầng năng lượng" mà Anh và Pháp đề xuất vào đầu tháng 3/2025, từng đẩy Nga vào vào thế khó về mặt chiến lược. Nhưng lần này, câu chuyện đã khác.
Điểm đáng chú ý là các đồng minh của Mỹ ở châu Âu tiếp tục vắng mặt trong tiến trình đàm phán. Các cuộc thảo luận liên quan đến việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình từ Pháp và Anh tới Ukraine tới nay vẫn đang bị đình trệ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty
Trong khi đó, Nga liên tiếp đón nhận nhiều tin mừng. Nhà Trắng đang xem xét khả năng nới lỏng một số lệnh trừng phạt Nga, trong đó có việc kết nối lại các ngân hàng Nga với hệ thống thanh toán SWIFT; đồng thời khôi phục quyền xuất khẩu thực phẩm, phân bón và tiếp cận các cảng quốc tế của Nga. Rõ ràng, Moscow đã tiến xa hơn đáng kể từ thời điểm đưa ra những yêu cầu tương tự trong Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen năm 2022, khi Điện Kremlin chỉ nhận được những cam kết mơ hồ từ Liên Hợp Quốc, buộc nước này phải tuyên bố rút khỏi thỏa thuận trên chỉ 1 năm sau đó.
Lệnh ngừng bắn nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng cũng khiến cán cân lợi ích nghiêng nhiều hơn về phía Nga. Ukraine muốn mở rộng phạm vi ngừng bắn trên toàn bộ hệ thống hạ tầng thiết yếu nhưng thỏa thuận cuối cùng chỉ giới hạn trong số các mục tiêu năng lượng như các nhà máy lọc dầu, các đường ống dẫn dầu và khí đốt, cũng như các cơ sở lưu trữ, trong đó có các trạm bơm.
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn lo ngại về khả năng hai bên tham chiến vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, do Nga và Ukraine, với Mỹ là bên trung gian hòa giải, vẫn liên tục đưa ra những tuyên bố mây thuẫn về lệnh ngừng bắn vừa được thông qua.
Cụ thể, về thỏa thuận an ninh hàng hải trên Biển Đen, Điện Kremlin khẳng định lệnh ngừng bắn sẽ không có hiệu lực đối với nước này cho đến khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, đồng thời cho rằng nước này có quyền kiểm tra tất cả tàu thuyền cập cảng Ukraine để tìm vũ khí. Ngược lại, phía Ukraine và Mỹ không đề cập đến những điều kiện này. Kiev thậm chí còn nhấn mạnh rằng các tàu hải quân Nga sẽ bị cấm đi vào khu vực phía Tây Biển Đen cũng như tuyên bố lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ ngày 25/3.
Tương tự, thời điểm bắt đầu lệnh ngừng bắn đối với hạ tầng năng lượng cũng là điểm gây tranh cãi. Moscow tuyên bố thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 18/3 – ngày diễn ra cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump. Nếu đúng như vậy, Ukraine đã vi phạm thỏa thuận khi tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng Nga, bao gồm vụ tấn công vào trạm xăng Sudzha chỉ 24h sau đó. Đáp lại, Tổng thống Zelensky khẳng định lệnh ngừng bắn chỉ có hiệu lực từ một tuần kể từ ngày hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga đối thoại trực tiếp.
Tóm lại, tính bền vững của thỏa thuận này vẫn là một câu hỏi đang bỏ ngỏ. Trên thực tế, có thể không tồn tại một văn bản thống nhất, khi mỗi bên đưa ra cách hiểu riêng và những điều khoản linh hoạt cho phép bất kỳ bên nào cũng có thể tuyên bố thỏa thuận vô hiệu khi cần. Do đó, bất kỳ tiến triển thực sự nào hướng tới hòa bình còn rất bấp bênh.
Theo nhà báo Vitaly Ryumshin của RT, bước tiếp theo sẽ là cuộc chiến giành quyền kiểm soát dư luận. Trong những tuần tới, diễn biến chính trị sẽ xoay quanh các cuộc đàm phán kỹ thuật, các phép thử ngoại giao và những cáo buộc lẫn nhau giữa những bên tham gia. Kiev sẽ tìm cách chứng minh Nga vi phạm thỏa thuận, kỳ vọng ông Trump sẽ phản ứng bằng cách siết chặt lệnh trừng phạt đối với Moscow và tăng viện trợ quân sự cho Kiev. Ngược lại, Moscow sẽ nỗ lực mô tả Ukraine như một bên phá vỡ cam kết, nhằm củng cố vị thế tại Washington và thậm chí thúc đẩy lại các cuộc thảo luận về tương lai chính trị của nhà lãnh đạo Zelensky.
Thách thức lớn tiếp theo sẽ là thỏa thuận khai thác tài nguyên khoáng sản trên lãnh thổ Ukrraine mà Washington và Kiev vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung sai chuyến thăm gần đây của ông Zelensky tới Nhà Trắng. Theo RT, những người trong cuộc đang tiến hành sửa đổi một bản dự thảo dài 40 trang, đồng thời cho biết các điều khoản xuất hiện trong dự thảo này sẽ chặt chẽ hơn phiên bản trước.
"Liệu ông Zelensky có giữ vững lập trường hay sẽ nhượng bộ trước áp lực? Đây là câu trả lời có thể tái định hình tiến trình hòa bình. Nếu ông Zelensky nhượng bộ, Nhà Trắng sẽ xích lại gần hơn với Điện Kremlin. Nếu không, quan hệ Mỹ – Ukraine có thể một lần nữa rơi vào bế tắc", ông Ryumshin nhận định.
Dù kết cục thế nào, tiến trình đàm phán ba bên giữa Mỹ, Nga, Ukraine đang bước vào một chương mới đầy bất trắc. Ông Ryumshin cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Nga dường như là bên có nhiều lợi thế nhât, không chỉ bằng cách buộc phương Tây chấp nhận đàm phán theo điều kiện của mình, mà còn bằng cách biến chiến thuật gây áp lực của nước này thành đòn bẩy ngoại giao.