Điều gì khiến Trung Quốc vội "làm thân" với bà Aung San Suu Kyi?

Hải Võ |

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp người đồng cấp Aung San Suu Kyi hôm 5/4 vừa qua tại Nay Pyi Taw, ngay sau khi chính phủ mới của Myanmar được thành lập.

Trung Quốc tìm cách "nối lại tình xưa"

Tờ Mainichi Shimbun (Nhật Bản) hôm 6/4 đưa tin, trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Mỹ ở Đông Nam Á, Trung Quốc từng xây dựng quan hệ "mặn nồng" với chính quyền quân sự của Myanmar, và mới đây đặt mục tiêu lôi kéo chính phủ mới của nước này.

Mặt khác, chính phủ Myanmar do đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo cũng muốn triển khai quan hệ hợp tác kinh tế với quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, dư luận Myanmar vẫn giữ thái độ hết sức cảnh giác đối với chính phủ Trung Quốc, tạo ra khó khăn rất lớn cho chính sách tiếp cận của Bắc Kinh.


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và bà Suu Kyi tại cuộc họp báo ở Bộ ngoại giao Myanmar hôm 5/4. (Ảnh: Xinhua)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và bà Suu Kyi tại cuộc họp báo ở Bộ ngoại giao Myanmar hôm 5/4. (Ảnh: Xinhua)

Theo Mainichi Shimbun, chính quyền quân đội Myanmar thời kỳ trước từng bị xã hội quốc tế cô lập và được Trung Quốc ủng hộ, xây dựng quan hệ mật thiết.

Trung Quốc cung cấp vũ khí cho chính quyền này để đổi lại những ưu đãi đặc thù dành cho doanh nghiệp của họ, khiến người dân Myanmar bất bình.

Tháng 9/2011, Tổng thống Thein Sein đã phải đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone trị giá gần 3 tỉ USD do Trung Quốc làm chủ thầu.

Kể từ khi chính phủ dân sự Myanmar đi vào hoạt động năm 2011, quan hệ giữa nước này với phương Tây đã cải thiện nhanh chóng, khiến ảnh hưởng của Bắc Kinh suy yếu.

Trong khi đó, thái độ chèn ép của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông cũng đẩy các nước láng giềng khác ở Đông Nam Á ra xa, đưa họ vào thế "tự cô lập".

Cục diện này buộc Bắc Kinh đặt mục tiêu cấp bách khôi phục ảnh hưởng chính trị lên Myanmar và giữ lợi ích kinh tế ở đây, vì vậy nước này phải "vượt mặt" Mỹ, Nhật, cử Ngoại trưởng Vương Nghị tới Nay Pyi Taw hội đàm với Tổng thống Htin Kyaw.

Mặt khác, Mainichi Shimbun bình luận, chính sách ngoại giao truyền thông của Myanmar là trung lập, không liên minh.

Chính phủ mới của đảng NLD nhận được nhiều đánh giá tốt từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, nhưng vẫn có sự phụ thuộc nhất định vào Trung Quốc trong hợp tác, phát triển kinh tế.

Học giả Trung Quốc
Đinh Đông
Trong bối cảnh mâu thuẫn Trung-Mỹ, Trung-Nhật, Trung-Ấn... diễn biến phức tạp, việc giành được sự tin cậy từ chính phủ mới của Myanmar, duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống, bảo đảm Myanmar phối hợp với Trung Quốc trong các vấn đề lớn, thậm chí trở thành "đối tác đặc biệt" của Trung Quốc, chính là mục tiêu mà lãnh đạo cao nhất (Tập Cận Bình) đặt ra khi ủy thác Ngoại trưởng Vương Nghị triển khai "thần tốc" chuyến thăm Myanmar và tỏ lập trường ủng hộ đảng NLD cùng bà Suu Kyi. Nhưng mục tiêu của Bắc Kinh còn gặp nhiều thách thức, NLD hay thậm chí Aung San Suu Kyi có thể biến thành "củ khoai nóng bỏng" trên tay, khiến Trung Quốc khó giữ lập trường của chính mình.

Trung Quốc khó khăn trước cuộc cạnh tranh với Nhật

Trang Diễn đàn Đông Á (East Asia Forum) của Australia hôm 5/4 chỉ ra, cuộc cạnh tranh về kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại tiểu vùng sông Mekong có xu hướng trở nên quyết liệt.

Tokyo và Bắc Kinh đều "thèm muốn" giành phần trong các dự án đặc khu kinh tế quy mô lớn của Myanmar.

Trung Quốc lo ngại khi Nay Pyi Taw đã nhanh chóng cải thiện quan hệ với Nhật và phương Tây, cũng như mở rộng quan hệ kinh tế với bên ngoài và giảm lệ thuộc vào họ.

Myanmar đang xây dựng 3 đặc khu kinh tế lớn, gồm: Kyaukpyu ở bang Rakhine, Thilawa ở vùng Yangon, và Dawei ở khu vực Tanintharyi.

Trung Quốc chủ yếu tham gia các dự án ở Rakhine, khu vực ở miền Tây Myanmar có điều kiện khó khăn.

Các doanh nghiệp tài chính Trung Quốc, đứng đầu là Công ty đầu tư tín thác quốc tế (nay là tập đoàn CITIC) của chính phủ nước này, bắt đầu hoạt động ở đây từ tháng 2.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản hiện diện mạnh ở các dự án thuộc khu kinh tế Thilawa và Dawei.

Để đối phó với sức ảnh hưởng gia tăng của Tokyo tại đây và thúc đẩy sáng kiến "một vành đai, một con đường", Trung Quốc đã khởi động chiến dịch "săn đón" đối với bà Suu Kyi, đồng thời mạnh tay đầu tư cơ sở hạ tầng cho Dawei.

Theo tờ Tin tức tham khảo (Trung Quốc), bà Aung San Suu Kyi tỏ ý tán thành sáng kiến của Bắc Kinh, nhưng tuyên bố Myanmar duy trì chính sách hữu nghị với mọi quốc gia, bao gồm Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại