Trung Quốc mạnh tay với Triều Tiên: 1 mũi tên ngắm 3 đích

Hải Võ |

Trang tài chính của Sohu (Trung Quốc) ngày 9/4 bình luận, việc Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm vận cứng rắn với Triều Tiên từ hôm 5/4 là động thái nhằm đạt 3 mục tiêu chủ yếu.

Ba mục tiêu lớn mà Trung Quốc nhằm vào là Mỹ-Hàn Quốc, Triều Tiên và Nga.

Sohu cho rằng, căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên leo thang là cơ hội để Nga giành được sự ủng hộ lớn hơn từ Trung Quốc về mặt chiến lược, đồng thời "chuyển dịch" áp lực đối với Moscow từ Trung Đông và Đông Âu.

Báo chí Trung Quốc gần đây chỉ trích, Triều Tiên đã nhận thấy "điểm tiếp nối" này giữa chiến lược của Nga-Trung, từ đó thường xuyên có động thái "bắn tín hiệu" nhằm có được sự hỗ trợ ngầm từ Điện Kremlin.

Theo Sohu, lệnh cấm vận mới nhằm vào Bình Nhưỡng là lời cảnh cáo gửi đến Moscow, rằng bước đi mạo hiểm của Nga trên bán đảo Triều Tiên "không có lối ra", trong khi Triều Tiên hy vọng "đu dây" về chính trị và kinh tế giữa Nga-Trung là bất khả thi.

"Thái độ cứng rắn của Bắc Kinh có thể sẽ khiến Nga phải rút lại chiến thuật nâng đỡ Triều Tiên, nếu không muốn trở thành mục tiêu công kích của xã hội quốc tế," tờ báo Trung Quốc bình luận.

Ở Đông Bắc Á, Hàn Quốc được Trung Quốc đánh giá là "then chốt" trong chiến lược tổng thể của Bắc Kinh.

Quan hệ Trung-Hàn có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình an ninh kinh tế, chính trị khu vực, đặc biệt là đối với quan hệ Trung-Mỹ-Nhật Bản.

Sohu chỉ ra, trừng phạt Triều Tiên là cách để Bắc Kinh giành lại sự tin tưởng từ Seoul, từ đó duy trì vai trò "hữu ích" của Hàn đối với các mục tiêu khu vực của họ.

Nếu Seoul bất mãn, viễn cảnh nước này hoàn toàn ngả theo chiến lược "xoay trục" của Washington là điều mà Trung Quốc lo ngại nhất.

Việc Mỹ-Hàn tiến tới thỏa thuận bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc mới chỉ là ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên mà Bắc Kinh vấp phải.

Đối với Bình Nhưỡng, báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo vừa qua đã thẳng thừng đánh giá nước này là "mối đe dọa gia tăng", tổn hại đến chiến lược của Trung Quốc.

Sohu phân tích, các lệnh cấm vận nghiêm khắc nhằm "buộc Triều Tiên phải nghe theo Trung Quốc, phục tùng phương hướng chiến lược của Bắc kinh".

Tờ này so sánh gay gắt: "Trẻ con được chiều quá sinh hư, vì vậy cần phải dạy dỗ nghiêm khắc. Điều này chỉ có lợi.

Trung Quốc không hy vọng các biện pháp cấm vận khiến chính phủ Triều Tiên tan rã, nhưng muốn Bình Nhưỡng phải hiểu cách 'nhìn sắc mặt' Bắc Kinh."

Kể từ 5/4, Bộ thương mại Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu khoáng sản của Triều Tiên, đồng thời cấm xuất khẩu các loại nhiên liệu ngành hàng không cho quốc gia này.

"Lệnh cấm vận nghiêm khắc nhất trong 2 thập kỷ" của Trung Quốc được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hiện đại hóa quân đội của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại