Binh sĩ Israel được triển khai tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Theo bình luận của Raghida Dergham, Chủ tịch điều hành Viện Beirut trên tờ The National (UAE), kịch bản đang diễn ra trong cuộc chiến ở Gaza dường như có xu hướng chuyển sang các thỏa thuận song phương, khu vực và quốc tế thay vì leo thang rộng lớn hơn, bất chấp tình hình nghiêm trọng ở mặt trận Liban - Israel.
Sự thay đổi này có thể được quy cho một số lý do. Đầu tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh đang áp dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” với Iran. Khía cạnh "cây gậy" đã ngăn cản Iran tham gia trực tiếp vào cuộc chiến với Israel, buộc nước này phải giới hạn các hoạt động của mình - được nhấn mạnh bởi sự hiện diện của các nhóm tàu sân bay Mỹ.
Phần "củ cà rốt" bao gồm nhiều ưu đãi khác nhau dành cho Tehran, chẳng hạn như cam kết ngừng đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Iran và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc không can thiệp vào cuộc xung đột. Ngoài ra, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Trung Đông đã ủng hộ việc khuyến khích Iran hơn nữa với triển vọng viện trợ tài chính để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của nước này. Tiếp đó là khả năng chấm dứt sự cô lập đối với Iran và tạo tiền đề cho việc đưa nước này trở thành một bên tham gia quan trọng trong các thỏa thuận an ninh trong tương lai của khu vực.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell đã đưa ra những tuyên bố dứt khoát nhắm vào Israel và các kế hoạch của nước này đối với Gaza. Những "phủ quyết" của phương Tây với Israel bao gồm bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào về cưỡng bức di dời, cảnh báo chống lại việc cố tình nhắm mục tiêu vào thường dân Palestine và phản đối việc tái chiếm Gaza. Những lập trường kiên quyết này đã khiến Israel phải đánh giá lại các tính toán chiến lược của mình khi những thông điệp được truyền tải từ phương Tây rất rõ ràng: "Chúng tôi sẽ không can dự".
Trong khi đó, sự hỗ trợ từ Iran là yếu tố chính trong tính toán chiến lược của Hamas khi nhóm này tiến hành các hoạt động chưa từng có vào ngày 7/10. Hamas có thể đang tìm kiếm một cuộc chiến tranh khu vực liên quan đến Iran, chứ không chỉ các nước Arab, đặt cược vào sự thống nhất của các “mặt trận kháng chiến” như Hezbollah.
Nhưng cả Tehran và Hezbollah đều phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc ngày 7/10, mặc dù một số người vẫn nghi ngờ điều đó. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã thông báo cho Ismail Haniyeh, người đứng đầu về chính trị của Hamas tại cuộc gặp trong tháng này, rằng Tehran sẽ không tham chiến.
Cảnh đổ nát sau vụ oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza ngày 15/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Toan tính của Iran?
Chuyên gia Dergham đánh giá, việc một mình lên kế hoạch tấn công vào Israel của Hamas và thời điểm diễn ra có thể là một yếu tố quan trọng. Hơn nữa, Iran có lẽ đã không lường trước được việc triển khai nhanh chóng các tàu sân bay Mỹ. Đối mặt với mối đe dọa này, giới lãnh đạo Iran có thể đã quyết định không gây nguy hiểm cho chương trình hạt nhân của Tehran, hiện được cho là đang ở giai đoạn cuối, trước nguy cơ bị phá hủy trong một cuộc xung đột quân sự.
Thứ hai, hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của Iran được cho là không hiệu quả như dự báo trước đây. Một cuộc đối đầu toàn diện với Israel sẽ có nguy cơ làm lộ những tuyên bố về ưu thế quân sự của Tehran.
Thứ ba, tham gia vào cuộc chiến có thể khiến Iran mất đi một trong những "tài sản quý giá nhất" của mình - Hezbollah. Nhóm chiến binh ở Liban này là lực lượng răn đe được đánh giá cao - tuyến phòng thủ đầu tiên trước các mối đe dọa đối với Tehran. Rõ ràng Hezbollah là một "quân bài" quý giá mà Tehran không muốn đánh mất.
Thứ tư, nhu cầu dỡ phong tỏa hàng tỷ USD từ phương Tây và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là rất cần thiết khi giới lãnh đạo Iran có kế hoạch phát triển kinh tế nhằm thực hiện chương trình “phục hưng” mà nước này đã đề ra với hy vọng tập hợp người dân Iran, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thứ năm, Tehran dường như đã lựa chọn rằng họ có cơ hội nối lại quan hệ với các nước vùng Vịnh, một số nước trong số này đã tham gia hòa giải trong cuộc xung đột Israel - Hamas đang diễn ra và muốn nối lại quan hệ thương mại với Iran. Iran cũng muốn tận dụng các yếu tố tích cực của thỏa thuận song phương giữa nước này và Saudi Arabia do Trung Quốc làm trung gian.
Đáng chú ý, hội nghị thượng đỉnh Arab - Hồi giáo ở Riyadh trong tháng này, với sự tham gia của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, đã giúp trấn an Tehran rằng một chương mới đang chờ đợi nước này, đặc biệt là về hợp tác với các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
Tóm lại, theo chuyên gia Dergham, tất cả những yếu tố trên cho thấy bầu không khí ở Iran hiện nay là "chính sách thực tế", với hiện tại là ngòi nổ chiến tranh đã được dỡ bỏ giữa Iran và Israel – một thành tựu đáng kể của chính quyền Biden, với sự đóng góp đáng kể từ các quốc gia Arab vùng Vịnh. Điều quan trọng là hiện nay có vẻ như động lực khu vực và quốc tế đang ủng hộ việc kiềm chế xung đột bằng cách xoa dịu sự leo thang và tích cực nỗ lực hướng tới một giải pháp bền vững, rộng lớn hơn nhằm đảm bảo vị thế chiến lược của tất cả các bên trong khu vực.