Một ngày sau hội thảo "Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam" diễn ra, các chuyên gia vẫn tiếp tục cho ý kiến với mong muốn xây dựng phương án điều hành giá hài hòa, hiệu quả hơn.
Tường minh là quan trọng nhất
Trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về việc suốt thời gian dài, ngành điện vin vào lý do tiếp nhận thông số đầu vào, tính toán giá thành rất phức tạp nên không thể tăng giá điện một năm 2-3 lần theo mùa như đề xuất, GS-TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, khẳng định: "Đúng là điều chỉnh nhiều lần sẽ phải tính toán chi tiết nhiều hơn nhưng với mức độ phát triển về công nghệ, hạ tầng của ngành điện như hiện nay không phải không làm được, thậm chí tính toán được theo từng ngày, từng giờ".
Các chuyên gia cho rằng dù lựa chọn phương án điều chỉnh giá điện nào cũng cần cân nhắc hài hòa lợi ích giữa các bên. Trong ảnh: Công nhân EVN TP HCM kiểm tra, sửa chữa lưới điện Ảnh: TẤN THẠNH
Dẫn chứng Thái Lan điều chỉnh giá điện 4 tháng một lần và thực hiện rất bài bản, nhịp nhàng, GS-TS Trần Đình Long cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tiến tới điều hành theo chu kỳ ngắn như một số nước.
Tuy nhiên, với xuất phát điểm từ "số 0", tức chưa thực hiện điều hành giá điện theo chu kỳ, Việt Nam có thể đi từng bước, trước mắt điều chỉnh 6 tháng/lần.
"Tôi đã nêu ý kiến trong hội thảo ngày 5-11 vừa qua là cần được luật hóa, tức phải ban hành được thông tư hoặc quyết định, nêu rõ mỗi 6 tháng, ngành điện và các cơ quan có thẩm quyền cần tính toán giá điện một lần và công bố công khai, kể cả có quyết định điều chỉnh giá hay không.
Dựa trên kết quả làm được, có thể tiến tới phấn đấu chu kỳ ngắn lại để sát với thị trường hơn" - ông Trần Đình Long nói.
Tuy vậy, GS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng: "Nếu chia theo chu kỳ ngắn quá, chỉ vài tháng một lần cũng không cần thiết, có thể bất tiện trong thu thập thông số đầu vào, tính toán giá điện, vì tính giá điện không đơn giản như các mặt hàng khác.
Hơn nữa, ở khía cạnh nào đó, các ngành sản xuất trong nền kinh tế cần chi phí đầu vào, trong đó có giá điện, ổn định trong một thời gian nhất định để thuận lợi hơn trong việc tính toán phương án sản xuất". Ông Đặng Đình Đào nhấn mạnh dù lựa chọn phương án điều chỉnh giá điện theo chu kỳ dài hay ngắn thì yếu tố cần thiết nhất vẫn là công khai, minh bạch.
GS-TS Đặng Đình Đào cũng cho rằng điểm mấu chốt hiện nay là xây dựng một thị trường điện cạnh tranh, khi đó tất yếu sẽ có giá thành hợp lý và minh bạch. Cũng từ đó, thị trường sẽ đặt ra các yêu cầu sửa đổi cơ chế điều hành cho phù hợp, thậm chí có thể luật hóa các quy định nếu cần thiết.
"Để có thị trường điện cạnh tranh với các nguồn phong phú, cần nhiều hơn nữa các cơ chế thông thoáng, rộng cửa để các dòng điện từ gió, mặt trời có thể hòa nhập cạnh tranh hơn, thuận lợi hơn vào nguồn điện chung, trong đó, một vấn đề cần xử lý hiện nay là giải quyết lưới cho điện mặt trời" - chuyên gia này góp ý.
Nên rút bớt 1 bậc thang
Theo GS-TS Đặng Đình Đào, 3 phương án 3, 4, 5 bậc thang được nhóm tư vấn xây dựng đề án khẳng định có thể tác động làm giảm nhẹ tổng chi tiêu hộ sinh hoạt, đồng thời cũng giảm nhẹ doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho thấy các phương án đã bắt đầu quan tâm hơn đến quyền lợi của người tiêu dùng.
"Cho dù quyết định theo phương án nào, theo tôi, nên hạ giá sâu hơn đối với nhóm sử dụng ít năng lượng và áp giá cao hơn đối với nhóm sử dụng nhiều, như thế mới bảo đảm công bằng, tiết kiệm thúc đẩy năng lượng và duy trì được chính sách nhân văn với người thu nhập thấp" - ông Đào góp ý.
Nêu quan điểm ngược lại, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho rằng không nên để giá bán lẻ ở mức thấp hơn giá thành đối với tất cả các biểu giá, các bậc thang và cấp điện áp.
Nguyên tắc mua - bán điện hiện nay không đơn thuần là trao đổi hàng hóa mà còn gánh thêm ý nghĩa khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm, khuyến khích nhà đầu tư đổ vốn trong bối cảnh ngành này khát vốn, thiếu nguồn điện.
"Nguyên tắc là dùng nhiều phải trả nhiều. Hiện nay, một tỉ lệ điện năng được bán ra có mức giá thoát ly xa so với giá thành, trong khi tài nguyên dần cạn kiệt, cung điện không đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng… Do đó, không thể sử dụng miễn phí" - ông Thỏa nói.
Trước nhiều ý kiến đồng tình với cơ cấu biểu giá điện 5 bậc thang, tức rút 1 bậc so với biểu giá hiện hành, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong điều hành giá tại Bộ Tài chính cũng góp ý cần tính toán mức chênh lệch giá sao cho hợp lý.
Theo ông Thỏa, chênh lệch giữa các bậc chỉ nên ở mức 4%, thay vì lên tới 5,16% như đề án đưa ra. Đặc biệt, cần có sự gắn kết rõ nét giữa việc sắp xếp hệ số, bước nhảy từng bậc của giá thành so với bước nhảy của giá bán; bởi giá thành có thay đổi ở mỗi mức độ sản xuất điện.
Ngoài ra, phải chú ý xem xét kỹ khoảng cách giá trong mối quan hệ tương ứng với khoảng cách về lượng, tức giá bán lẻ cao nằm ở bậc thang sử dụng điện phổ biến sẽ dẫn đến việc khách hàng phải chi trả hóa đơn lớn.
"Đợt điều chỉnh giá vừa qua có vấn đề bước nhảy về sản lượng từng bậc khác bước nhảy về giá từng bậc cần rút kinh nghiệm" - ông Thỏa góp ý và cũng cho rằng biểu giá điện nên được cải tiến thường xuyên.
Hài hòa lợi ích
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá đề án EVN đang xây dựng hơi nặng về lý thuyết, trong khi cần thiết phải đi sâu vào nghiên cứu để cải tiến biểu giá bán lẻ điện. "Điểm cốt lõi là phải xác định được giá bình quân như thế nào, mọi cơ chế biểu giá đều dựa trên giá bình quân" - ông Long cho hay.
Theo ông Long, về nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định giá điện bình quân cho 1 KWh điện, sau đó Bộ Công Thương xây dựng biểu giá bán lẻ. Đối với biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo bậc thang 6 bậc lũy tiến như hiện nay, người tiêu dùng bị thiệt, EVN có lợi. Do đó, nếu rút xuống còn 5 bậc, phải cân đối để các bên đều không bị thiệt.
Liên quan đến đề xuất luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá điện mỗi năm 2 lần theo mùa, TS Ngô Trí Long chỉ rõ Quyết định 24 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã nêu thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Như vậy, quy định đã có nhưng do đây là mặt hàng nhạy cảm nên việc tăng, giảm đều phải xem xét nhiều yếu tố, khía cạnh mới đi đến quyết định cuối cùng. Trong đó, cần nhất là công khai, minh bạch khi tính giá thành, các chi phí của ngành điện.