Trong 10 năm qua, số lượng thuê bao di động đã tăng trưởng hơn 14 lần trong khi số lượng thuê bao cố định không những tăng lên mà còn giảm đi.
Hệ quả, những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định cũng teo tóp đi, điển hình như ông lớn VNPT đang mất hàng nghìn tỷ hàng năm vì mảng kinh doanh này.
Thị phần bị cắt xén mất 11 lần – thuê bao cố định chết dần chết mòn
Theo những số liệu mới công bố, số thuê bao cố định trong ngành viễn thông Việt Nam năm 2015 được ghi nhận là 5,9 triệu thuê bao.
Như vậy tuy vẫn có những thời điểm tăng lên, nhưng sau 10 năm, số lượng thuê bao cố định vẫn bị giảm tới 1,23 triệu.
Không dùng điện thoại cố định, người dân sẽ chuyển sang sử dụng nhiều hơn điện thoại di động. Số thuê bao di động đã tăng lên hơn 14 lần để đạt con số hơn 126 triệu thuê bao.
Cần lưu ý rằng trong 10 năm qua, tổng số thuê bao điện thoại vẫn tăng mạnh tới hơn 8 lần, với nhiều năm tăng trưởng rất mạnh như 2007 (tăng gần gấp đôi). Nói điều này để thể hiện rằng chỗ đứng của những chiếc điện thoại bàn đang bị cắt xén một cách mạnh mẽ như thế nào.
Nếu như năm 2005, thị phần thuê bao cố định vẫn là 45% thì đến năm 2015, con số này chỉ còn vỏn vẹn 4%.
Vị trí độc tôn của điện thoại để bàn bắt đầu bị lung lay khi những chiếc feature phone rồi smartphone hiện đại ra đời, đưa đến cho người dùng lựa chọn nhỏ gọn, nhiều tính năng hữu dụng và sự dễ dàng để mang đi, khác hẳn với những chiếc điện thoại bàn.
Mặc dù các hãng viễn thông vẫn cố cải thiện để nâng cấp thêm nhiều tính năng cho dịch vụ thuê bao cố định (ra mắt Homephone, Gphone) của mình nhưng thực trạng các hộ gia đình ngưng sử dụng dịch vụ ngày càng phổ biến khiến những đầu số quen thuộc như 043, 046…(ở Hà Nội) hay 083, 086…(ở thành phố Hồ Chí Minh) cũng dần dần biến mất.
Giờ đây, những chiếc điện thoại bàn chỉ còn phổ biến ở các doanh nghiệp, do chất lượng đàm thoại ổn định hơn điện thoại di động. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, sự cáo chung của điện thoại bàn từ hộ gia đình được dự đoán sẽ tiếp tục lây lan sang các doanh nghiệp.
Không ai dùng điện thoại cố định, VNPT lỗ cả nghìn tỷ đồng
Với dịch vụ điện thoại cố định đường dài trong nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là doanh nghiệp duy nhất có vị trí thống lĩnh trên thị trường.
Xu hướng dùng điện thoại cố định ít dần khiến cho VNPT trở thành kẻ độc hành trên con đường chịu lỗ dài vì mảng này.
Ở thời điểm cực thịnh, VNPT đã từng sở hữu tới 13 triệu thuê bao điện thoại cố định. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp này ước tính, giờ đây số thuê bao cứ thường hụt đi 25% mỗi năm.
Tính riêng ở thủ đô, Bưu điện Hà Nội (đơn vị trực thuộc VNPT, cung cấp dịch vụ điện thoại cố định tại Hà Nội với thị phần khoảng 85%) báo cáo rằng mỗi năm có khoảng 60.000 thuê bao cố định thuộc quản lý của đơn vị này ngừng hoạt động.
Việc quá ít người sử dụng và giá cước quá thấp khiến cho VNPT đang lỗ chổng vó ở mảng này. Hồi năm 2012, VNPT từng tính toán rằng doanh nghiệp này đang phải bù lỗ tới 63% giá bán ở mảng điện thoại cố định, khi bán cho khách hàng giá 400 đồng/phút nhưng lại phải trả giá thành tới 650 đồng mỗi phút.
Dù chưa có những số liệu chính thức nhưng ông Vũ Tiến Dương, phó ban kinh doanh của VNPT, từng nói trên báo chí rằng doanh nghiệp này đang lỗ hàng nghìn tỷ đồng ở mảng thuê bao cố định.
Rõ ràng, với xu hướng phát triển công nghệ không thể cưỡng lại như ngày nay, dù vẫn còn thoi thóp sống nhưng mảng điện thoại cố định của VNPT nói riêng và sự sống của các thuê bao cố định trên toàn quốc nói chung có lẽ sẽ tàn trong một tương lai không xa.
Xu hướng tất yếu của việc sử dụng ít điện thoại cố định đi không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trên thế giới.
Một cuộc nghiên cứu từ nước Anh đã thực hiện khảo sát ngẫu nhiên với những người dân thường, với một cuộc cá cược nhỏ rằng nếu ai nhớ được số điện thoại cố định nhà mình thì có thể lấy được 50 bảng.
Điều đáng ngạc nhiên là có đến 1/4 số người được hỏi chẳng thể nào lấy được 50 bảng này. Ngoài ra, cũng hơn một nửa số người được hỏi đó cũng thú nhận rằng họ đã không thực hiện cuộc gọi đi hay nhận một cuộc gọi đến nào từ điện thoại cố định nhà từ thời gian rất lâu rồi.