“Tất nhiên, hệ thống ngân hàng của chúng tôi có những mối liên hệ nhất định với một số phân khúc của hệ thống tài chính quốc tế, nhưng phần lớn nó đang bị hạn chế”, ông Peskov nói, ám chỉ các lệnh trừng phạt mà Nga cho là trái phép nhằm vào Mátxcơva.
Người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm rằng các lệnh trừng phạt trên thực tế là “trong cái rủi có cái may”, vì Nga “ở một mức độ nhất định đang miễn nhiễm với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng hiện đang diễn ra bên kia đại dương”.
Trước đó, lĩnh vực tài chính Nga đã bị Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh áp lệnh trừng phạt. Năm ngoái, làn sóng trừng phạt đã khiến 10 ngân hàng lớn của Nga bị cắt khỏi hệ thống viễn thông tài chính SWIFT có trụ sở tại Bỉ. Hệ thống này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch ngân hàng trên toàn cầu.
Ngoài ra, 9 trong số 10 ngân hàng này cũng phải chịu các biện pháp trừng phạt như bị cấm hợp tác với các tổ chức tài chính.
Washington còn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng Sberbank (thuộc sở hữu nhà nước Nga), ngăn không cho ngân hàng này xử lý các khoản thanh toán thông qua hệ thống tài chính của Mỹ.
Nga có hệ thống viễn thông tài chính riêng, SPFS, có thể đóng vai trò thay thế cho SWIFT tại thị trường nội địa. Mặc dù mức độ bao phủ của SPFS vẫn nhỏ hơn nhiều so với SWIFT – được sử dụng bởi 11.000 tổ chức tài chính trên toàn cầu – nhưng sự mở rộng của SPFS đã tăng tốc trong những tháng gần đây.
Trong khi đó, lĩnh vực ngân hàng của Mỹ đã rung chuyển vào tuần trước khi Silvergate thông báo thanh lý tài sản và dừng hoạt động Silvergate Bank. Ngay sau đó, Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ và trở thành sự cố ngân hàng nghiêm trọng nhất của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngân hàng Signature là ngân hàng mới nhất bị đóng cửa vào cuối tuần. Sự sụp đổ của các ngân hàng đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh tài chính Mỹ. Cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã lao dốc.
Theo RT