Điện gió ngoài khơi có thể tạo mới 55.000 việc làm cho Việt Nam

Lan Hương |

Thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam được đánh giá là đầy hứa hẹn, với tốc độ gió cao hàng đầu thế giới và điều kiện đáy biển thuận lợi.

Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo “Chuỗi Cung ứng Điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam” do Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam công bố hôm 4/10. Lễ Công bố do Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chủ trì với sự tham dự của Khách mời Danh dự là Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long. 

Theo báo cáo, thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam được đánh giá là đầy hứa hẹn, với tốc độ gió cao hàng đầu thế giới và điều kiện đáy biển thuận lợi. Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng điện gió trên bờ và gần bờ hiện có, chuỗi cung ứng hiện đang phục vụ cho ngành dầu khí trong nước là những điều kiện thuận lợi và tiềm năng có thể hỗ trợ phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Việc các thị trường quốc tế đặt mua gần đây những những bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi từ Việt Nam là những tín hiệu tích cực về sự khởi đầu đầy hứa hẹn để Việt Nam trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đánh giá ngành điện gió ngoài khơi có thể tạo mới 9.000 công việc toàn thời gian trong kịch bản phát triển 1 GW, và con số này sẽ lên tới 55.000 cho kịch bản 6 GW. Báo cáo nhấn mạnh tiềm năng to lớn của ngành điện gió ngoài khơi trong việc tạo việc làm cho lao động địa phương đặc biệt ở khu vực phía Nam, tận dụng kinh nghiệm từ ngành dầu khí phát triển lâu đời và nhờ các điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi.

 - Ảnh 1.

Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội bàn giao Bộ Công Thương Báo cáo “Chuỗi Cung ứng Điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam”. Ảnh: Bộ Công thương

Ngoài ra, đánh giá về hạ tầng cảng của Việt Nam trong việc phát triển của ngành điện gió ngoài khơi, báo cáo cho rằng điều kiện của các cảng biển phía Nam, như cảng Vũng Tàu, tốt hơn do cơ sở hạ tầng dầu khí đã được thiết lập. Trong khi đó, các cảng biển phía Bắc như ở Hải Phòng thì lại có những lợi thế nhất định về hoạt động hậu cần và cung ứng đáng kể vật liệu thép, vì thế có khả năng trở thành các trung tâm chế tạo tàu biển.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken cho biết, Na Uy tự hào về quan hệ hợp tác với Việt Nam và Bộ Công thương trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với tư cách là đối tác song phương đồng thời là thành viên của Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

"Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một Báo cáo hữu ích có thể hỗ trợ Việt Nam và Bộ Công Thương trong việc thiết kế lộ trình phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam cũng như chuỗi cung ứng trong nước cho ngành này. Tôi tin tưởng rằng đây sẽ là lĩnh vực mở ra những cơ hội hợp tác mới cho các công ty Na Uy và Việt Nam", bà Solbakken nói.

Đánh giá về bản báo cáo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long cho rằng đây là một bản báo cáo chất lượng, chi tiết.

Về phát triển điện gió ngoài khơi, ông Long cho rằng Việt Nam có một số điểm thuận lợi như tiềm năng lớn, mà theo đánh giá của các tổ chức quốc tế là lên đến gần 600.000 MW điện gió ngoài khơi; Việt Nam có nền tảng sản xuất công nghiệp, qua đó có thể tăng cường nội địa hóa để phục vụ cho chuỗi công nghiệp; chi phí cạnh tranh… Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược để nếu phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể trở thành trung tâm xuất khẩu năng lượng sang các nước trong khu vực.

Đi kèm với điện gió ngoài khơi là các trung tâm công nghiệp dịch vụ điện gió ngoài khơi. Trước đây chúng ta từng phát triển công nghiệp dầu khí ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng ta nhìn thấy Bà Rịa - Vũng Tàu thành một trong những nơi thu hút đầu tư lớn thì trung tâm công nghiệp điện gió ngoài khơi sẽ phát triển tương tự hoặc hơn thế, ông Long cho hay.

Tham dự sự kiện còn có đại diện lãnh đạo và cán bộ Các Cục, Vụ và đơn vị liên quan của Bộ Công thương bao gồm Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA), Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí và Than, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Viện Năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...

Lễ Công bố còn được đón tiếp các đại biểu đến từ Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Nhóm Đối tác Phát triển (DPG) tại Việt Nam, các quốc gia thành viên của Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), các công ty và các bên có liên quan trong lĩnh vực năng lượng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại