Ông Putin tin Nga sẽ chiến thắng, khẳng định không nghĩ đến vũ khí hạt nhân: Tổng thống Vladimir Putin tin Nga sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Ukraine, đồng thời khẳng định Moskva chưa bao giờ nghĩ đến sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Tất cả các cuộc đàm phán đều dựa trên thất bại quân sự hoặc chiến thắng quân sự. Tất nhiên, chúng tôi sẽ thắng”, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong phiên hỏi đáp tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 7/6.
"Moscow sẵn sàng đàm phán", ông Putin nhắc lại, nhưng Nga cần có sự tin tưởng vào Ukraine và được đưa ra những điều kiện có lợi cho mình. Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán hòa bình không thể dựa trên “những tưởng tượng”.
Nga - Mỹ “lời qua, tiếng lại" song vẫn muốn kiểm soát xung đột Ukraine: Dù có quan điểm đối lập, song cả Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin hôm qua (7/6) đều có những tuyên bố nhằm mục đích kiểm soát cuộc xung đột Ukraine, tránh nguy cơ leo thang và lan rộng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra khi gửi quân NATO đến một quốc gia – nơi mà họ có thể rơi vào tình thế nguy hiểm và có khả năng làm leo thang xung đột. Trong khi đó, tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg (SPIEF), Tổng thống Nga Putin tuyên bố, nước này không cần sử dụng vũ khí hạt nhân để đảm bảo chiến thắng tại Ukraine.
Nga điều tàu ngầm hạt nhân tới Cuba khi Mỹ tăng cường hỗ trợ Ukraine: Bốn tàu hải quân của Nga, bao gồm một tàu ngầm hạt nhân và một tàu hộ vệ có khả năng mang tên lửa hạt nhân, sẽ ghé thăm cảng tại Havana, Cuba, từ ngày 12-17/6/2024 trước khi tới Venezuela. Động thái này rất đáng chú ý trong bối cảnh Mỹ vừa cho phép Ukraine tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga.
Mỹ đang mạo hiểm hơn với Nga và 2 kịch bản khiến xung đột Ukraine leo thang: Có một rủi ro rõ ràng khi Ukraine sử dụng các vũ khí phương Tây trong các cuộc tấn công dù là tình cờ hay có chủ ý nhắm vào dân thường Nga. Hoặc các cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine khiến các chuyên gia quân sự NATO thiệt mạng. Cả hai kịch bản này đều có thể khiến căng thẳng leo thang.
Đồng thời, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một loạt cảnh báo mới, cho biết ông có thể cung cấp vũ khí cho các nước tấn công vào những mục tiêu của phương Tây và đưa ra những cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đâu là giới hạn tiếp theo khi phương Tây dần dỡ bỏ các lằn ranh đỏ với Ukraine? Từ xe tăng chiến đấu chủ lực cho đến tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí NATO, những lằn ranh đỏ của phương Tây đối với Ukraine đang dần bị xóa bỏ. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/5 cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” nếu tên lửa NATO được sử dụng để chống lại Nga. Ukraine cũng đang thử thách giới hạn của các đồng minh.
Ông Mikola Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine cho rằng, Ukraine muốn thấy các ranh giới đỏ khác được xóa bỏ, chẳng hạn như việc nhận được thông tin tình báo của Mỹ về vị trí của các mục tiêu quân sự trên đất Nga, điều mà Nhà Trắng vẫn từ chối cung cấp, hoặc việc NATO triển khai binh sỹ tới Ukraine.
Nhưng rào cản quan trọng nhất sẽ vẫn là Ukraine trở thành thành viên NATO. “Chừng nào điều này là không thể thì sẽ luôn có những ranh giới đỏ”, ông Bielieskov nói.
NATO muốn bổ nhiệm đặc phái viên mới ở Ukraine: Truyền thông phương tây thông tin, Liên minh NATO đang cân nhắc kế hoạch bổ nhiệm một đặc phái viên thường trực mới của Ukraine có trụ sở tại Kiev trong bối cảnh liên minh này tăng cường các cam kết lâu dài với Ukraine để ứng phó với cuộc xung đột hiện nay.
Vị trí đặc phái viên cấp cao cũng sẽ gửi một thông điệp chính trị tới cả Ukraine và Nga về cam kết của liên minh quân sự NATO đối với cuộc chiến ở Kiev trong bối cảnh Ukraine đang tìm kiếm tư cách thành viên NATO. Đề xuất này diễn ra trong bối cảnh các cuộc tranh luận nảy lửa giữa các nước thành viên NATO về việc có nên triển khai quân đội của họ tới lãnh thổ Ukraine hay không. Quyết định này có thể đẩy nhanh việc huấn luyện và trang bị cho lực lượng Ukraine nhưng cũng dẫn tới gia tăng nguy cơ chiến tranh ở mức độ lớn hơn tại Ukraine cũng như tạo ra một cuộc đối đầu giữa phương Tây với Nga.