Tên lửa Nga bắn gãy tháp truyền hình Ukraine ở Kharkov: Các đoạn video trên mạng xã hội cho thấy tháp truyền hình Kharkov đã bị gãy và rơi xuống đất sau cuộc tấn công tên lửa của Nga.
Theo RT, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công chính xác cao nhằm vào tháp truyền hình ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine.
Tòa tháp cao 240 mét, được sử dụng để phát tín hiệu truyền hình và phát thanh FM trong phạm vi thành phố. Đây là công trình cao nhất thành phố Kharkov và cũng là tháp truyền hình cao thứ năm tại Ukraine.
Mỹ sẽ gửi gì cho Ukraine sau khi Thượng viện phê chuẩn gói viện trợ 61 tỷ USD?: Hôm qua (22/4), Tổng thống Biden nói với người đồng cấp Ukraine Zelensky rằng Mỹ sẽ gửi vũ khí phòng không thiết yếu tới Ukraine ngay sau khi Thượng viện Mỹ phê duyệt gói viện trợ an ninh quốc gia khổng lồ trị giá 61 tỷ USD.
Trong một bài đăng trên X, Tổng thống Ukraine Zelensky chia sẻ rằng Tổng thống Mỹ Biden cũng đảm bảo với ông về gói viện trợ sắp tới cũng sẽ bao gồm pháo và vũ khí tầm xa.
Ukraine đang chờ sự chấp thuận của Thượng viện Mỹ sau khi Hạ viện cuối tuần này đã thông qua gói viện trợ trị giá 95 tỷ USD, trong đó có gần 61 tỷ USD dành cho quốc gia này.
Séc thúc đẩy sự ủng hộ của EU đối với Sáng kiến đạn dược cho Ukraine: Séc là một trong những quốc gia có hỗ trợ to lớn với Ukraine nhờ Sáng kiến đạn dược, thông qua đó đã có khoảng 500.000 quả đạn pháo sẽ được gửi tới Ukraine.
Ngày 22/4, Bộ trưởng Ngoại giao các Quốc gia Thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhau tại Luxembourg, để dự cuộc họp thường kỳ của Hội đồng Ngoại giao (FAC) cùng thảo luận về xung đột Nga-Ukraine, tình hình ở Trung Đông và Sudan.
Bắt đầu cuộc họp đầu tiên trong năm nay tại Luxembourg, các Bộ trưởng đã thảo luận về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ngoài các bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên EU cũng được mời tham dự.
Hội nghị Ngoại trưởng EU khẳng định “đoàn kết” với Ukraine: Nhóm họp hôm 22/4 ở Luxembourg, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa khẳng định “tình đoàn kết” với Ukraine. Tuy nhiên không có cam kết cụ thể nào được đưa ra liên quan tới hệ thống phòng không Patriot như yêu cầu của quốc gia Đông Âu.
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell đã bày tỏ sự thất vọng khi các nước thành viên không thể đưa ra các cam kết bổ sung. Ông đồng thời cho biết đang cố gắng để "các nước thành viên hiểu và nhận thức được" sự cần thiết phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ Ukraine.
Ba Lan tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của NATO để răn đe Nga: Tổng thống Ba Lan cho biết, nước này sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân của các đồng minh NATO trên lãnh thổ của mình sau khi Nga tăng cường vũ khí ở Belarus và vùng Kaliningrad của Nga.
Truyền thông châu Âu cho rằng, động thái này sẽ gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ, nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga. Ba Lan - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là quốc gia ủng hộ trung thành đối với Ukraine, có chung đường biên giới với cả vùng lãnh thổ Kaliningrad và Belarus, đồng minh của Moscow.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chia sẻ, sẵn sàng ủng hộ nếu các đồng minh của Ba Lan quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của nước này, nhằm tăng cường an ninh cho sườn phía đông của NATO.
Nội dung cuộc trả lời phỏng vấn của Tổng thống Ukraine với Youtuber người Pháp: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa có bài trả lời phỏng vấn Youtuber người Pháp, về những vấn đề liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine, từ khoản viện trợ mới của Mỹ, những khó khăn trên chiến trường và cơ hội đạt được hòa bình với Nga từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Thụy Sĩ vào tháng 6.
Mở đầu bài trả lời phỏng vấn được Youtuber người Pháp Hugo Traver đăng tải ngày 22/4, có độ dài 45 phút, Tổng thống Ukraine Zelensky nhận định, những diễn biến căng thẳng ở Trung Đông đang khiến thế giới phân tán đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Đồng minh Mỹ cũng đã tập trung nhiều hơn vào Israel thay vì Ukraine như trước đây. Theo ông, mặc dù Israel không thuộc NATO, nhưng quân đội một số thành viên NATO đã hành động bảo vệ nước này, nhưng Ukraine chưa nhận được điều đó.
Thủ tướng Hungary dự đoán thời điểm xung đột Nga - Ukraine kết thúc: Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể kết thúc vào cuối năm 2025 nếu những người ủng hộ hòa bình giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Theo Thủ tướng Orban, nếu những người ủng hộ hòa bình giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu, “các quyết định quân sự ở châu Âu có thể bị chậm lại, dừng lại hoặc thậm chí bị hủy bỏ”.
“Một cuộc bầu cử khác sẽ diễn ra ở Mỹ. Nếu một ứng cử viên ôn hòa chiến thắng, chúng ta sẽ nhận được sự ủng hộ từ Mỹ. Vì vậy, vào năm tới, sau cuộc bầu cử, nếu mọi việc suôn sẻ, các nhà lãnh đạo chính trị ủng hộ hòa bình sẽ có thể bước ra ở châu Âu và châu Mỹ. Khi đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể kết thúc vào cuối năm 2025”, ông Orban cho hay.