Tổn thất nặng nề của Ukraine
Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Nga, tính tới 4/8, Ukraine tổn thất hơn 43.000 binh lính và hơn 4.900 phương tiện quân sự, trong đó có 26 chiến đấu cơ, 9 trực thăng, 1.831 xe tăng và xe bọc thép. Ngoài ra, nước này cũng tổn thất 747 pháo dã chiến và súng cối, trong đó có 76 lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất và 84 pháo tự hành từ Ba Lan, Mỹ, Pháp và Đức. Ukraine hiện chưa bình luận về các số liệu trên.
Xe tăng bị phá hủy ở Bakhmut. Ảnh: Sputnik
Theo ông Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ, dữ liệu này "khá nghiêm trọng bởi nó thực sự cho thấy tỷ lệ tiêu hao cao" của Ukraine.
"Các chiến thuật đang được Ukraine triển khai đã khiến họ tự hủy hoại mình và chịu tổn thất lớn hơn. Điều này không có gì bất ngờ. Tôi đã xem một số video ghi lại cảnh tượng thực sự giống với chiến tranh chiến hào trong Thế chiến I mà quân đội Ukraine đang trải qua. Họ đã quay về lối đánh cũ, bản chất là phòng thủ. Họ không được đào tạo để thực hiện các mục đích tấn công. Đây là điều đáng chú ý", chuyên gia này bình luận.
Tổn thất nặng nề của Ukraine được cho là do thiếu chiến thuật phù hợp. Ngoài ra, sự huấn luyện gấp rút của NATO cho Kiev đã trở nên vô ích trước phòng tuyến kiên cố, phối hợp với các lực lượng pháo binh, không quân và bộ binh của Nga.
Truyền thông Mỹ gần đây đưa tin Ukraine đang quay về các chiến thuật cũ giữa bối cảnh các đội quân của Ukraine được NATO huấn luyện và trang bị vũ khí hiện đại không thể tạo được tiến triển trên chiến trường.
Truyền thông cũng nhắc đến việc chính quyền Tổng thống Biden hy vọng 9 lữ đoàn được phương Tây huấn luyện (khoảng 36.000 quân) sẽ cho thấy "lối đánh của Mỹ vượt trội hơn Nga" nhưng những hy vọng này đã tan biến.
Điểm yếu lớn nhất trong chiến thuật phương Tây huấn luyện cho Ukraine
Theo chuyên gia Maloof, các chiến thuật mà Mỹ ca ngợi về tính hiệu quả, phụ thuộc lớn vào ưu thế trên không, điều mà Ukraine không hề có. Nói cách khác, nếu không có ưu thế trên không thì chiến thuật này không hiệu quả.
“Khi tôi còn làm việc ở Lầu Năm Góc và đặc biệt trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, nhiệm vụ đầu tiên được triển khai là thiết lập ưu thế trên không. Mọi thứ khác đều là thứ yếu. Trong quá trình thiết lập ưu thế trên không, cần phải kiểm soát bầu trời, đánh bại các hệ thống kiểm soát chỉ huy, sau đó là truy lùng các địa điểm phóng tên lửa, đặc biệt khi chúng có khả năng phòng không hạn chế", ông Maloof bình luận.
Trong khi đó, về phần mình, Nga đã củng cố các vị trí phòng thủ và rải mìn để cản bước tiến công của Ukraine. Theo một cách nào đó, các bãi mìn của Nga đã khiến các chiến lược gia quân sự của Ukraine và NATO phải bất ngờ. Sự bất ngờ này khiến cựu sĩ quan CIA Larry Johnson đặt câu hỏi liệu các tướng của NATO có "ngủ quên" trong 6 - 7 tháng qua hay không. Theo ông, liên minh này có đủ nguồn lực để thu thập những thông tin tình báo như vậy trước khi cuộc phản công diễn ra.
"Các chiến thuật của Nga đã cho thấy sự vượt trội hơn. Để đối phó với bất kỳ kiểu phản công nào, các lực lượng của Moscow đã đào hào, bố trí các bãi mìn, bẫy xe tăng và triển khai các UAV để truyền thông tin cho các chỉ huy địa phương về vị trí của đối thủ", chuyên gia Maloof nói. Theo ông, "đôi khi các UAV này không bị phát hiện. Vì thế, Nga có lợi thế rõ ràng, không chỉ trong việc phòng thủ mà còn giành thêm các lãnh thổ họ nhắm tới. Trừ khi Ukraine có thêm các trang thiết bị với nguồn cung ổn định, nếu không thì việc họ phải đổi cách đánh và mất thêm lãnh thổ chỉ là vấn đề thời gian. Và quan trọng hơn, họ sẽ tiếp tục tổn thất số lượng lớn lực lượng".
Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Ukraine đang nỗ lực tấn công vào Donetsk, Kupyansk và Krasny Liman. Tuy nhiên, gần như tất cả các cuộc tấn công đều bị các lực lượng của Moscow đẩy lùi.
Câu hỏi về khả năng tiếp tục tiến công của Ukraine
Ông Maloof cho rằng hiện chưa rõ liệu Ukraine sẽ bổ sung kho vũ khí và lực lượng như thế nào.
"Tôi không thấy họ có khả năng làm điều đó (bổ sung tổn thất lực lượng). Chúng ta đang chứng kiến nhiều người rời khỏi đất nước và không quay lại. Số người tử trận cao tới nỗi thậm chí cả lính đánh thuê đến đây cũng muốn rời đi bởi họ thấy không có sự hỗ trợ nào, không có tổ chức nào và cũng có sự chăm sóc y tế tốt. Do đó, khả năng huy động lính đánh thuê đang giảm nghiêm trọng".
Tỷ lệ tiêu hao trang thiết bị của Ukraine cũng đáng chú ý khi Kiev không thể sản xuất các vũ khí cần thiết mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của phương Tây. Tuy nhiên, nguồn cung này đang cạn dần khi các nước NATO cũng đối mặt với các vấn đề của riêng mình. Nếu Ukraine không nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài, họ sẽ cân nhắc đến một lệnh ngừng bắn, chuyên gia Maloof dự đoán.
Theo ông, sẽ không có cơ hội nào để cuộc phản công của Ukraine đảo ngược tình thế và ông tin rằng nó đã "kết thúc".
"Cuộc phản công cuối cùng phải giảm dần quy mô chỉ là vấn đề thời gian. Chúng ta thấy những cuộc tiến công rời rạc nhưng không có gì được lên kế hoạch và sắp xếp. Tôi không thấy Ukraine có khả năng vượt trội để tiến công một cuộc phản công chứ chưa nói tới một cuộc phản công kéo dài", chuyên gia an ninh này kết luận.