Điểm yếu lớn của xe tăng phương Tây khi hoạt động trên chiến trường Ukraine

Công Thuận |

Theo các chuyên gia, trọng lượng nặng hơn của xe tăng chiến đấu chủ lực do các nước thành viên NATO cung cấp cho Ukraine có thể đặt ra các vấn đề khi sử dụng.

Trong những tuần gần đây, một số nước phương Tây đã tuyên bố họ sẵn sàng cung cấp cho quân đội Ukraine những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.

Ngày 25/1, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ chuyển giao 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine. Gọi M1 Abrams là "xe tăng mạnh nhất thế giới", ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp đủ để trang bị cho một tiểu đoàn xe tăng Ukraine.

Ông Biden nói: "Các lực lượng của Ukraine cần phải đối phó với các chiến thuật và chiến lược đang phát triển của Nga trên chiến trường trong thời gian rất gần".

Cam kết cung cấp xe tăng Abrams được đưa ra sau khi Berlin thông báo sẽ cung cấp 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Berlin cũng cho phép các quốc gia khác tái xuất xe tăng Leopard do Đức sản xuất sang Kiev. Cuối tuần trước, Đức cũng đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu cho xe tăng Leopard 1 cũ hơn.

Trước đó, Anh cũng đã cam kết cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 của họ. Tổng thống Ukraine Zelensky đã hoan nghênh động thái này, nói rằng sự hỗ trợ bổ sung "sẽ không chỉ tăng cường sức mạnh cho chúng tôi trên chiến trường mà còn gửi tín hiệu đúng đắn tới các đối tác khác".

Các xe tăng mới trên của phương Tây đều hiện đại hơn so với xe tăng chiến đấu chủ lực mà Kiev đã sử dụng kể từ khi xung đột nổ ra, trong đó có cả xe tăng T-72 thời Liên Xô. Ukraine trước đó đã nhận được T-72 từ một số quốc gia châu Âu và vào tháng 11/2022. Nhà Trắng đã cam kết tài trợ cho việc tân trang 45 xe tăng T-72 với các tính năng tiên tiến thông qua CH Séc.

Nhưng T-72, loại xe tăng chiến đấu chủ lực được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, nặng khoảng 45 tấn, giống như mẫu T-80 sau này. Theo quân đội Mỹ, một chiếc Abrams có thể nặng từ 67 đến gần 74 tấn.

Chuyên gia quân sự và quốc phòng Michael Peck nhận định: “Điều này ảnh hưởng đến các thiết bị bắc cầu được sử dụng để một phương tiện có thể đi qua một cách an toàn, từ đó ảnh hưởng đến nơi nó được triển khai và nó có thể cơ động dễ dàng như thế nào trên chiến trường”.

Về phần mình, cựu sĩ quan quân đội Frank Ledwidge lưu ý rằng những cây cầu thời Liên Xô được thiết kế để chịu sức nặng của xe tăng thời bấy giờ và trong khu vực.

Ông Ledwidge nói: “Nhiều cây cầu của Ukraine có thể không phù hợp” với các xe tăng chiến đấu chủ lực nặng hơn nhiều của phương Tây hiện được dành cho tiền tuyến của Kiev.

Theo ông Ledwidge, các thiết bị bắc cầu mà quân đội Ukraine sử dụng cũng chỉ được thiết kế dành cho xe tăng thời Liên Xô, chứ không phải Abrams, Challenger hay Leopard.

Ông Ledwidge nhấn mạnh, thiết bị bắc cầu tương ứng sẽ được cung cấp bởi các đồng minh phương Tây, nhưng lực lượng Nga cũng có thể phá hủy chúng để tác động đến vấn đề hậu cần của Ukraine.

Cựu sĩ quan quân sự trên lập luận rằng những vấn đề này sẽ hạn chế việc triển khai các loại xe tăng từ phương Tây của quân đội Ukraine, tuy nhiên, các chỉ huy quân sự của Ukraine "sẽ rất ý thức về điều này và sẽ tìm cách tận dụng khả năng của chúng".

Trở lại vào tháng 2/2020, trang tin quân sự Breaking Defense đã viết rằng trong khi cơ sở hạ tầng của Tây Âu "thường được củng cố trong Chiến tranh Lạnh để đáp ứng trọng lượng của xe tăng NATO hơn 60 tấn, thì Đông Âu không đủ khả năng để xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy và trong bất kỳ trường hợp nào, chỉ chịu được tải trọng của các xe tăng Liên Xô nhẹ hơn nhiều, như T-72 nặng 45 tấn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại