Theo Reuters, 10 nhà ngoại giao đã cùng lúc thông tin về động thái của Trung Quốc. Một người trong số đó gọi chiến dịch của Bắc Kinh là "sự tẩy chay tinh tế" đối với cuộc họp toàn cầu ở Thụy Sĩ về vấn đề hòa bình ở Ukraine.
90 quốc gia và tổ chức đã đăng ký tham gia hội nghị thượng đỉnh vào ngày 15 và 16-6 tại khu nghỉ dưỡng trên núi Lucerne.
Tại đây, các bên sẽ tìm cách để tạo nên một sự ủng hộ chung cho các đề xuất hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bao gồm cả việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi Ukraine.
Nga, quốc gia không được mời tới Lucerne, đã nói cuộc họp là vô ích.
Trung Quốc và Nga đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” chỉ vài ngày trước khi xung đột bắt đầu vào tháng 2-2022.
Bắc Kinh cho biết họ trung lập trong cuộc xung đột, không cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho Moscow.
Trước đó, sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị ở Lucerne, ông Zelensky đã cáo buộc Bắc Kinh giúp Moscow phá hoại cuộc họp, một cáo buộc mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận.
Ukraine, Mỹ và các chính phủ phương Tây khác đã vận động mạnh mẽ để Trung Quốc tham dự các cuộc đàm phán, khi họ tìm kiếm tính hợp pháp cho hội nghị thượng đỉnh và sự đồng thuận rộng rãi về lộ trình cho tiến trình hòa bình trong tương lai.
Vào hôm 13-6, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đang được tổ chức tại Ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine đã ký một thỏa thuận an ninh song phương 10 năm.
Thỏa thuận này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước lực lượng Nga và đưa Ukraine đến gần hơn với tư cách thành viên NATO.
Các quan chức cho biết thỏa thuận này cũng là sự cam kết của Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong tương lai, ngay cả khi người chiến thắng cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay không phải ông Biden.
Ông Zelensky cho biết ông sẽ ký một thỏa thuận an ninh tương tự khác đối với Nhật Bản bên lề hội nghị.
Bên cạnh đó, G7 cũng đồng ý cho Ukraine vay 50 tỉ USD được hỗ trợ bằng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga.