Điểm mù trong chính sách ngăn chặn hạt nhân Triều Tiên: Mỹ có thể "mất cả chì lẫn chài"

Minh Anh |

BTQP Mỹ Mattis hàng ngày đều điện đàm với Ngoại trưởng Tillerson về vấn đề Triều Tiên, đồng thời thuyết phục Tổng thống Trump né tránh chính sách cứng rắn.

Hiện tại, cộng đồng quốc tế đang tìm cách siết chặt mạng lưới kìm tỏa nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên nhưng nỗ lực đó liệu có thành công? Cây viết Hiro Akita của báo Nikkei (Nhật Bản) đã có bài phân tích về điểm mù trong chính sách ngăn chặn Triều Tiên.

Theo ông Akita, nếu nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ban hành ngày 11/9 (Nghị quyết 2375) được thực thi thì lượng dầu nhập khẩu của Triều Tiên sẽ giảm 30%. Dẫu vậy, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ dừng lại. 

Trước khi lượng dầu mỏ dự trữ chạm đáy, có vẻ nước này sẽ tăng cường thử tên lửa và hoàn tất việc gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo (ICBM) có tầm bắn tới Mỹ.

Phương án ngoại giao bế tắc

Tại Quốc hội Mỹ, tiếp tục xuất hiện những quan điểm bi quan về phương án giải quyết ngoại giao.

Theo đó, tại phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ ngày 28/9/2017 với nội dung chất vấn Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Susan Thornton về chính sách đối với Triều Tiên, cho dù bà Thornton có giải thích thế nào về quan điểm (hợp tác với Trung Quốc để tăng cường trừng phạt Triều Tiên) thì các Ủy viên Thượng viện vẫn tỏ ra không hiểu và tiếp tục truy vấn. 

Họ cho rằng nếu tình hình cứ như vậy thì dù 6 hay 18 tháng nữa, cũng không thể nghĩ tới khả năng Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân. 

Điểm mù trong chính sách ngăn chặn hạt nhân Triều Tiên: Mỹ có thể mất cả chì lẫn chài - Ảnh 1.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Susan Thornton. Ảnh: Bloomberg/Getty

Lịch sử đã chứng kiến Tổng thống Lybia Gaddafi nhận kết cục cay đắng như thế nào sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân. Chính quyền thì sụp đổ còn bản thân ông Gaddafi thì thiệt mạng. Triều Tiên không muốn đi theo vết xe đổ này và đây là lý do mà họ không thể dừng việc phát triển vũ khí hạt nhân dù có bị trừng phạt đến mức độ nào đi chăng nữa.

Ngày 01/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ trên Twitter rằng: "Đàm phán Mỹ - Triều chỉ lãng phí thời gian". Nhưng chẳng lẽ chính quyền Mỹ lại vứt bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên thông qua biện pháp ngoại giao? 

Trên thực tế, không chỉ Ngoại trưởng Rex Tillerson, mà cả Bộ trưởng Quốc phòng James Matttis và Chánh Văn phòng Nhà trắng John Kelly vẫn đang kiên trì theo đuổi con đường ngoại giao. Những con người này đều đã có trải nghiệm về sự tàn khốc của chiến tranh, trong đó ông Kelly đã mất đi con trai trong cuộc chiến tại Afghanistan. 

Theo nguồn tin thân cận với chính quyền Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hàng ngày vẫn có vài cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Rex Tillerson về vấn đề Triều Tiên; đồng thời thuyết phục Tổng thống Donald Trump tránh sử dụng chính sách cứng rắn có thể dẫn đến chiến tranh, kể cả trong vấn đề Palestine. Dẫu vậy, biện pháp ngoại giao vẫn chưa mang lại thành công. 

Nếu công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân

Theo phân tích mới nhất của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA), Triều Tiên hiện sở hữu khoảng 60 quả bom hạt nhân và đã tiến hành thu nhỏ đầu đạn để gắn vào tên lửa đạn đạo; dự báo trong năm tới sẽ triển khai tên lửa đạn đạo (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân. 

Ngoài ra, cũng có khả năng Triều Tiên đã hoàn thành tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn đến Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Theo chuyên gia Hiro Akita, nếu thực tế là như vậy thì cộng đồng quốc tế không chỉ cần nỗ lực để ngăn cản Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân mà còn cần có chính sách đối phó trong trường hợp nước này đã sở hữu rồi. 

Trước đây, cố vấn an ninh quốc gia thời Tổng thống Obama Susan Rice và giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper từng đề xuất phương án cho phép chấp nhận kết quả điều tra được tiến hành bởi cơ quan quốc tế. Tuy nhiên, phương án này chứa đựng nhiều rủi ro. 

Theo đó, nếu từng bước thừa nhận vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thì sẽ dẫn đến nguy cơ Hiệp ước không phổ biển vũ khí hạt nhân (NPT) bị phá hủy. Trên thực tế tại Hàn Quốc, theo kết quả điều tra dư luận vào ngày 08/9, có tới 60% người dân tán thành với việc nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Hơn nữa, nếu Triều Tiên được công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thì uy lực hạt nhân của nước này sẽ tăng lên nhiều lần.

Theo một quan chức trong chính phủ Mỹ, nếu chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, số binh lính Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ hạt nhân và đó là đề án không thể chấp nhận.

Chính vì vậy, chỉ còn giải pháp tăng cường răn đe, kiềm chế, không để Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân; làm cho Triều Tiên hiểu được rằng trong trường hợp nước này tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và tất nhiên là cả Nhật Bản, Hàn Quốc thì chắc chắn "Mỹ sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân". 

Nguy cơ "mất cả chì lẫn chài"

Thực tế, Mỹ đã triển khai cuộc chiến tâm lý ở cấp độ cao nhằm vào Triều Tiên, thông qua những cảnh báo lạnh lùng và thông điệp mạnh mẽ như thường xuyên điều máy bay ném bom B1, máy bay ném bom chiến lược B52 đến khu vực để thực hiện nhiệm vụ tuần tra. 

Điểm mù trong chính sách ngăn chặn hạt nhân Triều Tiên: Mỹ có thể mất cả chì lẫn chài - Ảnh 3.

Máy bay ném bom B-1 được triển khai tới bán đảo Triều Tiên. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, nếu Triều Tiên hiểu sai về mục đích của các biện pháp răn đe này và khiến tình hình căng thẳng tăng cao thì Mỹ sẽ "mất cả chì lẫn chài". Trong khi đó, các dòng bình luận có phần khiêu khích mà ông Trump đăng trên Twitter nhằm phòng ngừa xung đột lại có vẻ đem về tác dụng ngược. 

Ông Akita cho rằng, cách Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc. Hàng năm, Nhật Bản và Mỹ đều tổ chức hội nghị về tăng cường khả năng răn đe, trong đó có chiến lược về hạt nhân và những đối thoại như vậy sẽ trở lên hết sức quan trọng.

Là nạn nhân duy nhất của vũ khí hạt nhân, Nhật Bản không thể từ bỏ các nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân dù rằng con đường này còn dài và nhiều chông gai. 

Điều cần phải né tránh nhất hiện nay đối với Nhật Bản là sự thiếu thận trọng trong việc chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, dẫn đến khả năng rơi vào trạng thái hoảng loạn mất phương hướng khi sự cố xảy ra, ông Hiro Akita kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại