Khi nào còn châu Phi sát cánh, Triều Tiên sẽ khó thất bại trước Mỹ

Quốc Vinh |

Với các quốc gia châu Phi, Triều Tiên đã làm cho họ những điều mà Mỹ chưa bao giờ làm được.

Những nước cờ xoay chuyển tình thế của Bình Nhưỡng

Đối mặt với thái độ cứng rắn của Triều Tiên cùng các vụ thử tên lửa lặp đi lặp lại, Mỹ đang tiến hành lập một điệp khúc quen thuộc: Tìm kiếm sự ủng hộ từ quốc tế để thắt chặt lệnh trừng phạt.

Chính quyền Trump đã có những thắng lợi liên tiếp tại Liên Hợp Quốc để cô lập thêm Bình Nhưỡng.

Khi nào còn châu Phi sát cánh, Triều Tiên sẽ khó thất bại trước Mỹ - Ảnh 1.

Mỹ luôn muốn tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế nhằm cô lập chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Washington cũng không thiếu những sai lầm trong quan hệ với các nước trên thế giới, đặc biệt là làm xấu đi mối giao hảo ở các quốc gia châu Phi.

Tuy nhiên, châu lục này đang cung cấp cho Triều Tiên một lối thoát dễ dàng trước áp lực trừng phạt, theo Foreign Policy.

Lý thuyết về trừng phạt của Liên Hợp Quốc rất đơn giản, nhưng trên thực tế nó còn tùy thuộc vào thái độ của các thành viên và nỗ lực của họ có đủ để buộc Triều Tiên phải bước vào bàn đàm phán hay không.

Đáng chú ý hơn, 8 lần nghị quyết đưa ra với mỗi lần càng khắc nghiệt hơn, nhưng Triều Tiên vẫn có nhiều cách để luồn lách khéo léo.

Câu hỏi lớn nhất luôn là Trung Quốc - huyết mạch kinh tế chính của Triều Tiên – có tuân thủ lệnh trừng phạt?

Dù câu trả lời là có hay không, Triều Tiên vẫn cho thấy sự sáng tạo của mình khi liên tục tìm kiếm các đối tác, bạn hàng xuất khẩu như một cách đề phòng một ngày Bắc Kinh không còn che chở.

Grant T. Harris, cựu quan chức Nhà Trắng phụ trách các vấn đề châu Phi cho rằng không chỉ là Bắc Kinh, quan hệ của Triều Tiên với các nước khác cũng có thể tạo ra sự khác biệt.

Trong đó, các nước châu Phi đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng đối với mục tiêu tìm kiếm nguồn ngoại tệ, nhằm phục vụ cho chương trình phát triển vũ khí trong nước.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc gần cho thấy, một số quốc gia châu Phi dường như có hoạt động buôn bán vũ khí với Triều Tiên và hai bên đang trở thành một liên minh chính trị vững chắc.

Quan hệ nồng ấm với châu Phi

Khi nào còn châu Phi sát cánh, Triều Tiên sẽ khó thất bại trước Mỹ - Ảnh 2.

Triều Tiên và các nước châu Phi có quan hệ khá nồng ấm.

Trong giai đoạn từ 2007-2015, giá trị thương mại giữa Triều Tiên và các quốc gia châu Phi nằm ở mức 216 triệu USD/ năm, Bình Nhưỡng có quan hệ làm ăn với 30 quốc gia.

Triều Tiên vẫn duy trì tốt mối quan hệ với Chính phủ các nước châu Phi một phần bởi hai bên đã có truyền thống hợp tác lâu năm.

Có thông tin cho rằng, Namibia đã cam kết sẽ cắt đứt quan hệ thương mại với quốc gia châu Á, nhưng vẫn chưa có động thái nào chứng minh cho điều này.

Hồi đầu năm nay, các quan chức cấp cao Namibia vẫn ca ngợi sự giúp đỡ to lớn của Triều Tiên trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời nói quan hệ ngoại giao hai nước là "rất nồng ấm".

Tương tự như vậy, Tổng thống Uganda từng nhiều lần ca ngợi tình hữu nghị với Triều Tiên trong những năm qua (mới nhất là tháng trước), mặc dù nước này đang tiến hành các bước đi cắt đứt quan hệ quân sự theo lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc.

"Chính quyền Trump dường như đang quá tập trung vào Trung Quốc trong yêu cầu gây áp lực lên Bình Nhưỡng, mà quên đi mất châu Phi cũng rất quan trọng", ông Grant T. Harris nhận định.

Cựu quan chức Nhà Trắng cho rằng, Triều Tiên có thể tăng sự tương tác với các nước châu Phi để tìm kiếm nguồn tài chính và tranh thủ sự ủng hộ về chính trị, thay vì chỉ trông chờ vào Trung Quốc.

Điều này sẽ khiến Washington càng khó hơn trong việc đối phó hơn với chương trình hạt nhân của quốc gia châu Á, đồng thời lệnh trừng phạt cũng trở nên mất tác dụng.

Mỹ thiếu củ cà rốt

Khi nào còn châu Phi sát cánh, Triều Tiên sẽ khó thất bại trước Mỹ - Ảnh 3.

Bữa tiệc giữa Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo châu Phi.

Trong một bước đột phá ngoại giao hiếm có, Tổng thống Donald Trump đã tổ chức một bữa tiệc với sự có mặt của nhiều nhà lãnh đạo châu Phi ở New York hồi tháng Chín.

Tại đây, ông kêu gọi những người đồng cấp cùng "sát cánh bên nhau và chịu trách nhiệm" trong việc thực hiện biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, thuyết phục châu Phi và các nước khác thực sự cô lập Triều Tiên sẽ đòi hỏi đòn bẩy ngoại giao lớn mà Mỹ khó đáp ứng.

Không chỉ có chính quyền Trump dành rất ít sự chú ý đến châu Phi, ngay cả ngân sách đề xuất về ngoại giao, viện trợ và thương mại đối với châu lục này cũng rất khiêm tốn.

Trong khi đó, nhiều Đại sứ quán Mỹ ở châu Phi thậm chí vẫn còn chờ sự bổ nhiệm Đại sứ mới và chính sách cụ thể của Washington ở nơi đây, dù Tổng thống đã lên nắm quyền được gần một năm.

Tất cả điều này dẫn đến nhận thức rằng, các nước châu Phi sẽ mất niềm tin vào Mỹ dẫn đến việc họ ít có động lực để cắt đứt quan hệ với Triều Tiên, thực thi lệnh trừng phạt một cách hời hợt và hạn chế chia sẻ thông tin tình báo.

Trong khi đó Triều Tiên sẽ thành công trong trò chơi ngoại giao với việc đầu tư hạ tầng cơ sở (có thể là bán vũ khí) với nguồn lực và cam kết lớn hơn nhiều so với Mỹ.

Sẽ rất dễ hiểu nếu như lục địa này lựa chọn quốc gia châu Á thay vì cường quốc số một thế giới.

"Washington sẽ cần một chiến lược tốt hơn. Chính quyền Trump cần phải duy trì mối quan hệ mạnh mẽ và nhất quán với các Chính phủ châu Phi", ông Grant T. Harris nêu quan điểm.

"Trong đó tiếp tục tăng thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác quân sự và mở rộng các mối quan hệ văn hóa", chuyên gia này nhấn mạnh.

Hơn hết cả, mối quan hệ đó phải bắt nguồn từ sự tôn trọng lẫn nhau giống cách Triều Tiên đã làm chứ không theo kiểu "ban ơn, viện trợ".

Đây không phải là vùng đất mới đối với Mỹ, nhưng bất kỳ mối quan hệ xao nhãng nào sẽ dễ bị phai mờ và bỏ quên.

Với việc hiểu sai về tầm quan trọng trong quan hệ song phương sâu rộng với các đối tượng cần thiết, Tổng thống Trump đang vô tình hạn chế lựa chọn của mình trong việc trấn áp Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại