Điểm mù khiến bạn thất bại: Ngỡ mình đang trên đường với một bình đầy nhiên liệu, nhưng thực tế là bình xăng đã sớm cạn từ lâu

Như Quỳnh |

Sống ở đời, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Chỉ bằng cách học cách đối phó hiệu quả, tác động tiêu cực của thất bại mới có thể được giảm thiểu. Ngoài việc nên học cách đối mặt với nó và tìm ra sức mạnh để kiên trì và rút kinh nghiệm sau những thất bại, chúng ta cũng cần phải học cách dũng cảm đối mặt với những thử thách trong tương lai.

Trong cuộc sống, khó khăn, thử thách, thất bại là điều không ai có thể tránh khỏi, nguyên nhân khiến con người ta nảy sinh ra cảm giác thất vọng chán nản đó là bởi thực tế không tương đồng với kì vọng. Những kì vọng này xuất phát từ đâu? Làm sao để thay đổi hiện trạng? Làm sao để tâm thái có những thay đổi tích cực? Khi lý tưởng và hiện thực xuất hiện sự chán nản, cảm giác tuyệt vọng cũng theo đó mà được sinh ra, vì vậy, làm sao để chung sống hòa bình với thất bại cũng là một bài học rất quan trọng.

Chẳng ai lại thích thất bại cả, nhưng cũng chẳng ai có trốn tránh được nó. Tuy nhiên, thất bại không phải là tận thế, cũng không phải kết quả phán định cuối cùng. Chuyên gia tâm lý học và khoa học não bộ người Mỹ, Tim Bono trong cuốn sách mang tên "When Likes Aren’t Enough" của mình chia sẻ rằng có nhiều cách để biến những thất bại trở nên có ý nghĩa, hay biến những thất bại tạm thời thành thành công lâu dài.

Thế nào là trạng thái "đầy xăng"?

Trước khi bắt đầu khám phá kỳ vọng của con người là gì, chúng ta hãy xem cách nó được hình thành. Chúng ta dựa trên cơ sở nào để đánh giá vị trí của mình trong thế giới này, và đánh giá tương lai của chúng ta sẽ thành công hay thất bại?

Trong hai năm cuối ở đại học, tôi từng làm chức vụ quản lý sinh viên kí túc xá. Trước khi bắt đầu năm học mới, mọi quản lý kí túc đều phải tham gia một khóa tập huấn kéo dài 14 ngày, trong đó có 3 ngày được đi cắm trại ngoài trời tại một ngoại ô phía nam thành phố, cách khoảng 2 tiếng đi xe ô tô.

Theo kế hoạch thì đáng lẽ sau hai tiếng chúng tôi đã đến nơi, nhưng đang đi trên đường, chiếc xe buýt màu vàng xinh đẹp chở 60 con người bỗng dừng lại. Chúng tôi hoang mang, quay sang nhìn nhau, không biết xảy ra chuyện gì. Người tổ chức hoạt động cũng hoang mang không kém sinh viên chúng tôi. "Còn chưa tới nơi mà, sao lại dừng lại thế", tôi nghĩ trong đầu, rồi theo phản xạ, tất cả chúng tôi nhìn về phía tài xế.

Bác tài xế cũng rất lúng túng và nổ máy lại định khởi động xe, động cơ phát ra tiếng ồn, nhưng chiếc xe không di chuyển. "Sao lại thế nhỉ!", bác ngại ngùng trả lời.

Sau khi kiểm tra hết một lượt, cuối cùng phát hiện ra là vạch chỉ xăng xảy ra vấn đề, kim của nó luôn chỉ ở mức đầy xăng, trong khi trên thực tế, xe đã hoàn toàn hết xăng, thì ra chiếc kim vẫn luôn bị kẹt ở đó. Cuối cùng, nhờ một người dân tốt bụng cho xăng nên chúng tôi mới tới được nơi cắm trại.

Ở một góc độ nào đó mà nói, chiếc xe có vạch chỉ xăng bị kẹt này giống với rất nhiều thanh niên ở độ tuổi 20.

Ngay từ khi còn học mẫu giáo, chúng ta đã được "đổ" đầy tư tưởng "tôi rất đặc biệt", cũng giống như chiếc kim luôn ở vạch đầy xăng vậy. Tiếp theo sau đó, thầy cô, cha mẹ hay những người dẫn dắt khác vốn không hề đổ thêm nhiên liệu cho bình tư tưởng ấy, nhưng lại luôn không ngừng khích lệ, giống như luôn cố gắng giữ cho chiếc kim ở vạch đầy nhất, nó khiến chúng ta tin rằng mình có đủ năng lượng, tin rằng mình tất nhiên sẽ có thể thản nhiên bước tới con đường thành công một cách dễ dàng, mà chưa bao giờ thèm nghĩ xem con đường phía trước có nhiều chông gai và gập ghềnh ra sao.

Điểm mù khiến bạn thất bại: Ngỡ mình đang trên đường với một bình đầy nhiên liệu, nhưng thực tế là bình xăng đã sớm cạn từ lâu - Ảnh 1.

Ý nghĩa tồn tại của khó khăn, thất bại

Khi một người chịu đả kích, ảnh hưởng tới anh ta không chỉ dừng lại ở việc cảm giác giá trị của bản thân giảm xuống, mà tệ hơn đó là nó khiến anh ta không dám mạo hiểm, cũng không dám nỗ lực hết sức nữa. Trong khi trên thực tế, thất bại là một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong cuộc sống. Muốn tránh nó, gặp nó là muốn vòng đường khác, thì kết quả chỉ có thể là "nhất sự bất thành".

Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng, với một người có lòng tự tôn cao, khi con đường tới với mục tiêu không được thuận lợi, họ sẽ chủ động đi tìm con đường khác, cứ tìm cứ tìm, bao giờ tìm thấy thì thôi. Điều này vừa hay đối lập với những người có lòng tự tôn thấp: với những người không đủ tự tin, cảm giác thất bại sẽ khiến họ nhụt chí, mất đi nhiệt huyết theo đuổi mục tiêu.

Trong nghiên cứu, những người xuất sắc nhất không phải là người gặp ít thất bại trong cuộc sống nhất, mà là những người đã phải trải qua những khó khăn và thử thách nhất định. Số lượng và mức độ của những khó khăn này đều nằm ở mức giữa: không quá nhiều mà cũng chẳng quá ít, không quá vất vả nhưng cũng không quá nhẹ nhàng, mức độ vừa đủ. Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, những người bắt buộc phải đối mặt và giải quyết những thử thách ở "mức độ vừa", thường là những người luôn cảm thấy hạnh phúc nhất.

Lợi ích của việc đối mặt với một vài khó khăn và thách thức trong cuộc sống không chỉ là cải thiện các chức năng tinh thần và thể chất.

Khó khăn mà một người từng trải qua khi còn nhỏ còn có thể giúp dự đoán khả năng chống lại những thất bại của anh ta khi trưởng thành. Vì đây là một nghiên cứu kéo dài trong nhiều năm, các nhà khoa học đã theo dõi phản ứng của người tham gia trước những thách thức trong cuộc sống của họ trong một thời gian dài. Trong số những người tham gia này, một số đã ly hôn, một số mất việc, và nhiều người đã trải qua sự chia ly mãi mãi với người thân và bạn bè. Tại thời điểm này, họ cũng sẽ làm mới trạng thái tinh thần của mình, điều này cho phép các nhà khoa học hiểu được những khó khăn này ảnh hưởng đến con người như thế nào và họ mất bao lâu để thoát khỏi tình trạng khó khăn ấy.

Vậy thì, điều gì có thể giúp dự đoán khoảng thời gian để một người phục hồi sau nghịch cảnh? Câu trả lời là: những lần thất bại đã trải qua trước đó. So với những người chưa từng trải qua thất bại, những người từng trải qua đau khổ và đã vượt qua được nó sẽ phục hồi nhanh hơn khi gặp khó khăn lần nữa. Thực tế đã chứng minh rằng kinh nghiệm thất bại trước đây đã giúp họ tích lũy năng lượng tâm lý cần thiết đủ để sử dụng để vượt qua khó khăn. Đây là mặt tích cực mà khó khăn, thử thách có thể mang lại cho chúng ta: nó khiến chúng ta mạnh mẽ hơn khi đối mặt với khó khăn trong tương lai.

Điểm mù khiến bạn thất bại: Ngỡ mình đang trên đường với một bình đầy nhiên liệu, nhưng thực tế là bình xăng đã sớm cạn từ lâu - Ảnh 2.

Đối mặt với khó khăn, thất bại, một kĩ năng mà ai cũng nên rèn luyện

Cũng giống như chơi piano, thắt dây giày hay học ngoại ngữ, đương đầu với thất bại cũng là một kỹ năng có được thông qua học tập và thực hành liên tục. Nếu một đứa trẻ chưa bao giờ thực hành chơi các thang âm, chúng sẽ không bao giờ chơi được các bản Sonata của Beethoven. Tương tự như vậy, một người chưa từng trải qua những khó khăn gian khổ trước đó sẽ không thể có đủ tinh thần dẻo dai để đối mặt với những thử thách có mức độ nặng hơn giữa các cá nhân hay áp lực công việc.

Sống ở đời, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Chỉ bằng cách học cách đối phó hiệu quả, tác động tiêu cực của thất bại mới có thể được giảm thiểu. Ngoài việc nên học cách đối mặt với nó và tìm ra sức mạnh để kiên trì và rút kinh nghiệm sau những thất bại, chúng ta cũng cần phải học cách dũng cảm đối mặt với những thử thách trong tương lai.

Những người thực sự thành công sẽ không bị động chờ đợi, mà sẽ chủ động xuất kích.

Mùa xuân năm ngoái, tôi yêu cầu học sinh của mình viết ra một thử thách mà các em ấy đã trải qua. Một trong những học sinh đã viết rằng thử thách mà em ấy gặp phải là tham gia một lớp vật lý mức độ khó, em ấy thấy mình khó mà theo được. Trên thực tế, ngay sau khi tham gia buổi học đầu tiên, em ấy đã vội đưa ra kết luận rằng mình nhất định sẽ không thể theo được. Bản thân em ấy cũng nói: "Em thật sự chưa bao giờ thấy mình học được môn Lý, em chỉ mong mình đạt trên trung bình môn này là được lắm rồi."

Cũng giống như nhiều học sinh khác, em ấy quy những khó khăn mà mình gặp phải trong môn học này về cho việc em ấy không giỏi nó. Điều khiến tôi thấy tò mò không phải là khi em ấy nói mình không giỏi môn Lý, mà là làm sao em ấy đưa ra được kết luận như vậy. Đứng từ góc độ của em ấy, chỉ có hai đáp án: hoặc là đủ thông minh để hiểu được môn học này, hoặc là không thông minh nên không thể hiểu gì. Cá nhân em ấy cũng dành cho mình một khoảng thời gian để đi tìm cho mình đáp án thích hợp nhất. Ở lần thi thứ nhất, điểm của em ấy không cao, em ấy thấy mất phương hướng, nó dường như càng làm rõ thêm cho cái luận điểm rằng: mình quả thực không giỏi môn này.

Điểm mù khiến bạn thất bại: Ngỡ mình đang trên đường với một bình đầy nhiên liệu, nhưng thực tế là bình xăng đã sớm cạn từ lâu - Ảnh 4.

May mắn là, khi học kì sắp kết thúc, em ấy đã hoàn toàn thay đổi được cục diện bị động trước đó. Em ấy tự tin hoàn thành hết các bài tập về nhà, thành tích học tập, điểm số cũng có bước tiến rất lớn. Bước ngoặt xảy ra là khi em ấy ý thức được rằng, vấn đề mấu chốt không phải là vì em ấy đang học về từ trường hay mạch điện, không phải vì em ấy giỏi hay không giỏi, mà nằm ở thái độ học tập. Ngoài sự tự tin đúng đắn giúp em ấy có dũng khí đối mặt với thử thách, cô học sinh này còn nắm vững một đặc điểm quý giá mà những người thành công có được khi đối mặt với nghịch cảnh: tâm thái đúng đắn.

Luôn lựa chọn những điều dễ dàng, hoặc khi gặp khó khăn sẽ cầu cứu người khác, đó là một lựa chọn, hơn nữa còn là một lựa chọn khá "mỳ ăn liền", nhưng dũng cảm đối diện trực tiếp với khó khăn mới giúp nâng cao sự tự tin và nhiệt huyết của một người. Nếu không, chúng ta sẽ giống như chiếc xe buýt chở sinh viên màu vàng xinh đẹp bị hỏng giữa vùng hoang vu: chúng ta tưởng rằng mình đang trên đường với một bình đầy nhiên liệu, nhưng thực tế là bình xăng đã sớm cạn từ lâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại