Nhà thầu ngoại cũng dính nhiều lỗi
Theo kết quả công bố của Bộ GTVT, trong tổng số 474 nhà thầu xây lắp được đánh giá năm 2016 có 453 nhà thầu xây lắp đáp ứng yêu cầu và 21 nhà thầu xây lắp trung bình.
Trong số 21 nhà thầu nằm trong nhóm đáp ứng trung bình, có nhiều đơn vị danh tiếng đến từ nước ngoài như: POSCO, LOTTE, SAMWAN, DOOSAN, Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
“Chung mâm” trong nhóm này còn có một số tên tuổi lớn trong nước như: Tổng công ty XDCTGT5 (CIENCO5), Tổng công ty Thành An, Tổng công ty Xây dựng số 1…
Ngược lại, đứng đầu danh sách các nhà thầu trong nhóm đáp ứng yêu cầu vẫn là những cái tên quen thuộc trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông như: CIENCO4, Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường.
Cần nghiên cứu áp dụng kết quả đánh giá vào công tác đấu thầu
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, kết quả đánh giá xếp hạng các nhà thầu xây lắp phản ánh uy tín và danh dự của các nhà thầu. Tuy nhiên, để công tác này thiết thực và hiệu quả, các cơ quan chức năng cần phải ban hành chế tài áp dụng kết quả xếp hạng vào quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tại các dự án.
"Tôi cho rằng, để lựa chọn nhà thầu tốt nhất cho các dự án cần có phương pháp đánh giá tổng hợp, bao gồm cả năng lực, kinh nghiệm, giá cả và làm như vậy công tác đánh giá xếp hạng nhà thầu sẽ ngày càng có nhiều ý nghĩa hơn. Nếu áp dụng lựa chọn nhà thầu theo giá cả bỏ thầu thuần túy hiện nay, chỉ cần nhà thầu không bị liệt vào danh sách đen là có thể tham gia đấu thầu được. Nhà thầu xếp hạng 200-300 về mặt năng lực cũng giống nhà thầu xếp thứ nhất, thứ hai. Như vậy, sẽ không tạo được hiệu quả thiết thực nhất cho công tác đánh giá, xếp hạng nhà thầu", ông Long nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, kết quả công bố của Bộ GTVT căn cứ trên cơ sở tổng hợp của chủ đầu tư, ban QLDA đánh giá tình hình thực hiện của nhà thầu xây lắp trong năm 2016.
Các tiêu chí đánh giá dựa trên những diễn biến thực tiễn trên hiện trường như: Công tác huy động tài chính, máy móc; Khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình; An toàn lao động; Giải quyết các thủ tục thanh toán, nghiệm thu và việc thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình.
Theo đó, nhà thầu có trên 6 lỗi/gói thầu hoặc từ 21 lỗi trở lên/các gói thầu hoặc có từ một vi phạm trở lên trong các gói thầu sẽ bị đánh giá là “chưa đáp ứng yêu cầu”.
Nhà thầu có 4-6 lỗi/gói thầu hoặc từ 8-20 lỗi/các gói thầu sẽ được đánh giá ở mức trung bình, còn lại nhà thầu được đánh giá “đáp ứng yêu cầu” phải đáp ứng tiêu chí có từ 3 lỗi trở xuống/gói thầu hoặc từ dưới 8 lỗi/các gói thầu và không có vi phạm trong quá trình thực hiện.
“Các lỗi của nhà thầu đều được chủ đầu tư, Ban QLDA đánh giá khách quan, công bằng. Bất cứ lỗi nào cũng đều được lập biên bản, hồ sơ kèm theo và có sự xác nhận của các bên có liên quan”, ông Hiển nói.
Theo thông tin của Báo Giao thông, hầu hết các nhà thầu ngoại đến từ Hàn Quốc nằm trong nhóm đáp ứng trung bình như: POSCO, LOTTE, SAMWAN, DOOSAN đều do dính lỗi tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN làm chủ đầu tư).
Điển hình, LOTTE bị 5 lỗi tại gói thầu A1 và 5 lỗi tại gói thầu A4 gồm: Tổ chức thi công, tiến độ thi công tổng thể, tiến độ thi công chi tiết, đảm bảo vệ sinh môi trường, thanh toán. POSCO bị 5 lỗi tại gói thầu A5 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Tiến độ thi công tổng thể, tiến độ thi công chi tiết, chất lượng thi công, đảm bảo ATGT, đảm bảo vệ sinh môi trường).
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng đưa hàng loạt nhà thầu từng có nhiều danh tiếng trong nước vào nhóm đáp ứng trung bình như: CIENCO5 (4 lỗi tại gói thầu A1), Đông Mê Kông (4 lỗi tại gói thầu số 7), Tổng công ty Thành An (4 lỗi tại gói thầu số 6)…
Trong khi đó, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc được Ban QLDA Đường sắt đánh 4 lỗi (huy động máy móc thiết bị, tiến độ thi công tổng thể, tiến độ thi công chi tiết, an toàn lao động) tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Thi công tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Hiệu ứng tích cực
Ông Phan Quang Hiển cũng cho biết, kết quả đánh giá việc thực hiện của nhà thầu xây lắp là một trong các kênh thông tin để tham khảo, xem xét trong quá trình lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định đầu tư đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
"Qua 5 năm triển khai, chủ trương đánh giá kết quả thực hiện nhà thầu xây lắp của Bộ GTVT đã mang lại những hiệu ứng rất tích cực.
Các nhà thầu ngày càng nhận thức được trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng và tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng trong hoạt động xây dựng.
Điển hình là số lượng nhà thầu xây lắp đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng, còn các nhà thầu chưa đáp ứng liên tục giảm mạnh qua các năm", ông Hiển nói và dẫn chứng, năm 2015, có 406 nhà thầu xây lắp đáp ứng yêu cầu, 26 nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu và 48 nhà thầu đáp ứng trung bình.
Trong khi đó, năm 2016, số lượng nhà thầu đáp ứng yêu cầu là 453, đáp ứng trung bình là 21 và không có nhà thầu nằm trong nhóm chưa đáp ứng yêu cầu.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long cho biết, việc Bộ GTVT đánh giá kết quả thực hiện của các nhà thầu xây lắp trong 5 năm qua là chủ trương rất đúng đắn và thiết thực, bởi kết quả đánh giá sẽ phản ánh uy tín của các nhà thầu.
"Từ kết quả xếp hạng, các nhà thầu sẽ biết được mình đang đứng ở đâu để từ đó tiếp tục nỗ lực cố gắng, không ngừng hoàn thiện nhằm đảm bảo thực hiện thi công các dự án giao thông đạt hiệu quả cao nhất", ông Kiên nói và cho rằng, để việc đánh giá nhà thầu xây lắp ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, trên cơ sở các quy định của Luật Đấu thầu và pháp luật hiện hành, Bộ GTVT cần thiết xây dựng chế tài để đưa kết quả đánh giá thực hiện của nhà thầu xây lắp vào trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tại các dự án sử dụng vốn ngân sách do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định đầu tư.