Vụ Tập đoàn Thuận An
Theo Trung tướng Tô Ân, Người phát ngôn Bộ Công an, quá trình điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 8 bị can.
Trong đó, bị can mới nhất là ông Dương Văn Thái , nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ông Thái bị bắt tạm giam ngày 1/5 vừa qua.
Cùng vụ án, trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà , Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Theo kết quả điều tra bước đầu cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2023, Tập đoàn Thuận An trực tiếp hoặc cùng liên danh đã tham gia và trúng 38 gói thầu (tại 16 tỉnh, thành phố) với tổng giá trị trên 23.000 tỷ đồng. Riêng năm 2022-2023 đã trúng nhiều gói thầu với tổng trị giá trên 18.000 tỷ đồng; trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, các bị can Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Tập đoàn Thuận An), Phạm Thái Hà, Dương Văn Thái và nhiều bị can khác khai báo với thái độ thành khẩn, đã làm rõ bản chất của vụ án, một số đã chủ động khắc phục hậu quả thiệt hại.
Cơ quan điều tra Bộ Công an kêu gọi những ai mắc sai phạm trong vụ án kể trên hãy trung thực báo cáo với tổ chức hoặc tự thú để được hưởng khoan hồng.
23 bị can bị khởi tố liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn
Về vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam tổng cộng 23 bị can, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, như: bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Phạm Hoàng Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Lê Viết Chữ - cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và ông Cao Khoa - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Các bị can là cựu quan chức nêu trên đều bị cơ quan điều tra bắt tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ.
Thông tin về vụ án, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an nói rằng đây là vụ án lớn, xuất hiện một dạng tội phạm mới rất nguy hiểm.
“Thông qua điều tra vụ án, lời khai của một số bị can, chúng tôi thấy Nguyễn Văn Hậu đã có những hành vi chi phối, lũng đoạn, gây áp lực, ép một số bị can nguyên là ủy viên ban thường vụ, thậm chí là thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để trục lợi. Để làm được việc này, họ đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn để thực hiện. Bộ Công an coi hành vi này là rất nguy hiểm, là một dạng tội phạm mới, không chỉ gây thiệt hại đối với tài sản của nhà nước và của nhân dân, mà còn có ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, làm xấu hình ảnh của đảng, của chính quyền nhân dân” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho hay.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, qua điều tra ban đầu, C03 xác định, ông Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu (Hậu "Pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn) để tạo điều kiện cho tập đoàn này thực hiện dự án chợ đầu mối Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến nay, cơ quan điều tra hiện đã thu hồi 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại. Đồng thời đang rà soát, kê biên, phong tỏa nhiều tài sản có giá trị của các bị can và những đối tượng có liên quan, phục vụ công tác thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả.
Vụ án liên quan sai phạm tại Dự án Đại Ninh
Quá trình điều tra vụ án "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, ngày 30/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2024, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng (Dự án do công ty của đại gia Nguyễn Cao Trí làm chủ đầu tư).
Mở rộng điều tra vụ án, xác định, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến Dự án Đại Ninh, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
CQĐT xác định, hành vi của ông Trần Đức Quận phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Không chỉ các cán bộ nêu trên của tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố vì "nhúng chàm" trong vụ án này, trong tháng 8/2023, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ, cũng bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn để làm trái chức trách và nhiệm vụ được giao trong việc giải quyết thanh tra và khiếu nại liên quan đến dự án Công ty Sài Gòn - Đại Ninh.