Ngày 16-12, tin từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Sóc Trăng cho biết Hội đồng KH-CN chuyên ngành của tỉnh vừa tiến hành nghiệm thu đề tài "Đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng".
Đề tài này được thực hiện từ tháng 10-2015 đến tháng 11-2017, do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (TP HCM) chủ trì.
Mục tiêu của đề tài là nhằm đánh giá những tác động của các loài thủy sinh vật ngoại lai có lợi và hại đến môi trường sống của các loài thủy sinh vật bản địa, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực để quản lý những loài sinh vật ngoại lai này; xác định sự phân bố của thủy sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về tác động của các loài thủy sinh vật ngoại lai...
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, trong 62 loài sinh vật ngoại lai được nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác động đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên, có 27 loài ngoại lai đã xuất hiện ở môi trường tự nhiên, trong đó có 5 loài được xếp vào hạng "mối nguy cao", gồm: cá lau kiếng, cá rô phi thường, cá rô phi vằn, cá chim trắng và ốc bươu vàng.
Ngoài ra, có 35 loài sinh vật ngoại lai chỉ xuất hiện tại các cửa hàng kinh doanh cá cảnh, không thuộc mối nguy cao.
Cá lau kiếng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được du nhập vào Việt Nam qua đường kinh doanh cá cảnh, chủ yếu nhập từ Hồng Kông và Singapore. Ảnh: Dân Việt
Cá chim trắng là một loài được du nhập về từ Nam Mỹ, là loài săn mồi theo đàn, ăn tạp và rất hung dữ. Nếu chúng bị thoát ra ngoài tự nhiên sẽ là một nguy cơ lớn đối với các sinh vật bản địa. Ảnh: N.P.T
Cá rô phi vằn được nhập vào nước ta từ giữa thập niên 90 và hiện đang được nuôi rất phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Ảnh: N.NÔNG
Ốc bươu vàng du nhập vào Việt Nam từ những năm 80, xếp vào danh sách bị cấm nuôi và cần tiêu diệt ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nó đang "bành trướng" ở ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH