Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/6 xác nhận tổ hợp tên lửa S-350 Vityaz lần đầu tiên bắn hạ máy bay Ukraine ở chế độ tự động sau nhiều tháng triển khai trên chiến trường.
S-350 Vityaz là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung đa kênh di động do tập đoàn Almaz-Antey phát triển dành cho lực lượng tên lửa phòng không của Nga. Nó được điều khiển bởi hệ thống điều khiển tự động – một máy tính có sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Tổ hợp tên lửa S-350 Vityaz. Ảnh: Wikipedia
Rất khó để xác định thông tin chi tiết về phần cứng máy tính mà S-350 sử dụng. Theo một số báo cáo, máy tính này có thể xác định độc lập loại tên lửa nào hiệu quả nhất trong việc chống lại một mục tiêu cụ thể. Sau khi xác định các tham số cần thiết, nó có thể phác thảo quá trình tiêu diệt mục tiêu, đồng thời tính toán lực lượng hoặc cơ sở trực thuộc nào cần phải điều động để đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Hoạt động tổ hợp tên lửa S-350 Vityaz đã cho thấy tầm quan trọng của các loại vũ khí được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trên chiến trường. Trong bất cứ trường hợp nào, sự hỗ trợ của AI sẽ giúp giảm thời gian phản ứng, gia tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu. Vậy Nga đã tích hợp AI vào vũ khí của nước này như thế nào và chúng được sử dụng cho mục đích gì? Để trả lời các câu hỏi này trước hết cần phải hiểu rõ định nghĩa về AI.
AI là một nhánh của khoa học máy tính nhằm tạo ra một cỗ máy có thể sở hữu khả năng nhận thức tương đối giống con người, trong đó có cả khả năng học hỏi, suy luận, giải quyết vấn đề và giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên. Nhưng đến thời điểm hiện tại, một cỗ máy như vậy vẫn chưa ra đời.
Điều thường được nói đến các cuộc thảo luận hiện nay, chủ yếu là trí tuệ nhân tạo hẹp (ANI) – một phiên bản của AI hướng đến mục tiêu cho phép máy tính giải quyết một nhóm nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như chơi cờ, viết bài luận hoặc bắn hạ các mục tiêu trên không.
Lịch sử tích hợp AI vào vũ khí của Nga
Các công ty quốc phòng Nga đã nỗ lực tích hợp ANI vào sản phẩm của họ trong nhiều thập kỷ, với cơ chế thiết lập tính năng tự động hóa cơ bản trong các loại vũ khí có độ chính xác cao. Chẳng hạn, các dòng tên lửa hành trình chống hạm Granit và Oniks sở hữu những máy tính tinh vi về mặt toán học, có thể tự động lựa chọn, ưu tiên và phân biệt mục tiêu bằng cách sử dụng thông tin thu thập được trong suốt chuyến bay. Chúng cũng có thể phối hợp theo nhóm, tránh vũ khí tác chiến điện tử và hệ thống phòng không của đối phương, thậm chí chuyển hướng hỏa lực từ phòng thủ sang tấn công.
Granit được tích hợp công nghệ vi mạch điện tử của những năm 1980, còn Oniks ra đời từ những năm 2000 có các thuật toán phức tạp hơn nhờ sự tiến bộ trong khoa học máy tính.
Tàu vũ trụ con thoi Buran cũng là một ví dụ nổ bật về việc sử dụng ANI được mã hóa. Con tàu này từng bay vào vũ trụ năm 1988, sau đó quay trở lại Trái đất và hạ cánh xuống Sân bay vũ trụ Baikonur mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của con người. Máy tính 16-bit của con tàu đã tự điều chỉnh và thay đổi hướng đi dựa vào các điều kiện trong không gian để tạo ra một chuyến bay thành công.
Những hệ thống phòng thủ tên lửa xung quanh Moscow cũng được cho là đã vận dụng yếu tố tự động hóa ANI. Chẳng hạn hệ thống radar Don-2N trên mặt đất tự động phát hiện mục tiêu và gợi ý cách thức hành động cho người điều khiển. Nếu quyết định đánh chặn được đưa ra, hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 Amur sẽ được kích hoạt. Hệ thống này có khả năng theo dõi và phát hiện mục tiêu hoàn toàn tự động, trong đó có thể phân biệt giữa mục tiêu thật và giả của đối phương và tiêu diệt những kẻ xâm nhập. Phiên bản nâng cấp của hệ thống này là A-235 Nudol vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Ngoài ra, không thể không kể đến Perimeter - một vũ khí vô cùng lợi hại của Moscow, được mệnh danh là Dead Hand (Bàn tay chết). Hệ thống này có thể khởi động khả năng răn đe hạt nhân của Nga một cách độc lập nhằm đáp trả một mối đe dọa hạt nhân. Perimeter sử dụng mạng lưới các hệ thống điều khiển cố định và di động để đánh giá hoạt động địa chấn, mức độ bức xạ, áp suất và nhiệt độ không khí, theo dõi tần số vô tuyến, cảnh báo sớm tên lửa. Sau khi phân tích các dữ liệu, hệ thống sẽ gửi thông tin cho Bộ Tổng tham mưu Nga nếu nghi ngờ khả năng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân. Nếu không nhận được phản hồi, hệ thống có thể tự đưa ra quyết định đáp trả.
AI sử dụng cho chiến tranh hiện đại
Nhận thức được tầm quan trọng của AI trong chiến tranh hiện đại, Bộ Quốc phòng Nga đã thành lập một cơ quan hỗ trợ việc chế tạo các loại vũ khí mới sử dụng AI. Trước đó, quân đội Nga được cho là đã đưa ra gói thầu trị giá 5,3 triệu USD để thực hiện dự án nghiên cứu triển khai AI trong các hệ thống quân sự. Dự án có tên gọi Kashtan, kéo dài trong khoảng thời gian 3 năm từ 2020 đến 2022.
Robot Marker tự động bắn hạ mục tiêu. Nguồn: Sputnik
Android Technics – công ty công nghệ của Nga chuyên về ứng dụng robot cho thị trường quân sự và dân sự cho biết, trong số các sản phẩm được tích hợp AI của họ có robot chiến đấu Marker - một phương tiện bọc thép bánh xích đa năng có thể được trang bị tên lửa chống tăng, máy bay không người lái cảm tử, súng máy và súng phóng lựu. Marker sử dụng mạng thần kinh nhân tạo cho phép chúng phát hiện và theo dõi chính xác chuyển động của các vật thể trên mặt đất và trên không, tiếp cận chúng và nếu nhận được lệnh khai hỏa chúng sẽ tự động bắn hạ mục tiêu.
Phương tiện chiến đấu không người lái bánh xích Uran-9 của Nga, do Kalashnikov Concern sản xuất, cũng có những khả năng riêng biệt nhờ sự hỗ trợ của AI. Phương tiện có thể phát hiện và tự động tránh chướng ngại vật hoặc tự động theo dõi mục tiêu. Uran-9 đã được sử dụng với vai trò hỗ trợ hỏa lực và trinh sát trong các cuộc tập trận quy mô lớn giữa Nga và Belarus vào năm 2021. Tuy vậy Nga vẫn chưa triển khai phương tiện này trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Phương tiện trang bị AI trên không và trên biển
Máy bay không người lái Sukhoi S-70 Okhotnik-B (viết tắt là "Hunter-B") cũng là một trong những ví dụ điển hình. UAV này có trọng lượng khoảng 20 tấn chuyên thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tấn công. Mẫu UAV này được thiết kế để hoạt động như một "cánh tay đắc lực" của chiến đấu cơ Su-57. Theo đó, máy tính trên Su-57 có thể điều phối hoạt động của S-70 khi chiến đấu nhờ liên kết dữ liệu có sự hỗ trợ của AI.
Nằm cuối trong danh sách vũ khí tích hợp trí tuệ nhân tạo của Nga là ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân Poseidon, được trang bị hệ thống dẫn đường sử dụng AI.
Poisedon về cơ bản là ngư lôi tự hành, được cung cấp năng lượng nhờ một lò phản ứng hạt nhân nhỏ, giúp nó có phạm vi hoạt động không giới hạn. Poseidon có thể giải quyết nhiều nhiệm vụ, ví dụ, hủy diệt căn cứ hải quân, các cụm quân, các căn cứ không quân ven bờ hoặc trên các đảo… Với sức công phá lên tới vài Megatone (theo nhiều nguồn tin là 10 Megatone), thiết bị lặn này có thể phá hủy bất kỳ khu vực nào trong bán kính vài km./.