Hằng năm, cứ đến ngày Quốc tế Nói dối là không ít các công ty, tổ chức hay hãng truyền thông lớn "góp vui" bằng những trò đùa thú vị. Sau đây là những màn lừa đảo nghe thì vô lý nhưng lại thuyết phục được không ít người:
Mỳ Ý mọc trên cây
Vào ngày 1/4/1997, chương trình Panorama của đài BBC (Anh) đưa tin người nông dân ở Thụy Sĩ vừa có một vụ mùa bội thu spaghetti nhờ mưa thuận gió hòa. Có không ít người xem ở Anh quốc đã nhẹ dạ cả tin và không khỏi trầm trồ hóa ra nước bạn đã lai giống được loài thực vật hữu ích này. Trong bản tin còn có đoạn phim chiếu cảnh các nông dân Thụy Sĩ kéo các sợi mì spaghetti từ các cành cây xuống.
Số Pi được xác định lại
Đầu tháng 4 năm 1998, các nhà làm luật ở bang Alabama (Mỹ) đã quyết định thông qua việc rút gọn số Pi thần thánh trong toán học từ 3.14159... thành 3 cho đơn giản. Đương nhiên, đây là trò đùa được lan truyền bởi một người đàn ông bình thường tên Mark Boslough. Không biết vì lý do gì lời đồn lại trở nên lan xa và không ít học sinh, sinh viên đã lỡ ăn mừng.
Trong thực tế, năm 1897, cơ quan lập pháp Ấn Độ từng đề xuất chuyển số Pi thành 3.2 cho tròn nhưng không thành công.
Tháp Effeil bị dỡ bỏ
Ngày 1/4/1986, tờ báo "quốc dân" của Pháp Le Parisien đưa tin trang nhất chính phủ Pháp quyết định sẽ dỡ bỏ tháp Eiffeil khỏi vị trí trung tâm thủ đô Paris. Sau khi dỡ bỏ, tháp sẽ được chuyển đến và dựng lại tại công viên Disneyland. Còn mảnh đất trung tâm sẽ dành cho việc xây sân vận động phục vụ cho Thế vận hội 1992. Cú lừa này đã khiến không ít người Pháp đau tim và hốt hoảng.
Burger King ra mắt bánh burger cho người thuận tay trái
Cá tháng Tư năm 1998, hãng Burger King tung chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm mới: Hamburger cho người thuận tay trái. Thành phần của chiếc này vẫn giống như bình thường nhưng cách sắp xếp thành phần sẽ đảo ngược 180 độ để phù hợp với người thuận tay trái.
Thông tin này ngay lập tức thu hút và khiến hội thuận tay trái phấn khích vì cảm thấy cuối cùng mình cũng được quan tâm. Thế nên lời đính chính "đây chỉ là trò đùa" sau đó của Burger King khiến không ít khách hàng hụt hẫng.
Google sản xuất đồ uống
Google là công ty khá thích trêu đùa khách hàng của mình khi thường xuyên tạo ra các trò đùa Cá tháng Tư hằng năm. Trong đó nổi tiếng nhất là vào 2005, hãng tuyên bố sắp lấn sân sang lĩnh vực sản xuất đồ uống với sản phẩm tên Google Gulp. Google quảng cáo thức uống này giúp tăng trí thông minh và còn low carb tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, ông lớn công nghệ này còn từng lừa sẽ ra các sản phẩm như Google Romance - dịch vụ mai mối, tính năng Gmail Custom Time có thể đổi giờ gửi email về quá khứ hay thậm chí có năm tuyên bố đã tìm được kho báu đảo hải tặc. Thế nhưng trong ngày Cá tháng Tư duy nhất Google nói thật là sẽ cung cấp dung lượng 1GB miễn phí cho người dùng Gmail, đa số không ai tin tưởng.
Phát hiện sự sống trên mặt trăng
Năm 1835, tờ New York Sun đã xuất bản một bài viết dài của nhà thiên văn học nổi tiếng John Herschel cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ra sự sống trên mặt trăng. Bài báo miêu tả chi tiết về cuộc sống của các loài động thực vật ở đó như những đàn bò rừng lang thang trên các bình nguyên và các con ngựa một sừng màu xanh sống trên những ngọn đồi. Với danh tiếng của nhà thiên văn học, đa số người đọc đều tin tưởng và trầm trồ trước phát hiện lớn này.
Tháp Big Ben chuyển thành đồng hồ điện tử
Năm 1980, đài BBC đưa tin biểu tượng của thủ đô London, niềm tự hào của Anh quốc là tháp Big Ben sẽ được cải tạo và đổi sang dạng đồng hồ điện tử để bắt kịp với thời đại mới. Tuy nhiên, trò đùa này không hề mang lại niềm vui cho nhà đài như mong muốn vì BBC đã bị chỉ trích vì "đùa dai" đến mức phải lên tiếng chính thức xin lỗi người dân.
Thomas Edison phát minh ra máy chế tạo đồ ăn
Nhà bác học huyền thoại Thomas Edison từng là "nạn nhân" bị mang ra lừa độc giả của tờ báo The Daily Graphic (Mỹ) năm 1878. Tờ báo này đưa tin ông đã phát minh ra được máy chế tạo đồ ăn tự động. Máy có thể sản xuất được đồ ăn thức uống từ nguyên liệu đất, nước và không khí. Bài báo mô tả cả cơ chế vận hành và niềm tin nó sẽ giải quyết được nạn đói cho nhân loại.
Trước sự tỉ mỉ của người viết, Thomas Edison gửi thư đến tòa soạn với vỏn vẹn vài từ "Thật là ngoạn mục". Tuy nhiên ông không hề tức giận vì ở dưới cùng bài báo đã chú thích đây chỉ là trò đùa nhưng nhiều độc giả quá lười để đọc hết, khi đọc đến tin về phát minh đã vui mừng đi gửi đơn đặt hàng đến nhà khoa học.