“Theo quan điểm của tôi, có một thế lực thứ ba ở đây, đó là khía cạnh của chính trị thế giới mà cả NATO cũng ‘bó tay’ để chống cự lại” - Vladimir Lepekhin, giám đốc Viện Cộng đồng kinh tế Á Âu, nhận định trên tờ RIA Novosti, theo Sputnik.
Ông nói tiếp: “Hai quốc gia Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ có vài điểm chung nhất định, được xác định bởi các nguyên nhân toàn cầu của tiến trình đang diễn ra trong lòng các nước này”.
Ông Lepekhin giải thích thêm rằng Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO duy nhất cố gắng duy trì các chính sách đối nội và đối ngoại độc lập. Đây là lý do tại sao hai nước này trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố và các lực lượng phá hoại khác.
Chuyên gia Lepekhin đã dẫn ví dụ về chính sách độc lập, đó là việc Pháp từ chối ủng hộ Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đang được đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) với Mỹ. Một ví dụ khác nữa là thông báo mới đây của Pháp rằng EU và Mỹ sẽ khó có thể hoàn tất đàm phán về hiệp định này vào cuối năm 2016.
“Tôi nghĩ rằng một thỏa thuận trong năm 2016 là không thể và mọi người đều biết điều đó”, Ngoại trưởng Pháp Matthias Fekl cho biết.
Thủ tướng nước này Manuel Valls cũng bày tỏ quan điểm tương tự, nói rằng không thể đạt được thảo thuận trên bởi hiệp định đi ngược lại lợi ích của EU.
Về trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, ông Lepekhin ví von, cuộc đảo chính mới đây như một “cú đâm vào ổ viêm” đang lớn lên từng ngày “như cỏ dại” trong lòng quốc gia này, khiến giới cầm quyền phải “vò đầu bứt tóc’.
“Từ thời điểm của ông Mustafa Kemal Ataturk (nhà sáng lập nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại), quân đội nước này phải trải qua nhiều loại quyền lực liên quan đến Tổng thống và chính phủ. Vì vậy, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bị phụ thuộc vào các tướng lĩnh NATO, và cả Mỹ”, chuyên gia giải thích.
Hiện trường sau cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-7. Ảnh: cnbc.com
Có thể thấy rằng thực tế đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại lại là quốc gia bị chi phối bởi thế lực bên ngoài. Đó là lý do đằng sau việc Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga.
Theo ông Lepekhin, trong tình huống này, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không có lựa chọn nào khác ngoài hoặc chọn giữ sự phụ thuộc hoặc tiếp tục theo đuổi chính sách độc lập của mình.
“Ông Erdogan dường như đã chọn phương án thứ hai, đó là lý do tại sao ông nhận được sự ủng hộ của nhiều phong trào chính trị khác nhau”, ông Lepekhin nói.
Chuyên gia cũng cho rằng việc ông Erdogan tăng cường quyền lực có thể dẫn tới quá trình Hồi giáo hóa hay độc tài, tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn phương án ít rủi ro nhất trong hai lựa chọn trên.