“Thủ khoa” vẫn trượt nguyện vọng 1
Ngay khi các trường công bố điểm chuẩn, trên mạng xã hội đã xôn xao bởi câu chuyện của thí sinh N.P.H (Thạch Thất, Hà Nội), dù được 29,25 điểm vẫn trượt và đau đớn nhìn bạn 25,75 điểm đỗ Đại học Y Hà Nội.
“Điểm chuẩn ngành Y đa khoa của trường ĐH Y Hà Nội là 29,25 kèm theo tiêu chí phụ gồm 4 ưu tiên, trong đó ưu tiên 1 là điểm xét tuyển chưa làm tròn 29,2.
Chính vì tiêu chí phụ này mà em đã thiếu 0,05 điểm để gục ngã trước cánh cổng thiên đường. Đây là một điều quá sức chịu đựng với em, nhất là khi em là thí sinh thi lại đại học” –N.P.H tâm sự.
Đặc biệt, có những bạn thực chất chỉ được 26 điểm, nhưng được cộng 3,5 điểm ưu tiên nên vẫn đỗ. H cho rằng điều này là bất công, vì điểm của mình là điểm học thật. Rất nhiều bạn khác đã dùng từ “thấu cảm” để động viên H, vì cũng chung cảnh ngộ.
Đấy là với các trường ngành y-dược, còn với các trường khối công an, quân đội, cuộc cạnh tranh giành suất vào đại học còn căng thẳng hơn nhiều.
Nếu các năm trước, 29 - 30 điểm là cầm chắc suất vào đại học trong tay, nhưng năm nay, thủ khoa vẫn có thể trượt nguyện vọng 1. Thí sinh dù đạt điểm tuyệt đối 3 môn thi, nhưng thiếu tiêu chí phụ vẫn trượt như thường.
Đến thời điểm này, Học viện An ninh nhân dân hiện đang đứng đầu bảng với điểm chuẩn 3 môn không nhân hệ số là 30,5 cho tổ hợp D01, nữ, ngành Ngôn ngữ Anh.
Tiếp đó, Đại học Phòng cháy chữa cháy có điểm chuẩn 30,25 cho tổ hợp A00 với thí sinh nữ miền Bắc. Học viện Kỹ thuật quân sự lấy 30 điểm cho tổ hợp A00, A01 với thí sinh nữ miền Bắc.
Với điểm chuẩn ở mức này, tức là thí sinh nữ đạt điểm tuyệt đối nếu ở khu vực 3 (không được cộng điểm ưu tiên khu vực) sẽ không có cơ hội đỗ vào những ngành này.
Không chỉ các trường khối công an, quân đội, y dược (vẫn có truyền thống điểm chuẩn cao), mà các trường khối kinh tế, kỹ thuật điểm chuẩn năm nay đạt mốc lỷ lục.
Cá biệt, các trường khoa học xã hội điểm chuẩn năm nay cũng tăng đột biến, có ngành lên đến 28,5 điểm (khoa Đông phương học, Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội).
Trước đó, khi điểm thi THPT quốc gia 2017 được công bố, nhiều chuyên gia đã dự đoán điểm chuẩn đại học năm 2017 sẽ có xu hướng tăng từ 0,5 - 2 điểm.
Nhưng thực tế, mức tăng cao hơn nhiều, có trường tăng đến 6 điểm so với năm trước. Sự khác biệt quá lớn khiến nhiều thí sinh sốc, dù chuẩn bị trước tâm lý, các em không ngờ với mức 26-27 điểm có nguy cơ trượt đại học.
Cay đắng trượt cả 3 nguyện vọng vì thiếu 0,25 điểm
“Mình là một đứa rớt đại học, rớt cả ba nguyện vọng. Mình đã nỗ lực hết một năm 12, ngày thi THPT quốc gia mình đã làm hết sức. Đến khi có điểm mình khá hài lòng với kết quả 26,75 điểm.
Suốt những ngày chờ đợi điểm chuẩn, mình đã mơ, đã dự tính cho cuộc sống sinh viên sau này, nhưng trả lại mình ngày hôm nay là chẳng có gì! Hiện giờ mình chẳng có sức để suy tính cho tương lai nữa, nỗi buồn này đã rút đi hết sức lực của mình, mình chỉ có thể khóc” – Thẩm Quyên(một thí sinh ở Đồng Nai) chia sẻ nỗi buồn khi trượt cả 3 nguyện vọng, chỉ vì thiếu 0,25 điểm.
Chưa bao giờ cuộc chiến làm tròn điểm và cộng điểm lại khiến các thí sinh hoang mang như năm nay, bởi chỉ cần hơn kém nhau 0,1 điểm thôi là đã thành “người đỗ kẻ trượt”.
Chưa kể với những chích sách cộng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng, một số thí sinh có thể được cộng từ 3,5 điểm nếu thuộc cả 3 nhóm đối tượng ưu tiên cộng điểm theo quy chế.
Nói về điều này, lãnh đạo một trường y cho rằng, đã là cuộc chơi thì thí sinh phải chấp nhận. Không thể “cào bằng”, hay đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối trong xét tuyển sinh đại học, cao đẳng vì điều kiện sống, học tập của thí sinh ở các vùng miền là khác nhau.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, khoảng cách điểm ưu tiên giữa khu vực 1 và khu vực 3 hiện nay quá lớn, Bộ GDĐT nên giảm xuống còn 0,25 điểm thay vì 0,5 điểm như trước đây. Bởi trong xét tuyển, chỉ hơn nhau 0,25 đã quyết định đỗ-trượt.