Chuyện tham gia các hoạt động như tiệc tùng, ăn chơi ngoài giờ làm sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ai cũng vui vẻ hưởng ứng. Tuy nhiên một số người đi làm không áp lực vì công việc mà luôn sợ đối mặt với những cuộc hẹn tụ tập cùng đồng nghiệp vì khoản tiền tiêu cho các buổi này quá khả năng.
Họ cảm thấy áp lực vì cho rằng đây là điều bắt buộc để hòa nhập với mọi người, xây dựng mối quan hệ bổ trợ cho công việc. Ngược lại, số khác lại xem chuyện này vô cùng đơn giản khi tỉnh táo lựa chọn các cuộc hẹn để tham gia.
KHI DÂN VĂN PHÒNG PHẢI RÚT HẦU BAO ĐỂ XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ CÙNG ĐỒNG NGHIỆP
Những tưởng chăm chỉ đi làm, cống hiến sức lao động để cuối tháng nhận lương nhưng thực tế dân văn phòng ngày nay còn phải "trích lương" cho nhiều khoản để hỗ trợ công việc của mình. Chẳng hạn những bữa ăn trưa để giao lưu cùng đồng nghiệp, các đơn đặt trà sữa, cà phê tỉnh ngủ vào giữa ca chiều hay cuộc tụ tập sau giờ tan làm để chia sẻ gần gũi nhau hơn.
Chưa kể là các dịp lễ, mừng sinh nhật, chúc mừng dự án thành công... có hàng tá lý do để nảy sinh những cuộc "hội ngộ" bất ngờ.
Chị Hạ Trân - Nhân viên PR của một công ty thời trang chia sẻ: "Vì là công ty khởi nghiệp, mình và đồng nghiệp đều cùng lứa với nhau, nên trong những bữa trưa cao hứng mọi người rất dễ xếp kèo ngay sau khi tan làm ngày hôm đó. Ngoài ra trong giờ làm, khoảng chừng 3-4 giờ chiều mọi người sẽ rủ nhau đặt trà sữa hay đồ ăn vặt. Nói chung, trong một tháng đi làm, các buổi tổ chức ăn chơi phát sinh nhỏ to như thế này không dưới 10 lần".
"Tuy những buổi ăn chơi lẻ tẻ chứ không phải tổ chức trọng đại gì nhưng gộp lại cũng ngốn cả khối tiền đó. Công ty mình cứ hễ cuối tuần sẽ cùng nhau thuê 1 căn homestay để vui chơi với nhau 1 ngày hoặc có khi 2 ngày cuối tuần, không thì sẽ đi ăn uống bar pub vào buổi tối. Mỗi cuối tuần khi chia ra mỗi người phải trả tầm 500 nghìn. Mình đi làm lương 10 triệu, tính ra một tháng mình phải trích có khi đến 20% lương để 'hòa đồng' cùng mọi người..." - Anh Quốc Huy chia sẻ.
CÓ NHỮNG HOẠT ĐỘNG DÙ MIỄN CƯỠNG NHƯNG... KHÓ LÒNG TỪ CHỐI
Những hoạt động ngoài giờ làm cùng công ty nếu mọi người đều hưởng ứng thì khá vui vẻ và mang nhiều hiệu quả tích cực cho cá nhân mỗi người cũng như chất lượng công việc. Tuy nhiên không phải ai cũng thoải mái với chuyện tham gia các hoạt động này.
Chị Khánh Phương chia sẻ: "Mình nhớ có lần vừa mới vào làm tháng đầu tiên ở công ty cũ mình bị sốc văn hóa luôn. Tháng đấy trong nhóm của mình có đến 4 tiệc sinh nhật, và vì mới vào làm nên nếu từ chối sẽ khó khăn khi làm quen công việc cũng như nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, nên mình đều đi dự đủ. Số tiền 'giao lưu' này đã đốt hết 2 tháng tiền tiết kiệm của mình".
Chị Thanh (hiện làm tại công ty truyền thông tại TP.HCM) cho biết: “4 năm trước tôi làm trong một công ty về quảng cáo, lương không quá cao nhưng trong team phần lớn là những người hướng ngoại, điều kiện gia đình sẵn có nên sau mỗi giờ làm, mọi người hay rủ nhau đi ăn chơi. Lúc đầu là với mục đích tạo điều kiện kết nối các thành viên và cũng chỉ đi ở những hàng quán bình thường. Sau 2 - 3 tháng, dần dần các buổi tụ họp ấy ngày càng tăng 'level' chuyển sang các nơi cao cấp hơn. Có lần vì sinh nhật một thành viên trong công ty nên mọi người vote đi club và hoá đơn hôm ấy lên đến vài chục triệu. Theo quy tắc chung của team tôi là mọi hoá đơn đã là của team là phải chia đều cho tất cả mọi người…”
"Mỗi tháng chị đều có sự tính toán, phân chia từng khoản tiền cho các chuyện phải chi trả. Ví dụ như tiền thuê nhà, tiền tã sữa cho con, tiền gửi về ông bà... Nếu có hoạt động nào đó công ty tổ chức tự phát và nhân viên phải tự trả tiền, chị khá e ngại chẳng biết phải làm sao. Ai cũng tham gia thì chị đâu thể từ chối vì mọi người nói mình làm mất vui, hơn nữa sợ nếu vắng mặt có thể mình sẽ là nhân vật chính trong câu chuyện trên bàn ăn. Có những tháng chị phải đi vay tiền cho các nhu cầu sinh hoạt cần thiết vì đã dùng khoản dự tính tiêu vào hoạt động cùng đồng nghiệp ở công ty". - Chị Thanh Tuyền - nhân viên kế toán.
Tuy nhiên, anh Hoàng Phụng - một lập trình viên tại Quận 7, TP.HCM cho rằng: "Nếu không muốn tham gia cứ thẳng thắn nói ra chứ không ai bắt ép gì mình cả. Lúc trước mình hơi ngại ngùng khi nói lời từ chối nên sao cũng được, mọi thứ mình đều theo mọi người nên các thu chi của mình sẽ phải điều chỉnh liên tục".
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÁC BÊN ĐỀU VUI DÀI LÂU?
"Bây giờ nếu mình không muốn tham gia các hoạt động chung sau giờ làm mình đều dạn dĩ từ chối. Có rất nhiều lí do để từ chối khéo léo như tối nay đã có hẹn trước, mình dự định khoảng thời gian đó sẽ làm việc khác rồi... hoặc không thì thẳng thắn bảo mình làm biếng... ngắn gọn hơn là thôi để dịp sau". - Anh Hoàng Phụng.
Chị Hạ Trân: "Nếu nửa muốn tham gia nửa đắn đo chuyện tiền bạc thì cứ cân nhắc xem điều gì ở thời điểm đó quan trọng hơn. Mình cứ tỉnh táo lựa chọn phương án nào tốt nhất và thoải mái nhất cho bản thân chứ đừng quá để tâm đến cái nhìn người khác hay sợ không có mặt sẽ bị tẩy chay. Đi làm thì cốt lõi vẫn là chất lượng công việc, mối quan hệ sẽ phát triển tự nhiên chứ không cần phải đầu tư tiền bạc, đây đâu phải câu chuyện mua bán".
Chuyện tổ chức và tham gia các hoạt động nội bộ của công ty luôn là vấn đề đau đầu không phải chỉ nhân viên mà cả ban lãnh đạo. Phải cân nhắc, đưa ý kiến, điều chỉnh diễn ra với mức độ phù hợp, đừng để việc xây dựng văn hóa nội bộ không những chẳng khắng khít hơn mà lại gây ra tác dụng ngược.
Đồng thời, mỗi cá nhân người đi làm cũng phải xác định đâu là vấn đề mình có trách nhiệm phải tham gia và thẳng thắn với các hoạt động ngoài lề. Các hoạt động tụ tập, tiệc tùng sau giờ làm rất tốt, nhưng chính văn hóa "nể mặt" của một số dân văn phòng làm cho nó xấu đi.