Hồi mới đi làm, ngồi nhậu với đồng nghiệp, họ thường nói: "Anh/chị xem xem như em gái trong nhà, ban mình cũng như một gia đình."
Và tôi mất thời gian rất lâu để rời khỏi sự nhầm lẫn xem công ty là gia đình, cũng như nhiều bạn bè bắt đầu đi làm thời đó.
Tại sao người ta muốn ta nghĩ công ty là gia đình?
Có nhiều chiến lược để quản lý nhân viên. Một trong số đó là coi họ là một phần gắn bó như gia đình. Khi nhân viên chấp nhận khái niệm mới, họ thường tận tâm và chân thành với công việc. Quan hệ này sẽ rất tốt đẹp nếu công ty tôn trọng quyền của người làm việc, và người làm việc tôn trọng lợi ích công ty. Hai bên sẽ ít phải dò xét, hằn học, nghi ngờ hay quản thúc nhau như chủ – tớ. Vì phần lợi ích lớn này, nhiều sếp/quản lý, chủ công ty, thường xuyên nhắc đi nhắc lại với nhân viên họ coi nhân viên như gia đình.
Tôi có quen một chủ xưởng xay xát gạo. Anh được nhân viên coi là đối đãi với họ như gia đình. Anh làm việc này thật. Vì anh giúp em gái 1 nhân viên xin việc làm ở Sài Gòn khi cô muốn sống ở Sài Gòn. Anh chỉ dẫn và đưa mẹ 1 nhân viên đi bệnh viện khi bà bệnh nặng. Anh cũng giúp một người làm việc (sau này là bạn anh) cưới được người vợ khi anh ấy chưa có đủ tiền. Đổi lại, tất cả những nhân viên kể trên đều làm việc cho xưởng nhà anh rất lâu dài. Quan hệ rất tốt đẹp.
Nhưng ở những công ty có quy mô lớn hơn, và chính trị nội bộ phức tạp, thì khái niệm "gia đình" cũng như một "phe cánh" trong quần thể công ty. Khi sếp đấu đá với ai, ta là "gia đình" khi đứng về phe đó – mà bỏ qua giá trị thật của công việc. Khi sếp thù địch ai, thì "gia đình" nghĩa là sẵn sàng triệt hạ kẻ đối lập, dù có lợi hay bất lợi cho công ty. Gia đình, ở nghĩa này, là 1 "bộ lạc". Nhiều phái sinh từ khái niệm gia đình trở nên nguy hiểm với bạn về cảm xúc và đường sự nghiệp.
Đừng coi công ty là gia đình
Vì:
Khi coi công ty là gia đình, ta mù quáng quên mất những quyền và nghĩa vụ của người làm việc:
Nhiều bạn bè trẻ của tôi khi mới vào nghề, đã không dám hỏi sếp về lương, bảo hiểm, trợ cấp đi lại, trợ cấp độc hại… vì sếp coi bạn là… em trai/ em gái. Nghĩa là ở đây, bạn hoàn toàn không được hưởng những quyền bình thường nhất của người lao động, chỉ vì sếp là "gia đình". Nhiều người làm việc suốt hai năm trời cho một công ty hoàn toàn không có trò chuyện về hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn, mà chỉ toàn những lời hứa suông kiểu: "Mình anh em trong nhà, anh sẽ lo cho em!" Hay "Công ty sẽ luôn đứng về phía em, em yên tâm."
Không có quyền lao động, nghĩa vụ lao động cũng sẽ lỏng lẻo. Vì bạn ấm ức không có đủ hỗ trợ như đồng nghiệp, bạn có xu hướng thể hiện kém hơn, chậm chạp hơn, hoặc ỷ lại vì sếp như "anh trai" nên thôi ngủ dậy trễ mai làm xong việc cũng ok. Thái độ "gia đình" ở đây có hại cho cả con đường sự nghiệp của bạn và quyền của bạn.
Khi coi công ty là gia đình, ta sợ rời bỏ nó
Người làm việc rời công ty vì một số lý do sau:
Họ không thể thăng tiến, công việc không còn đủ thách thức khiến họ thích, quyền lợi không như ý, tiền làm ra không đủ cho nhu cầu chăm lo gia đình, môi trường làm việc không hợp… Nhưng tôi biết có rất nhiều người nhiều lần muốn nghỉ việc, có lời mời tốt hơn, có offer tốt hơn từ công ty khác nhưng không ra đi vì… lỡ coi công ty là gia đình. Quan hệ gắn bó này không có gì xấu, nhưng sự nhầm lẫn này trì hoãn rất nhiều cơ hội trong công việc mà bạn có thể có được, chỉ vì lý do không rời đi của bạn là… cảm xúc gia đình.
Một người bạn tôi từ chối offer tốt vì bạn muốn ở lại nơi làm việc mà bạn rất yêu. Nhưng khoảng 1 năm sau đó, công ty bạn bị cắt giảm, sếp cũng bị cắt giảm, bốn người làm việc chung cũng bị cắt giảm. Bạn không bị cắt giảm, nhưng tất nhiên "gia đình" không còn tồn tại vì đồng nghiệp đã nghỉ hết rồi. Vì bạn làm việc tốt nên tất nhiên tìm việc không khó, nhưng ở đây, sự nhầm lẫn vì "tình cảm gia đình" đã khiến bạn bị hẫng hụt về cảm xúc khi công ty nhẫn tâm làm vậy với đội của bạn.
Khi coi công ty là gia đình, ta đánh mất giá trị bản thân mình
Hồi tôi mới nghỉ công việc đầu tiên, một đồng nghiệp đi trong thang máy đã nói: "Không có công ty thì P. chẳng là cái đinh gì." – Tôi nghe, và hiểu rằng khi tôi coi công ty là gia đình, thì đồng nghĩa mọi giá trị tôi tạo ra thuộc về nó. Thời điểm đó còn rất trẻ, tôi giận dữ và hứa với bản thân sẽ làm việc giỏi hơn dù không ở công ty đó nữa.
Nhưng sau này, tôi hiểu ra rằng khi các sếp/công ty cài cho ta ý niệm ta thuộc về họ như một gia đình, có nghĩa là ta hoàn toàn vô giá trị nếu không thuộc về nơi đó nữa.
Sự thật không phải vậy.
Khi làm việc, dù chỉ là một mắt xích, bạn vẫn tạo ra giá trị công việc. Các công ty cần vị trí tương tự sẽ tôn trọng người biết làm việc, nếu bạn có thể cho họ thấy bạn đã làm gì. Không có công ty cũ, bạn vẫn làm việc. Không còn công ty cũ, bạn vẫn kiếm sống ở công việc tại công ty mới. Bạn không trở thành con số 0 tròn trịa chỉ vì bạn xin nghỉ việc. Vì vậy, nếu bạn thấy công việc cũ không còn phù hợp, thì đã đến lúc bạn tìm nơi mới.
Khi coi công ty là gia đình, ta nhầm lẫn mái nhà và công việc
Rất nhiều sếp nói rằng vì công ty coi nhân viên là gia đình, nên nhân viên phải thức khuya, ở lại làm việc tới 12 giờ đêm (không có lương overtime), hoặc phải làm việc bất cứ lúc nào, dù họ gọi lúc khuya khi bạn đang bồng con gái đi ngủ.
Thực ra không phải vậy, bạn đi làm chứ không phải sống hay làm vợ/chồng cho công ty. Vì vậy, khi kết thúc giờ làm, bạn có quyền dành thời gian cho con cái, người thân, bạn bè hay chính bạn. Ban đầu ở tuổi 20, bạn có thể rất hạnh phúc sẵn sàng làm việc tới 1 giờ sáng với nhiệt tình "gia đình". Nhưng rồi bạn sẽ nhận ra, bạn đánh mất thời gian để yêu thương người thân, chăm sóc bạn bè chỉ vì bạn gọi công ty là "gia đình" và gia đình thật thì không quan trọng bằng.
Tất nhiên, có những công việc đặc thù đòi hỏi overtime, nhưng thường đổi lại công ty sẽ có chính sách lương sau giờ làm việc, hoặc trợ cấp kiểu khác, quyền cho con cái, hoặc quyền lợi để đáp lại phần thời gian riêng bạn mất đi. Còn những công ty liên tục ép bạn làm kiệt sức, không đáp lại gì ngoài lời hứa "gia đình" chỉ là những kẻ bóc lột với cái vỏ ấm áp giả tưởng thôi.
Khi coi công ty là gia đình, bạn không còn công tâm nữa
Như đã nói ở trên, khi xác tín rằng sếp như cha mẹ, anh em, ta thường có xu hướng chọn họ khi phải rơi vào cuộc đấu đá. Ta không công tâm chọn điều đúng phải làm, không thể hiện điều hợp lý sẽ có lợi cho công việc hay giá trị công ty, thay vì vậy, ta chọn bảo vệ "gia đình".
Ở đây, ngoài đánh mất sự công tâm, ta còn tự làm tổn thương chính mình nếu trong cuộc đấu đá, bỗng nhiên sếp/team đồng loạt đổi ý, đẩy ta khỏi công việc. Khi ấy, cảm giác bị phản bội "từ gia đình" sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với chỉ là việc bị đấu đá thông thường trong công việc. Cảm giác "bị phản bội" đó trở nên rất cá nhân, rất hủy hoại và sẽ làm tổn thương ta lâu dài, và đồng thời dễ khiến ta không còn có sức mạnh để thể hiện trong công việc kế tiếp (vì hồ nghi những đồng nghiệp mới cũng sẽ hãm hại mình như vậy).
Về lâu dài, điều này sẽ biến bạn thành người lao động không làm việc tốt vì không bung sức để thể hiện công việc và mang nhiều cảm xúc tiêu cực.
Với tôi, công ty không phải gia đình, và tôi sẵn sàng ra đi khi có lựa chọn mới trong công việc. Nhưng công ty là nơi đem lại cho tôi những bạn bè, anh chị mà sau công việc họ trở thành người thân thuộc. Dù tôi nghỉ việc, sếp vẫn là thầy, là bạn. Đồng nghiệp vẫn là bạn thân, đi chơi hoặc đi học cùng nhau.
Từ khi cố gắng tách biệt điều đó, tôi thấy dễ hòa thuận hơn với chính mình trong công việc.