Bài viết là lời tâm sự của ông Đức Quý (SN 1963), ở Chiết Giang, Trung Quốc. Ngay sau khi được đăng tải trên Toutiao đã nhận về nhiều đồng cảm.
Các bạn cùng lớp tôi đều sinh năm 1963 hoặc 1964, hầu hết đều đã nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, nhóm tôi thường tụ tập, còn họp lớp thì duy trì 2 năm một lần với số lượng lớn.
Mới đây, lớp cấp 2 của chúng tôi tổ chức họp lớp tại một khách sạn tương đối sang trọng. Chúng tôi đều ăn mặc tươm tất tới tham dự. Lâu ngày gặp lại các bạn, tôi mới biết nhiều bạn giờ đã có cuộc sống giàu sang, có chức có quyền, có bạn là Giám đốc cấp cao tại công ty tư nhân lớn, có bạn là Phó Chủ tịch tập đoàn có vốn nước ngoài, lại có bạn là Hiệu trưởng, Viện trưởng, luật sư, bác sĩ,...
Ly rượu đầu tiên nâng lên, chúng tôi chúc nhau sức khoẻ, hạnh phúc. Ly rượu thứ hai tiếp đến, chúng tôi cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời đi học. Gương mặt ai cũng hạnh phúc, phấn chấn rạng rỡ. Tôi vui lắm, cảm thấy ngày hôm nay đi họp lớp thật là quyết định đúng đắn.
Thế nhưng đến cuối bữa tiệc, chúng tôi bắt đầu nói về những thăng trầm trong cuộc sống, bấp bênh trong sự nghiệp và tình hình cuộc sống hiện tại. Đến lúc này, từng góc khuất được lột tả.
Chưa dừng ở đó, các bạn bắt đầu chia sẻ thu nhập cá nhân. Minh Quân hào hứng cho biết, hiện tại lương hưu của cậu sau khi rời vị trí Tổng Giám đốc rất tốt - 20.000 NDT/tháng (khoảng 68 triệu đồng). Ngoài ra, cậu còn kinh doanh BĐS nên thu nhập mỗi tháng lên tới hơn 200 triệu đồng. Nghe vậy, chúng tôi lấy làm sửng sốt, thầm ghen tỵ.
Một bạn nữ khác là Á Quyên - Phó Giám đốc một cơ quan công quyền có mức lương hưu hơn 9000 NDT/tháng (khoảng 30 triệu đồng). Đây cũng là con số khiến nhiều người già ghen tỵ. Hay Lục Bình - lớp trưởng lớp tôi ngày xưa sau khi tốt nghiệp trở thành giáo viên. Khi về hưu, cậu ấy đã giữ chức Hiệu trưởng một trường cấp 2 được 15 năm. Hiện Lục Bình có lương hưu là 12.000 NDT/tháng (khoảng 41 triệu đồng).
Tôi ngồi đó và lắng nghe họ, không muốn chia sẻ về lương hưu của mình. Bỗng Nhật Lệ huých tay tôi: "Lương hưu của cậu bây giờ bao nhiêu? Chúng ta là bạn cùng lớp, cứ nói đi, có gì phải ngại. Tôi thì chỉ được 24 triệu đồng thôi".
Tôi gượng gạo cười, chỉ đáp chung chung rằng mức lương của tôi cũng giống như Nhật Lệ. Thế nhưng, tôi làm sao có thể đạt được thu nhập đó khi chỉ là một viên chức nghỉ hưu bình thường. Thú thật, lương hưu của tôi chỉ 5000 NDT/tháng (khoảng 17 triệu đồng), thấp hơn rất nhiều so với các bạn cùng lớp.
Về đến nhà, tôi nghĩ, bữa tiệc này chán quá. Họp lớp chẳng phải là dịp cùng nhau ôn lại chuyện cũ, hà cớ gì các bạn cứ mang thu nhập, tài sản ra so sánh với nhau, dù gì chuyện này cũng khá nhạy cảm. Tôi cũng rút ra được một số điều từ buổi họp lớp vừa rồi.
- Không có nhiều bạn học tham gia: Lớp chúng tôi trước đây có 40 người nhưng vừa qua, chỉ có 1/3 số bạn tham gia họp lớp. Có rất nhiều lý do khiến mọi người không tới đông đủ: Nhiều bạn định cư ở nước ngoài, tới thành phố khác làm việc nên cách trở địa lý, một số đã qua đời,...
- Những bạn tham gia đều có địa vị nhất định, cuộc sống tốt: Các bạn tới dự đều có chức vụ cao, sự nghiệp tốt, tài sản lớn. Họ đều từng giữ chức vụ như Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng, cấp quản lý, ban lãnh đạo,... Một số khác tương đối thành công trong công việc kinh doanh riêng.
- Sự so sánh xuất hiện một cách tự nhiên trong lời nói: Chúng tôi nói về những chủ đề bất tận, từ khoảng thời gian vui vẻ cùng nhau ở trường đến việc điền đơn đăng ký thi đại học, từ bài tập tốt nghiệp đến phát triển nghề nghiệp. Mọi người thật sự rất nhớ khoảng thời gian vui vẻ khi còn được học cùng nhau, và một số chuyện xấu hổ đã xảy ra đến giờ vẫn khiến chúng tôi phải bật cười sảng khoái khi nhắc đến.
Chúng tôi cũng nói về sự vất vả và tủi nhục đằng sau thành công, về nỗi cô đơn khi rời bỏ nơi làm việc sau khi nghỉ hưu, về lối sống sau khi nghỉ hưu và chăm sóc con cái, sắp xếp công việc, tình trạng hôn nhân. Ngoài ra, trong bữa tiệc, chúng tôi cũng chia sẻ về thu nhập hiện tại, lương hưu,... nên khó tránh khỏi sự so sánh thầm.