Cứ nghĩ, thời hiện đại, chuyện đi ăn cỗ lấy phần về nhà sẽ chỉ còn trong ký ức. Thế nhưng, tại một số làng quê Việt, phong tục này vẫn diễn ra mặc nhiên với đủ cảnh bi hài.
Mới đây, một nàng dâu trẻ có dịp theo chân mẹ chồng đi ăn cỗ cưới ở quê đã chứng kiến một phen ''ngã ngửa'' trước tập tục kì lạ nơi đây. Ngay sau đó cô nàng đã đăng đàn tâm sự với hội chị em. Nguyên văn dòng tâm sự, cô viết: ''Chuyện không biết nên khóc hay cười, chắc không ai bị giống mình đâu.
Hôm lâu rồi đi ăn cỗ cưới đứa cháu chồng, không quen ai nên mình ngồi với mẹ chồng, đủ người ngồi rồi nên mọi người bắt đầu ăn.
Ngồi mãi mà mọi người mở mỗi đĩa thịt bò xào ra ăn, các đĩa cá chiên, thịt gà, tôm... thì không mở. Mình mới mở đĩa thịt gà gắp cho bà cụ ngồi cạnh mình 1 miếng, mẹ chồng mình 1 miếng. Mẹ chồng mình gắp trả lại đĩa rồi bảo mình ''cái này tí họ chia phần''.
Dòng tâm sự của nàng dâu mới lần đầu theo mẹ chồng đi ăn cưới khiến chị em bàn tán xôn xao.
Lúc đó mình muốn kiếm cái hố nào mà chui xuống quá. Mình cầm đĩa tôm để bỏ cái màng bọc thực phẩm ra, mẹ chồng mình huých tay mình cái bảo tí họ chia.
Mình ước có cái hố nào to hơn cái hố lúc nãy để chui xuống. Thề không dám gắp gì, ăn mỗi bát cơm với nước luộc rồi chuồn. Mấy bà cứ bảo sao ăn ít thế, ăn nữa đi, ăn nữa thì ăn cơm với muối hay với mắm đây trời?
Giả vờ e thẹn mình bảo ''dạ thôi, cháu về trông con cho ông đi ăn cỗ, cháu no rồi''. Từ lần đấy trở đi, mẹ chồng mình có bảo mình đi ăn ở đâu mình cũng không đi nữa. Có ai mà đến bữa cỗ cũng khổ như mình chưa ạ?''.
Chuyện là cô con dâu lần đầu được đi ăn cỗ cưới ở quê nhà chồng, chắc do không biết thói quen, phong tục nơi đây.
Cô nàng lịch sự gắp cho mọi người thì cuối cùng hóa ra mình lại là người ''vô ý'' nhất. Chưa kể, cả mâm cỗ cuối cùng ăn được mỗi bát cơm chan canh không bằng bữa cơm đạm bạc ở nhà. Nàng dâu tự dặn lòng sẽ chẳng bao giờ dám đi ăn cỗ ở quê chồng lần nữa.
Dòng tâm sự của cô sau khi đăng tải đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của cánh chị em. Phần lớn mọi người đều tỏ ra vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên trước ''tập tục'' kì lạ này.
Tất cả các món ăn đều được bọc kín, dành khi ăn xong cơm với canh, mỗi người sẽ gói 1 dúm mang về. (Ảnh minh họa)
Tài khoản Thảo Nhi viết: "Sao đi ăn cỗ cưới mà ăn cơm với chan canh rồi còn chia phần là sao? Phong tục lạc hậu quá! Như thế này nhỡ chẳng may ngồi mà không ai quen, không ai nhắc cứ ăn như bình thường thì có mà bị lườm nguýt chết à?''.
Bạn Tĩnh Phan tiếp lời: ''Trời ơi thế thì đến ăn làm gì? Đến phát cho người ta đùm mang về cho xong''.
Bạn Hoài Thương cũng tỏ ra vô cùng bất ngờ: ''Ủa tập tục này ở đâu vậy mọi ngươi? Giờ mình mới nghe ý. Ở mình thì dọn hết lên mâm rồi mọi người vào đủ thì ăn thôi, thích ăn bao nhiêu thì ăn.
Còn chỗ thì bưng lên từng món một ăn hết món này họ bưng món khác lên cho nóng chứ đã đi ăn cỗ mà như vậy thì thôi ở nhà nấu cơm ăn cho khỏe, cho no bụng. Mình đi ăn cỗ toàn mẹ chồng toàn bảo lên ngồi đi con, rồi ăn xong có hôm mẹ chồng còn gói thêm đồ ăn bảo đem về lát đói lấy ra ăn''.
Bạn Thơm Đồng thì cho biết: ''Mình thấy lấy phần là bình thường thôi, nhưng ở đây đúng là lạ quá. Quê mình cũng lấy phần đấy, nhưng ai ăn gì cứ ăn theo suất của mình, ví dụ đĩa 6 con tôm, 6 người thì mỗi người 1 con, phần ai không ăn thì mang về cho người ở nhà. Mình thấy điều ấy bình thường mà. Còn kiểu chỉ ăn canh rau thế này thì hơi lạ''.
Trong khi đó, nickname Kem Bông thì chia sẻ hoàn cảnh của chính bản thân mình: ''Quê chồng mình cũng thế. Mẹ chồng với chị chồng đi ăn cỗ bao giờ cũng chỉ ăn mỗi cơm chan canh, còn thức ăn cho túi mang về, đi ăn cỗ không dám gắp''.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số người cho rằng, việc đi ăn cỗ lấy phần cũng là điều bình thường, dễ hiểu ở thôn quê.
Tài khoản Bích Hằng bình luận: ''Mình thấy bình thường mà, có gì đâu. Mỗi nơi một tập tục, nếp sống thôi mà nhỉ? Nhất là những miền quê nghèo quanh năm lam lũ, giờ dù xã hội khá hơn nhưng nó ăn sâu vào nếp sống của người ta rồi.
Quê mình ở Hải Dương cũng nghèo lắm, ở chỗ mình ngày trước, để có được những món ăn ngon, người ta phải chờ đến cỗ. Vì thế, khi đi ăn cỗ, không ai là không nghĩ đến những người khác trong gia đình. Họ chỉ dám ăn rất ít, còn lại họ gói phần mang về cho những người ở nhà, mẹ mình ngày xưa cũng vậy''.
Mặc dù mỗi nơi mỗi phong tục và ''nhập gia'' phải ''tùy tục'' cũng là điều đương nhiên, thế nhưng việc đi ăn cỗ mà cuối cùng lại ''ấm ức'' mang bụng rỗng về nhà quả là chẳng nấy gì làm dễ chịu.
Thiết nghĩ, xã hội hiện đại, thay vì phải ăn ít lấy phần như trong đám cố của nàng dâu trẻ nói trên, mọi người vẫn có thể ăn uống đàng hoàng, phần còn lại muốn gói về vẫn có thể mang về cho người thân mà bản thân lại chẳng rơi vào cảnh khó chịu.