Mới đây, một bài viết phân tích về việc ô tô Trung Quốc vào Việt Nam đã xuất hiện trên mạng xã hội và được nhiều người dùng mạng quan tâm.
Bài viết mở đầu bằng việc liệt kê các giai đoạn mà các thương hiệu xe Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, sau đó đưa ra các nhận định về các rào cản mà xe Trung Quốc sẽ đối mặt khi gia nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Theo tác giả bài viết, ô tô Trung Quốc đã có hai lần gia nhập thị trường Việt Nam, diễn ra trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2010 và từ năm 2015 đến năm 2020.
Ô tô Trung Quốc, đặc biệt là ô tô điện, đang ở "cuộc đổ bộ thứ 3" vào Việt Nam. Bài viết nêu ra 6 trở ngại mà xe Trung Quốc sẽ phải đối mặt, đó lần lượt là: Rào cản thiết kế, trạm sạc, chưa có cam kết lâu dài, dấu hỏi về phụ tùng/phụ kiện sau bán hàng, nghi ngại về độ bền, và sau cùng, định kiến về xe Trung Quốc.
Bài viết thu hút nhiều sự chú ý và bình luận của nhiều người dùng mạng xã hội. Nổi bật trong đó có một chia sẻ về trải nghiệm sử dụng một chiếc ô tô Trung Quốc nhập khẩu tư nhân vào Việt Nam.
Người dùng này cho rằng đã sử dụng một chiếc xe gầm cao Zotye Z8L (T800) từ năm 2019. Người này cho biết rằng tổng chi phí để chạy xe hợp pháp của Zotye Z8L chỉ bằng một nửa so với một mẫu xe cùng phân khúc gầm cao hạng D của Hàn Quốc.
Sau 5 năm sử dụng với tổng quãng đường gần 10 vạn kilômét, người dùng mạng này cho rằng: "Xe chạy lành, không hỏng gì, trong suốt 5 năm mới bị hỏng cảm biến lùi (hãng đã thay)".
Người này cũng khẳng định chiếc Zotye Z8 L của mình vẫn hoạt động ổn, chỉ cần bảo dưỡng định kỳ; trong trường hợp bảo dưỡng tốt, xe có thể đi được thêm 5 năm nữa với 20 vạn kilômét "mà không gặp vấn đề gì".
Người dùng này gần như hài lòng, chỉ nghi ngại sau khi nghe được tin đơn vị nhập khẩu đã biến mất, khiến người dùng mất đi một địa chỉ tin cậy để bảo dưỡng hoặc nhập linh kiện thay thế. Điều này cũng gây ra tâm lý lo ngại câu chuyện người dùng không nhận được cam kết về lâu dài khi sử dụng xe.
Trả lời bình luận này, một số người dùng cho rằng đây chỉ là trường hợp riêng có với Zotye Z8 L khi hãng đã dồn nhiều công sức để làm ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, nhưng không đại diện cho số đông xe Trung Quốc.
Sedan thuần điện BYD Seal xuất hiện tại Việt Nam, nhiều khả năng phục vụ cho sự kiện ra mắt sắp tới.
Ngoài chia sẻ về trải nghiệm xe nói trên, nhiều người dùng mạng đồng tình rằng trạm sạc chính là trở ngại to lớn nhất mà xe điện Trung Quốc sẽ cần phải vượt qua khi vào Việt Nam.
Hiện nay, VinFast vẫn là đơn vị sở hữu mạng lưới trạm sạc rộng và dày nhất Việt Nam. Trạm sạc của VinFast chỉ phục vụ riêng xe của hãng, không mở cho các hãng khác sử dụng.
Song, một người dùng mạng cũng chỉ ra rằng Việt Nam đã dần xuất hiện các đơn vị kinh doanh trạm sạc với giá cả cạnh tranh. Song, dường như vì các trạm này vẫn ở quy mô nhỏ lẻ nên không có nhiều ý nghĩa: "... kiểu như xây bổ sung vào hệ thống sạc cho xe VinFast vậy [...]".