Kinh nghiệm không có nhưng phải có nỗ lực
Trong vai trò là một nhà tuyển dụng, chị Thái Vân Linh thẳng thắn đồng ý với vấn đề: Nhà tuyển dụng thường từ chối ứng viên mới ra trường với lý do không có kinh nghiệm. Đi phỏng vấn là chuyện "như cơm bữa" của rất nhiều sinh viên và trượt phỏng vấn cũng là chuyện dễ hiểu của không ít bạn trẻ. Có nhiều lý do để giải thích cho việc phỏng vấn thất bại, một trong số đó là các nhà tuyển dụng chưa nhìn ra cách thể hiện tốt của các ứng viên.
Chị Linh giải thích, "Có một chút mâu thuẫn giữa nhà tuyển dụng và ứng viên: các bạn sinh viên lầm tưởng rằng những kinh nghiệm mình đang có như tổ chức một sự kiện hay tham gia câu lạc bộ là đủ nhưng các bạn không biết rằng kinh nghiệm trong văn phòng quan trọng không kém. Các nhà tuyển dụng thực sự muốn thấy cách thể hiện và thái độ làm việc của các bạn ứng viên khi vô một văn phòng, xem các bạn giải quyết các vấn đề ra sao.
Trong 4 năm đại học, Linh cũng đi làm khá nhiều, cũng bởi mình cần tiền và Linh cũng biết các nhà tuyển dụng cần gì ở mình. Ngày đầu vô trường tôi đã đi tìm việc làm liền. Năm thứ 3 với sinh viên như Linh rất quan trọng vì phải tìm công việc thực tập cho hè giữa năm thứ 3 và năm thứ 4 và nếu mình đi thực tập làm việc tốt, rất có thể họ tuyển mình fulltime luôn cho năm thứ 4.
Linh đã nộp CV cho những công việc mình muốn và hơn 10 CV của Linh đều được qua vòng hồ sơ, được đánh giá cao. Tuy nhiên, Linh lại fail vì không biết cách phỏng vấn vì chẳng ai dạy tôi cách trả lời phỏng vấn như thế nào, người ta kì vọng gì ở ứng viên... Kinh nghiệm khi ấy của tôi bằng 0 luôn, không ai tuyển tôi. Tôi buồn chứ và đã phải xem lại mình cần cải thiện ở đâu."
Đến Shark Linh cũng "fail" phỏng vấn thì các bạn sinh viên cũng đừng lo lắng quá nhiều bởi không ai có thể giỏi trong ngày một ngày hai khi chưa có sự luyện tập, cố gắng. Tất cả mọi việc đều cần phải học tập, tìm hiểu và rèn luyện, ngay cả việc phỏng vấn. Dù bạn tài năng hay có năng khiếu giỏi thế nào nhưng bạn không biết cách thể hiện tốt với nhà tuyển dụng, bạn cũng có thể trượt ngay từ lần đầu gặp mặt.
Để có được thành công như hiện tại, chị Thái Vân Linh đã phải nỗ lực rất nhiều từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Chị kể, "Trong mùa hè đó, tôi cũng làm những công việc khác và tập trung hơn cho phần phỏng vấn ở năm thứ 4. Tôi quyết tâm không để mình fail trong công việc năm thứ 4. Linh đã liệt kê hết những câu người ta hỏi mình, viết một kịch bản với những câu trả lời đầy đủ, học thuộc cả trăm lần, đứng trước gương lặp lại hoài... Khi đang lái xe hay chải răng buổi sáng, bất cứ khi nào đầu mình không nghĩ đến công việc khác, Linh cũng nghĩ đến việc trả lời phỏng vấn ra sao.
Tuy nhiên, Linh khuyên các bạn nên tập nói làm sao để khi trả lời phỏng vấn, mình trả lời câu hỏi một cách tự nhiên chứ không ngập ngừng, giống như học thuộc mà quên bài, gây mất cảm tình ở nhà tuyển dụng. Nhờ có giải pháp đó, tới năm thứ 4, Linh phỏng vấn ở đâu cũng được nhận offer tốt."
Tạo khác biệt từ kĩ năng mềm
Có một vài nghiên cứu cho thấy tới năm 2030, khoảng 2/3 công việc trên toàn cầu cần tới kĩ năng mềm. Trong vòng phỏng vấn, bạn không có nhiều thời gian để suy nghĩ mà bạn cần sáng tạo, trả lời luôn câu hỏi mà nhà tuyển dụng đặt ra. Muốn có được kĩ năng này, bạn chỉ có một cách duy nhất là tập luyện. Theo lời khuyên của chị Thái Vân Linh, các bạn sinh viên nên tìm những networking xung quanh mình, dễ tìm mà không hề bị bỡ ngỡ như thuyết trình giữa đám đông hay giao tiếp với khách hàng trong công việc làm thêm.
Hoặc bạn có thể tìm một nhóm để luyện tập nói nhưng phải đặt ra yêu cầu là các thành viên trong nhóm phải thẳng thắn với nhau, không sợ làm phật lòng nhau để giúp đỡ nhau phát triển, cải thiện những lỗi sai của mình.
Từ góc nhìn của chị Linh, cũng như qua các cuộc nói chuyện với các nhà quản lí là bạn bè của chị, có 3 yếu tố quan trọng mà các quản lí muốn có ở nhân viên mình:
- Chủ động
- Tự tin
- Chăm chỉ
Chị cho biết: "Vậy làm sao để chứng tỏ với nhà tuyển dụng rằng mình có những yếu tố đó chỉ trong một cuộc trò chuyện chỉ dài 30-45 phút thôi? Trong quá trình phỏng vấn 20 năm của Linh, chỉ có 1-2 bạn làm được điều này mà thôi. Tức là họ chuẩn bị rất kĩ từ việc lên trang web công ty tìm hiểu, sau đó tóm tắt chiến lược công ty, từ đó nêu lên những ý tưởng của bản thân muốn đóng góp cho công ty.
Làm được vậy, bạn đã chứng tỏ mình có sự chủ động, sự chăm chỉ khi họ chưa thuê bạn mà bạn đã muốn cống hiến cho công ty và sự tự tin khi bạn phân tích số liệu, chiến lược. Linh không cần các bạn làm dài 3-4 trang nhưng sự chuẩn bị ấy nói lên rất nhiều điều."