Đến ngân hàng xin rút tiền từ tài khoản của người chồng quá cố, cụ bà 76 tuổi được nhân viên thông báo: "Chính chủ phải có mặt mới rút được tiền"

Ánh Lê |

Sự việc này sau khi được chia sẻ trên MXH đã thu hút sự quan tâm của người dân Trung Quốc.

Theo trang tin Toutiao đăng tải, ngày 9/9/2024, bà cụ họ Vương (tên nhân vật đã được thay đổi), 76 tuổi, sống ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, cùng con trai đến Ngân hàng Nông nghiệp để rút tiền. Khi đến lượt mình, bà Vương cho biết muốn rút hết tiền trong tài khoản của người chồng đã mất và đưa cho giao dịch viên một số giấy tờ. Trong đó có 1 sổ tiết kiệm, CCCD và giấy chứng nhận bà Vương với chủ tài khoản là vợ chồng hợp pháp.

Nhân viên ngân hàng sau khi nhìn qua những giấy tờ mà bà Vương đưa cho thì lạnh lùng từ chối yêu cầu rút tiền của bà cụ. Bà Vương thấy vậy thì tỏ ra rất bối rối, vội hỏi: "Tôi là vợ hợp pháp của ông ấy, tại sao lại không rút được tiền?"

Trong trường hợp của bà Vương, nhân viên cho biết nếu muốn rút tiền thì chính chủ - tức là chồng bà phải có mặt tại ngân hàng thì mới thực hiện được lệnh rút tiền. Cho dù bà Vương có là vợ của chủ tài khoản thì họ cũng không thể giúp bà. Trừ khi bà cụ này có giấy tờ chứng minh bản thân chính là người thừa kế hợp pháp số tiền trong tài khoản của chồng.

Hóa ra vì chồng bà Vương đã qua đời nên việc rút tiền cũng không được thực hiện như bình thường mà phải xử lý theo luật thừa kế. Lúc này, con trai bà Vương nhận ra vấn đề nên đã đưa mẹ về nhà và trực tiếp đến các cơ quan địa phương để các thủ tục liên quan.

Sau khi thu thập đầy đủ các giấy tờ được yêu cầu, anh tự tin đưa mẹ đến Ngân hàng Nông nghiệp để rút tiền. Tuy nhiên, lần này, 2 mẹ con họ lại được nhân viên ngân hàng thông báo rằng tài khoản của chồng bà Vương dưới 50.000 NDT (hơn 175 triệu đồng) nên không cần tới những giấy tờ nói trên.

Những lời này của nhân viên ngân hàng khiến con trai bà Vương vô cùng tức giận. Dù đã rút được tiền song người đàn ông này vẫn lớn tiếng trách móc ngân hàng vì cho rằng mẹ con họ đã bị phía ngân hàng “làm khó”.

Đến ngân hàng xin rút tiền từ tài khoản của người chồng quá cố, cụ bà 76 tuổi được nhân viên thông báo: "Chính chủ phải có mặt mới rút được tiền"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Toutiao

Về đến nhà, con trai bà Vương đã đăng tải câu chuyện của mình lên mạng. Sự việc này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cộng đồng. Trước phản ứng gay gắt từ phía dư luận, vào ngày 10/9, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp ở thành phố Trường Xuân cũng đưa ra phản hồi chính thức.

Theo đó, phía ngân hàng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình huống oái oăm trên là do 2 bên có "hiểu lầm trong giao tiếp". Nếu ngay từ đầu gia đình bà Vương nói rõ với nhân viên ngân hàng về số tiền trong sổ tiết kiệm của người thân thì sự việc không phức tạp đến vậy và việc rút tiền có thể được xử lý một cách nhanh gọn.

Pháp luật Trung Quốc quy định rằng khi một người có sổ tiết kiệm hay tài khoản tại ngân hàng qua đời đột ngột, không để lại di chúc, quá trình rút tiền có thể được đơn giản hóa nếu tài sản của họ chưa đến 50.000 NDT. Với trường hợp của chồng bà Vương, người thân chỉ cần mang theo giấy chứng tử và CCCD của người đã khuất là có thể kiểm tra tài sản và rút tiền.

Tuy nhiên, nếu tài sản của người đã khuất vượt quá 50.000 NDT thì số tiền này sẽ được xem là di sản thừa kế và phân chia theo luật định. Lúc này, thân nhân của người đã mất phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, sau đó đến ngân hàng để rút số tiền này.

Trước những lời giải thích này của phía ngân hàng, cư dân mạng xứ Trung cho rằng sổ tiết kiệm hay tài khoản ngân hàng là những di sản thừa kế rất thường gặp, song việc thừa kế loại tài sản này còn khá phức tạp đối với những người không hiểu rõ luật pháp. Do đó, khi khách hàng rơi vào trường hợp này, phía ngân hàng nên tư vấn và giải thích rõ ràng thay vì đổ lỗi ngược lại cho khách hàng như vậy.

(Theo Toutiao)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại