Bài viết dưới đây là tâm sự của bà Trần (67 tuổi, Trung Quốc).
Tôi và chồng kết hôn được 30 năm, tích góp được một số tiền. Nhưng khi con trai kết hôn, chúng tôi đã dùng gần hết số tiền đó để mua cho con một căn hộ. Nhìn thấy con trai yên bề gia thất, chúng tôi cảm thấy mọi thứ đều xứng đáng.
Ước mơ con cháu sum vầy trong một mái nhà
Sau khi con trai lấy vợ, tôi muốn đến ở chung để chăm sóc con dâu đang mang thai. Nhưng lần nào tôi cũng bị từ chối. Chồng tôi nói tôi “lo bò trắng răng”, tự chuốc lấy vất vả. Anh ấy cho rằng con dâu có nhu cầu tự khắc sẽ chủ động tìm đến, cần gì phải vội vàng.
Người xưa có câu “con cái có phúc phần con cái”, nhưng tôi vẫn không khỏi bận lòng. Tôi khao khát những ngày tháng được con cháu quây quần bên cạnh. Khi con dâu sắp sinh, con trai gọi điện nhờ tôi đến chăm sóc.
Tôi xách theo hành lý đã chuẩn bị sẵn, vội vã chạy đến nhà con trai. Vừa đến nơi, tôi lập tức bắt tay vào công việc, từ giặt giũ, nấu nướng đến dọn dẹp nhà cửa, tôi đều lo liệu hết.
Con dâu sinh cháu trai kháu khỉnh, tôi thực sự rất vui mừng. Nhưng có một vấn đề, đó là từ đó về sau, tôi trở thành người giúp việc miễn phí cho gia đình con trai.
Cháu ngày càng lớn, chi tiêu cũng tăng lên. May mà tôi và chồng có lương hưu, cũng đủ để hỗ trợ cho gia đình con trai.
Đòi hỏi không có điểm dừng
Càng ngày, con trai và con dâu càng đòi hỏi tiền bạc từ chúng tôi nhiều hơn. Đặc biệt là con dâu, thường xuyên than nghèo kể khổ trước mặt chúng tôi.
Tôi thấy con trai đi sớm về khuya vất vả nên luôn cố gắng lấy tiền của mình ra để các con bớt áp lực. Tôi cứ nghĩ sự hy sinh của mình sẽ nhận lại được sự cảm kích từ con dâu. Nào ngờ, điều đó chỉ khiến họ ngày càng quá đáng, không biết điểm dừng.
Thấy chúng tôi vừa lĩnh lương hưu, con dâu bỗng nhiên trở nên ân cần, lúc thì rửa trái cây, lúc thì phụ giúp việc nhà. Con bé hỏi tôi: “Bố mẹ, vợ chồng con dự định sinh thêm con thứ hai. Mà căn nhà hiện tại chật chội quá, vợ chồng con tính đổi sang căn nhà khác rộng rãi hơn. Bố mẹ còn bao nhiêu tiền tiết kiệm, có thể hỗ trợ vợ chồng con một ít không ạ?”.
Nghe đến đây, tôi bắt đầu sinh nghi. Thật ra tôi có âm thầm tiết kiệm được 300.000 NDT (khoảng hơn 1 tỷ đồng). Nhưng số tiền này, tôi và chồng đều không có ý định cho con mà dự định sẽ tự mình giữ lấy.
Tuy nhiên, con dâu đã hỏi thẳng như vậy, tôi phải lấy lý do: “Lúc hai đứa kết hôn, bố mẹ đã dùng hết tiền tiết kiệm rồi. Mấy năm nay, bố mẹ cũng hỗ trợ thêm cho hai đứa không ít, đến giờ cũng chỉ để dành được 50.000 NDT (khoảng hơn 177 triệu đồng). Nếu hai đứa cần gấp thì cứ lấy mà dùng.”
Vỡ mộng tuổi già
Lời tôi vừa dứt, sắc mặt con dâu liền trở nên khó coi. Con dâu xua tay nói: “Bố mẹ xem có thể bán căn nhà cũ đi để góp tiền cho vợ chồng con trả trước căn hộ mới được không ạ?”.
Tôi nghe mà hoang mang tột độ, con dâu không những muốn lấy hết tiền dưỡng già của chúng tôi mà còn muốn lấy đi cả căn nhà cũ. Đương nhiên là tôi không đồng ý, liền thẳng thừng từ chối.
Kết quả là, ngay chiều hôm đó, tôi vô tình nghe được con dâu gọi điện thoại cho bố mẹ đẻ, nói rằng: “Nhà chưa mua được, bố mẹ tạm thời chưa thể lên đây ở cùng.” Tôi nghe mà chết lặng, không ngờ tiền dưỡng già của chúng tôi lại trở thành miếng mồi ngon trong mắt con dâu và gia đình bên đó.
Tôi không muốn ở lại thêm nữa, lập tức thu dọn đồ đạc về quê. Sau câu chuyện này, tôi nhận ra suy cho cùng, không thể trông chờ vào ai, chỉ có thể dựa vào mình. Bản thân tôi cũng phải phải sống vì bản thân mình nhiều hơn, không thể mãi chạy theo lo cho con cái.
(Theo Sohu)