Video: Chùa Bà Đanh có thực sự vắng vẻ?
Nhiều người thậm chí còn không biết ngôi chùa được nhắc đến trong câu “Vắng như chùa Bà Đanh ” là một địa điểm có thật. Dù ra đời từ xưa, có vẻ như câu thành ngữ này vẫn chưa lạc hậu nếu xem cảnh quan hiện tại của ngôi cổ tự.
Chùa Bà Đanh là cách gọi của dân gian, tên chính thức của chùa là Bảo Sơn. Ngôi cổ tự nằm trên khu đất rộng 10ha của thôn Đanh (xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) này có địa thế độc đáo với 3 mặt giáp sông. Bao quanh kiến trúc chính là khu vườn rộng như “lớp đệm xanh”, vừa tạo cảnh quan đẹp mắt, trong lành, vừa mang lại cho ngôi chùa vẻ u tịch, cách xa khói bụi nhân gian.
Có thể cảm nhận rõ sự quạnh hiu của chùa Bà Đanh ngay từ cổng tam quan, nơi mà khách hành hương phải băng qua khu vườn rộng mới tới. Mặc dù có “view” rất đẹp, hướng ra sông Đáy với cảnh quan hiền hòa, thoáng đãng nhưng thực tế nơi này gần như không có người qua lại, bởi những cánh cổng gỗ lim nhuốm màu thời gian luôn đóng chặt, chỉ mở khi có lễ hội. Thường ngày, khách thập phương, người dân xung quanh và ni sư ra vào chùa qua 2 cổng phụ.
Chùa Bà Đanh sở hữu lối kiến trúc mang đậm phong cách đình chùa Bắc Bộ.
Về câu “vắng như chùa Bà Đanh” mà hầu như người Việt nào cũng biết, ni trưởng Thích Đàm Đam – người giữ chức trụ trì chùa Bà Đanh 35 năm nay, cho hay, dù không rõ khi nào và vì sao thành ngữ này xuất hiện, bản thân bà cũng cảm nhận rõ sự vắng vẻ đặc biệt từ thuở ban đầu đến chùa, cách đây gần nửa thế kỷ.
Ni trưởng vốn là người xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Năm 1975, ở tuổi 26, bà xuất gia đầu Phật, làm đệ tử của sư cụ Thích Đàm Lê - trụ trì chùa Bà Đanh khi đó. Giai đoạn này, chùa rất ít người qua lại, có thể do đường vào quá hiểm trở.
“Tôi nghe truyền lại rằng ngôi chùa trước đây linh thiêng lắm, đến cổng tam quan mà không hạ nón, kính cẩn là bị ‘quở’. Có lẽ vì thế nên cũng ít người dám qua lại chăng?
Còn thời tôi về đây, chùa ba mặt giáp sông, một mặt giáp núi; sông lại rất rộng, chưa được bồi đắp như bây giờ nên khó đi lại. Đường vào chùa khi ấy rậm rạp như rừng, tối trời một chút là không còn người lai vãng vì sợ thú hoang ở khu rừng xung quanh tấn công.
Tôi còn nhớ năm cụ trụ trì Thích Đàm Lê bị ốm, chúng tôi khi băng rừng đi tìm thầy thuốc còn phải dùng đèn dầu để vừa soi đường vừa xua đuổi thú hoang. Sau này khi đi họp hay có việc cần xuống làng, nếu trời xẩm tối, chúng tôi cũng không dám về một mình mà phải nhờ người làng đưa về” – ni trưởng hồi tưởng.
Trụ trì chùa Bà Đanh cho biết, sau này, sông dần dần bồi lên thành bãi, người dân xung quanh cũng dần kéo tới khu vực gần chùa để dựng nhà, làm đường nên rừng không còn nữa. Đến năm 1994, chùa được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia nên được trùng tu, mở rộng, xây dựng đường vào cho thuận tiện, sáng sủa hơn.
Chùa Bà Đanh được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.
Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, ngôi chùa này cũng không có nhiều người lai vãng. Suốt một buổi chiều người viết bài có mặt, chỉ duy nhất một nữ du khách người Hà Nội tiện đường từ khu du lịch Tam Chúc ghé qua chùa. Cô gái tên Thủy cho biết: “Tôi đi Tam Chúc trước, đến chiều tiện đường thì ghé chùa Bà Đanh. Vào đây tôi cảm thấy mọi thứ như lắng đọng lại, không có chút xô bồ nào vì ngoài sư thầy và người giúp việc cho chùa thì không có ai nữa cả. Tôi cảm thấy câu ‘vắng như chùa Bà Đanh’ rất đúng với thực tế tại chùa”.
Theo ni trưởng Thích Đàm Đam, sau khi được tôn tạo, trùng tu, cũng có thời điểm chùa thu hút nhiều khách thập phương tới vãn cảnh: “Năm 2019, khu du lịch Tam Chúc nổi tiếng, khách thập phương tới đó tham quan cũng ghé qua chùa Bà Đanh vì tiện đường. Năm đó là năm chùa đón nhiều khách tới vãn cảnh, lễ Phật nhất.
Những năm khác, vào 3 tháng đầu năm thì còn người tới dâng hương, lễ Phật chứ những tháng khác thì rất vắng vẻ, thậm chí ngày rằm, mùng 1 cũng ít người. Còn kể từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, chùa trở lại vắng như xưa, thậm chí nhiều ngày liền không có khách vãng lai, chỉ có ban trị sự, ban kiến thiết là người làng ghé qua mà thôi”.
Ông Bằng, người sinh ra ở làng Đanh, đã 5 năm nay làm nhiệm vụ bảo vệ khu di tích này, lại cho rằng sự vắng vẻ chính là một giá trị của chùa: “Câu nói ‘Vắng như chùa Bà Đanh’ tôi nghĩ là do diện tích của chùa quá rộng, khiến du khách đến đây luôn cảm thấy không gian quá rộng lớn, vắng vẻ. Nhưng vào những địa chỉ tâm linh thì phải như vậy mới đúng. Tôi mong những ai từng nghe câu ‘Vắng như chùa Bà Đanh’ tới thăm để thưởng thức vẻ đẹp của ngôi chùa này”.
Ông Bằng - người bảo vệ tại chùa Bà Đanh.
Ni trưởng Thích Đàm Đam kể về sự tích ra đời chùa Bà Đanh được lưu truyền trong dân gian từ xưa: “Người xưa kể rằng một vị thần trong Tứ Pháp đi ngang qua đây, thấy cảnh đẹp, đất nền cao, lụt lội không lên tới đất này nên báo mộng cho dân, bảo dựng đền thờ ngài rồi ngài cho ăn lộc. Dân chúng khai phá khu đất này và đặt bát nhang để thờ. Hôm khác, lại có người dân kể rằng họ được báo mộng yêu cầu tạc tượng nữ thần Pháp Vũ.
Tượng tạc xong được mang đến, làm lễ hô thần nhập tượng. Lúc đó mới chỉ có đền, có tượng. Một thời gian sau, ở bến sông trước đền xuất hiện vật lạ nổi lập lờ, đẩy không đi, nước xoáy không chìm. Người dân bảo nhau kéo lên, thấy đó là cỗ ngai bằng gỗ, đặt tượng vào thì vừa như in.
Đến thời Hậu Lê, dân làng mới rước tượng Phật vào đền và dựng thành chùa. Bức tượng thờ trong đền trước đó là nữ thần Pháp Vũ, chùa lại đặt ở làng Đanh nên người dân gọi là chùa Bà Đanh - cái tên mang 3 yếu tố gồm ‘tiền Phật hậu Thánh’ và địa danh nơi ngôi chùa tọa lạc”.
Theo các tài liệu lịch sử, ban đầu chùa được dựng bằng tranh tre nứa lá. Đến năm Vĩnh Trị, đời Lê Hy Tông (1676-1680), chùa mới được xây khang trang.
Quần thể kiến trúc chùa Bà Đanh hiện nay về cơ bản được xây dựng vào thế kỷ XIX gồm 14 gian và các khu phụ trợ. Trong đó, 5 gian nhà bái đường được lợp ngói nam, trên nóc có 2 con rồng chầu mặt nguyệt. Các vì kèo và xà của khu này đều được chạm khắc tinh xảo ở cả hai mặt. Hoa văn trên các vì kèo rất phong phú, gồm hổ phù, nghê chầu, ngũ phúc, tứ linh, bát quả…
Bên cạnh nhà bái đường là trung đường gồm 5 gian lợp ngói nam; 3 gian thượng điện thờ Tam thế, Ngọc Hoàng, Thái Thượng Lão Quân và nữ thần Pháp Vũ (còn gọi là Bà Chúa Đanh). Phía tây là khu nhà tăng lữ gồm khu thờ các vị trụ trì tiền nhiệm và phòng nghỉ cho ni sư.
Quần thể kiến trúc chùa Bà Đanh mang đậm dấu ấn của kiến trúc nhà vườn Bắc Bộ cổ. Trong sân vườn trồng nhiều loại cây đặc trưng như hồng, ngọc lan, cau…, đem đến vẻ thanh tịnh đặc trưng của chùa chiền.
Nhà bái đường chùa Bà Đanh.
Không chỉ là chốn tâm linh, chùa Bà Đanh còn được xem là một trong những cái nôi của cách mạng ở địa phương. Ngày 6/3/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Kim Bảng thành lập tại nơi này. Ngày 7/11/1930, cờ Đảng được nhân dân xã Ngọc Sơn treo trên cây gạo của chùa Bà Đanh để kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga.
Đầu năm 1943, Trung ương Đảng cử cán bộ về ở tại chùa Bà Đanh để chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương. Ngày 20/8/1945, huyện Kim Bảng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, UBND Cách mạng xã Ngọc Sơn ra đời. Chùa Bà Đanh trở thành nơi luyện tập của du kích suốt từ năm 1946 đến 1950 và cũng là nơi Sở Bưu điện Liên khu III đóng.
Lịch sử nhiều thế kỷ của chùa Bà Đanh – Bảo Sơn tự cho thấy, dù vắng vẻ, ngôi chùa này không chỉ là di sản văn hóa, mà thực sự có vai trò quan trọng trong cuộc sống và tình cảm của người dân địa phương cả về mặt “đạo” và “đời”.
Thiết kế: Huy Mạnh