Đền bù, hỗ trợ vụ Formosa: Tháng 10, ngư dân có thể nhận tiền

Phạm Anh |

Chiều 27/9, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, hiện việc thống kê thiệt, cũng như việc xác định định mức đền bù, hỗ trợ cho từng đối tượng ở 4 tỉnh vùng "cá chết" đang triển khai rất khẩn trương. Nếu các đúng kế hoạch, đầu tháng 10 tới, bà con có thể nhận được tiền đền bù, hỗ trợ.

Theo ông Tám, hiện có 2 nhóm công việc đang triển khai đồng thời, là thống kê thiệt hại từ các địa phương và phần việc xác định định mức đền bù, hỗ trợ.

Về thống kê, hiện các địa phương đang triển khai quyết liệt, đảm bảo đúng trình tự thủ tục, phương pháp, nguyên tắc công khai minh bạch từ cơ sở. Đến nay, việc kê khai thiệt hại các địa phương cơ bản đã hoàn tất.

Ở nhóm thứ 2 về định mức đền bù, các địa phương đã gửi định mức cho Bộ Tài Chính. Trong tuần qua, Bộ NN&PTNT đã cử các nhóm công tác, cùng Bộ Tài chính, rà soát các định mức các tỉnh gửi lên.

Hiện phần việc này đang giai đoạn hoàn tất thủ tục và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt định mức chung cho các tỉnh trong ít ngày tới.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt định mức, dựa trên con số thông kê thiệt hại, các địa phương sẽ áp giá đền bù, hỗ trợ cho người dân.

Sau đó, Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp thiệt hại của các địa phương, gửi Bộ Tài Chính thẩm định trước khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt và phân bổ từ nguồn tiền 500 triệu USD từ Formosa cho các tỉnh.

"Nếu các nội dung trên triển khai theo kế hoạch, trong tháng 10 tới giải ngân cho các tỉnh"- ông Tám nói.

Liên quan đến câu hỏi, cá bán trên thị trường liệu có an toàn? Ông Tám cho biết: Hiện nguồn lợi hải sản tầng đáy chưa khôi phục được đáng kể, cùng với kiểm soát tốt không đánh bắt tầng đáy, thì việc hải sản khai thác về bến hiện nay là hải sản an toàn, không chỉ riêng ở 4 tỉnh miền Trung mà là cả nước.

Theo ông Tám, Bộ NN&PTNT đang hướng dẫn ngư dân khai thác bình thường trên các vùng biển, nhưng trừ khu vực 3 khu vực Bộ TN&MT cảnh báo (các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương-Hà Tĩnh diện tích khoảng 300 km2, khu vực cửa Nhật Lệ -Quảng Bình khoảng 330 km2, và Hòn Sơn Chà – Thừa Thiên-Huế khoảng 160 km2).

Đồng thời, do nguồn lợi, hệ sinh thái khu vực 20 hải lý trở vào đang phục hồi, Bộ khuyến cáo bà con ngư dân không sử dụng các ngư cụ khai thác hải sản tầng đáy trong vùng biển trên.

Cùng đó, Bộ cũng sẽ huy động, tăng cường lực lượng kiểm ngư, phối hợp với thanh tra thủy sản, bộ đội biên phòng để kiểm soát khai thác vùng biển 20 hải lý trở vào đối với 4 tỉnh miền Trung.

Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cùng với Bộ Y tế tiếp tục lấy mẫu giám sát theo định kỳ khi cá cập bến.

Ngoài ra, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cũng tiết lộ thêm: "Tại các khu vực vừa bị ảnh hưởng sự cố môi trường, nguồn lợi bị cạn kiệt, chưa khôi phục nên chắc chắn không có cá để khai thác.

Điều này đương nhiên cá khai thác ở khu vực khác thì sẽ ăn được và an toàn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại