Đem bức tranh quý đi thẩm định bị phán là đồ giả, người phụ nữ cười nhẹ nói “Có biết tôi là ai không?” làm chuyên gia phải xin lỗi rối rít

CHI CHI |

Người phụ nữ tự tin giới thiệu bức tranh của mình được vẽ bởi danh họa nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc và có giá hàng trăm tỷ đồng trở lên.

Chương trình truyền hình Kiểm định bảo vật là một trong những show thẩm định đồ cổ, bảo vật nổi tiếng nhất xứ Trung. Một trong những điểm tạo nên tên tuổi cho nó chính là nhà sản xuất có thể mời đến được hàng loạt chuyên gia đầu ngành với độ uy tín cao đến thẩm định. Với kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm phong phú, các chuyên gia chỉ cần cầm cổ vật trên tay là đã kể ra được giá trị và câu chuyện đằng sau nó.

Một trong những tập phát sóng của chương trình được bàn tán nhiều nhất là khi một người phụ nữ trung niên mang một bức tranh đến thẩm định. Người phụ nữ này tự tin khẳng định đây là một tác phẩm của Tề Bạch Thạch - đại danh họa sở hữu bức tranh giá đắt nhất Trung Quốc hiện tại. Tranh Thập nhị phong cảnh đồ - tác phẩm đắt nhất của ông được bán với giá 140,8 triệu USD (gần 5.000 tỷ VNĐ) năm 2017.

Tề Bạch Thạch (1864 - 1957) là bậc thầy hội họa hiện đại Trung Hoa, nổi tiếng với những bức tranh màu nước vẽ sơn thủy, hoa điểu, động vật,... sinh động và đậm nét dân tộc. Vậy nên mới chỉ giới thiệu đến tên họa sĩ, các chuyên gia và khán giả trường quay đều đã vô cùng tò mò và háo hức.

Bức tranh được người phụ nữ đem đến nhờ định giá càng khiến chuyên gia thích thú khi là tác phẩm chưa hề được công bố rộng rãi của danh họa có tên Lá phong, ve sầu và mùa thu. Ban đầu, chuyên gia tỏ vẻ vui mừng khi bước xem xét ban đầu cho thấy loại giấy được sử dụng đúng là thuộc về thời đại của Tề Bạch Thạch, phong cách vẽ cũng là hoa lá, động vật giống của ông.

Đem bức tranh quý đi thẩm định bị phán là đồ giả, người phụ nữ cười nhẹ nói “Có biết tôi là ai không?” làm chuyên gia phải xin lỗi rối rít - Ảnh 2.

Bức tranh được đem đến thẩm định giá trị

Tuy nhiên, sau khi nhìn vào những chi tiết, các chuyên gia bắt đầu lắc đầu. Sau một hồi cùng nhau thảo luận, một chuyên gia đại diện tuyên bố: "Thật không may, bức tranh này là tranh giả, chỉ cần nhìn thoáng qua là có thể thấy được".

Sau đó, chuyên gia giải thích cặn kẽ nguyên nhân là do tranh vẽ không nhất quán lắm. Hoa lá, chim muông trong tranh đều có màu sắc quá lộng lẫy, thậm chí có chút chói mắt, không phù hợp với phong cách phối màu trang nhã của Tề Bạch Thạch.

Chuyên gia nói xong, người dẫn chương trình tỏ ra tiếc nuối và nói rằng nếu bức tranh này là thật thì giá trị của nó phải lên tới hàng chục triệu NDT. Thế nhưng, người phụ nữ đem tranh tới thẩm định lại có nét mặt vô cùng khó đoán. Khi bầu không khí rơi vào cảnh yên lặng, cô mới cười nhẹ rồi nói một câu làm cả khán phòng bối rối: "Mọi người có biết tôi là ai không?".

Đem bức tranh quý đi thẩm định bị phán là đồ giả, người phụ nữ cười nhẹ nói “Có biết tôi là ai không?” làm chuyên gia phải xin lỗi rối rít - Ảnh 4.

Người phụ nữ không nhịn được mà bật cười sau khi nghe chuyên gia "phán" xong

Không cần đợi lâu, người phụ nữ đã dõng dạc giới thiệu về bản thân mình khiến tất cả đều ồ lên bất ngờ. Cô tên là Tề Tuệ Quyên, bản thân cũng làm nghề họa sĩ và là cháu nội của danh họa Tề Bạch Thạch.

Bức tranh đem đến chương trình chính là một món quà mà ông nội đã tặng cho cô khi còn sống. Tề Tuệ Quyên luôn coi nó như một bảo vật gia truyền, giữ gìn rất cẩn thận. Tất nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bức tranh không thể là giả và các chuyên gia của Kiểm định bảo vật lần đầu tiên đã đưa ra đánh giá sai lầm.

Đem bức tranh quý đi thẩm định bị phán là đồ giả, người phụ nữ cười nhẹ nói “Có biết tôi là ai không?” làm chuyên gia phải xin lỗi rối rít - Ảnh 6.

Đây là lần hiếm hoi trong lịch sử chương trình chuyên gia phải cúi đầu nhận sai

Hội đồng chuyên gia đều vô cùng sốc và lúng túng trước sự thật bất ngờ này. Sau đó, họ đã thành thật xin lỗi Tề Tuệ Quyên và xin phép được kiểm tra lại bức tranh một lần nữa để "mở rộng tầm mắt".

Dù đã "lừa" được loạt chuyên gia nhưng họa sĩ Tề Tuệ Quyên cũng cho biết việc họ đoán nhầm cũng không phải do thiếu kiến thức hay chuyên môn. Bức Lá phong, ve sầu và mùa thu được Tề Bạch Thạch sáng tác vào những năm cuối đời nên cách thể hiện nghệ thuật cũng khác so với khi còn trẻ. Đồng thời có lẽ danh họa cũng muốn thử nghiệm một chút so với thông thường nên đã vẽ ra tác phẩm có phần khác phong cách thường thấy của mình.

Đem bức tranh quý đi thẩm định bị phán là đồ giả, người phụ nữ cười nhẹ nói “Có biết tôi là ai không?” làm chuyên gia phải xin lỗi rối rít - Ảnh 8.

Sai sót của chuyên gia bị coi là không may khi "đụng trúng" cháu nội của họa sĩ

Nguồn: Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại