Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM vừa có văn bản gửi UBND TP liên quan đến tình hình triển khai thực hiện quy hoạch sân golf trên địa bàn TP. Đáng chú ý, sở này kiến nghị loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất (TSN), quận Tân Bình, ra khỏi quy hoạch của TP.
Những lý lẽ thuyết phục
Động thái trên của Sở QH-KT TP xuất phát từ quyết định hồi tháng 8 của Bộ Giao thông Vận tải về điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế TSN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, vị trí sân golf sẽ không còn, thay vào đó sẽ bố trí ga hàng hóa, khu nhà chứa máy bay và một phần cây xanh, hồ điều tiết.
Trước đây, sân golf trong sân bay TSN được quy hoạch có quy mô gần 160 ha, 36 lỗ, kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm hội nghị, khách sạn 5 sao, khu nhà ở cho thuê và công trình công cộng.
Liên quan đến câu chuyện sân golf TSN, cử tri quận Tân Bình đã nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền chấm dứt cho thuê mặt bằng xây sân golf, nhà hàng trong sân bay để mở rộng thêm nhà ga, đường băng, sân đậu... giải quyết tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong đó, ông Lê Văn Sang (75 tuổi, người từng gửi 3.200 lá đơn đến các cơ quan chức năng) đề đạt nguyện vọng "bứng" sân golf Tân Sơn Nhất. Đồng tình, ông Nguyễn Văn Diệp (80 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP) cũng đề nghị không nên làm sân golf trong sân bay.
Không chỉ cử tri quận Tân Bình, cử tri các quận khác cũng nhiều lần lên tiếng về sân golf TSN. Ông Nguyễn Hữu Châu, quận 3, nói: "Việc tồn tại sân golf trong sân bay là không nhất thiết phải có.
Dùng đất làm sân golf để mở rộng đường băng mới đạt lợi ích quốc gia và đáp ứng mong muốn của người dân".
Đặc biệt, trong nghiên cứu các phương án mở rộng sân bay TSN, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TP HCM, cho rằng việc cần thiết là phải thu hồi sân golf để mở rộng sân bay.
Cần bổ sung thêm nhiều quy định
Song song với việc đề xuất xóa bỏ sân golf TSN, Sở QH-KT TP cũng đề cập đến việc bổ sung vào quy hoạch sân golf Cần Giờ.
Liên quan đến sân golf này, trước đó, UBND TP đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án sân golf Cần Giờ vào danh mục quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 để thúc đẩy du lịch, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Cần Giờ.
Ngoài ra, TP cũng đang xem xét, đề nghị bổ sung vào quy hoạch một sân golf tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2014, đến năm 2020 TP có 5 sân golf, gồm Lâm Viên ở quận 9, TSN ở Tân Bình, GS ở Củ Chi, Sing-Việt ở Bình Chánh và Rạch Chiếc ở quận 2.
Tuy nhiên, sân golf Rạch Chiếc sau đó bị loại khỏi quy hoạch, chuyển đổi công năng thành khu đô thị Sài Gòn Bình An.
Như vậy, ngoài sân golf TSN, trong 3 sân golf còn lại, hiện nay chỉ có sân golf Lâm Viên với quy mô 300 ha đang hoạt động, còn sân golf Củ Chi và Bình Chánh đang trong quá trình đầu tư.
Cụ thể, sân golf Sing-Việt với diện tích hơn 70 ha đang trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500, chưa triển khai xây dựng công trình.
Sân golf GS Củ Chi đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, giảm quy mô từ 200 ha còn 190 ha, từ 36 lỗ còn 18 lỗ. Sân golf này kết hợp dịch vụ khu vui chơi giải trí, nhà nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm hội nghị…
Sở QH-KT cho rằng sân golf là một loại hình dịch vụ cao cấp không dành cho đa phần dân cư.
Dự án sân golf thường sử dụng nhiều đất đai, do đó, điều kiện đầu tư kinh doanh phải sết sức chặt chẽ để tránh lãng phí quỹ đất. Việc quy hoạch sân golf cần được tính toán hợp lý, tránh việc quy hoạch sau đó xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất đô thị với lý do kinh doanh không hiệu quả.
Bên cạnh đó, Sở QH-KT đề nghị xem xét, bổ sung thêm các quy định, quản lý nhà nước, thẩm quyền liên quan đến các dự án bất động sản như căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng bên trong các dự án sân golf.
Ngoài ra, Sở QH-KT cũng nhận định ngoài những mặt tích cực như tạo ra việc làm, hình thành một điểm du lịch, giải trí gắn với nghỉ dưỡng khi đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện những hạn chế như ô nhiễm môi trường do các hóa chất trồng cỏ chảy xuống mạch nước ngầm lan vào các khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, cũng cần có thêm những quy định để khắc phục.
Uy hiếp an toàn bay
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng sân golf trong sân bay TSN có khả năng uy hiếp an toàn bay, bởi sân golf nằm trong sân bay với các công trình lớn là rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cất - hạ cánh.
"Chẳng có quốc gia nào lại đi xây một sân golf rộng lớn như vậy bên trong sân bay như ở TSN, việc này hoàn toàn không phù hợp. Đất sân bay là phải làm các nhiệm vụ phục vụ sân bay, an ninh quốc phòng" - ông Ninh thẳng thắn nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, sân golf TSN luôn có khả năng uy hiếp an toàn bay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, việc thu hồi sân golf ngoài việc bảo đảm an toàn bay còn tạo điều kiện cho các phương án mở rộng sân bay như xây thêm đường lăn, các công trình phụ trợ khác..., dễ dàng được thực hiện.